43 năm, 8 đợt tìm kiếm và 1 ước mong
“Sau mỗi lần tìm kiếm nhưng bất thành, lòng chúng tôi càng trĩu nặng, day dứt hơn, khắc khoải hơn. Chúng tôi càng thấy mình mắc nợ lớn hơn với những người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các anh đã chết cho chúng ta được sống, cho chúng ta có được ngày hôm nay” - cựu chiến binh Hoàng Sơn Lâm nói.
Báo Quảng Nam cuối tuần số trước, trong bài “Mong tìm đón các anh về” có câu chuyện cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen công bố đoạn video clip dài hơn 6 phút với hình ảnh về sự hy sinh của 16 chiến sĩ quân giải phóng thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404 (D404 - Quân khu 5), trong trận đánh vào sân bay Khâm Đức (Phước Sơn) rạng sáng 5.8.1970. Mới đây, trong hành trình “trở về” của thân nhân, đồng đội các liệt sĩ, với ước mong tìm thấy 16 hài cốt trong hố chôn tập thể, có cựu chiến binh Hoàng Sơn Lâm (SN 1950). Trò chuyện với chúng tôi, ông Lâm chia sẻ rằng, mình thật sự bị sốc khi xem đoạn video clip về sự hy sinh của các đồng chí, đồng đội.
- Nhìn thấy hình ảnh đồng chí, đồng đội của mình hy sinh (qua đoạn video clip) ở thời điểm mà chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, hẳn sẽ rất sốc dù đó là người lính từng dày dạn chiến trường như ông. Ông cảm giác thế nào khi đứng trên mảnh đất Khâm Đức trong lần “trở về” này?
Thật nhiều cảm xúc đan xen, mà luồng cảm xúc nào cũng trỗi dậy mãnh liệt. Tôi và các đồng đội hôm nay rất biết ơn cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen khi công khai video. Qua những thước phim chân thực đó, tôi chứng kiến giây phút cuối cùng đồng đội mình hiện hữu trên mảnh đất Khâm Đức, nơi mà họ sẵn sàng dâng hiến trọn cuộc đời!
Những hình ảnh do cựu chiến binh Mỹ - Randy Fleetwood (người phụ trách chôn các liệt sĩ) vừa cung cấp, đánh dấu xác định vị trí hố chôn tập thể 16 liệt sĩ đặc công. Điều này tiếp thêm động lực để cựu chiến binh D404 và thân nhân tổ chức đợt tìm kiếm tiếp theo vào đầu tháng 8 tới. |
Tôi quặn lòng xót xa và kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả ấy! Vô cùng khâm phục, tự hào trước sự oanh liệt quả cảm ấy!
- Ngày ấy ông cũng đã có mặt ở Khâm Đức?
Đúng, nhưng không hoàn toàn như thế. Tôi đã ở Khâm Đức nhưng không trực tiếp tham gia trận chiến. Vào buổi sáng 43 năm trước, khi máy quay của Jensen ghi hình, trên một đỉnh núi cao phía tây nam, tôi cũng đang hướng ống nhòm xuống sân bay Khâm Đức từ đài quan sát A5 đóng trên điểm cao 1599. Trước đó vài tiếng đồng hồ, cũng ở đài quan sát A5, tôi đã theo dõi trận đánh qua âm thanh và ánh sáng từ chiến trường.
- Những hình ảnh từ video clip cho thấy các chiến sĩ hy sinh với vẻ mặt bình thản!
Hãy nhìn xem! Khi thân thể đã không còn sự sống, khuôn mặt các anh không gợn nét sợ hãi kinh hoàng mà chỉ toát lên vẻ cương nghị quyết tâm. Có thể sự sống rời bỏ họ trong chậm rãi và đau đớn nhưng họ không hoảng hốt cầu xin mà tiếp nhận bằng sự bình tĩnh gan góc. Và tôi hiểu họ ra đi trong thanh thản vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mình!
Hãy nhìn xem! Họ, những người lính nêu cao phẩm chất tuyệt vời là lòng dũng cảm. Trên đường tiếp cận mục tiêu đầy ác liệt hiểm nghèo nhưng đội hình tiềm nhập của các anh không hề rối loạn. Các anh ngã xuống trong tư thế tiến công. Các anh thực sự là những anh hùng!
- Là người đồng chí, đồng đội, hẳn ông có những câu chuyện liên quan đến các liệt sĩ?
Có câu chuyện cho tôi nhiều cảm xúc về một trong số 16 liệt sĩ. Liệt sĩ ấy khi hy sinh để lại hậu phương 3 đứa con nhỏ và người vợ trẻ mới ngoài 30 tuổi. Người vợ trẻ sống tại một miền quê khí hậu khắc nghiệt, bom pháo ầm trời. Suốt những năm tháng đất nước gian nan, người vợ ấy đã lao động vất vả chờ chồng nuôi con, rồi thờ chồng nuôi con. Người vợ đã quên đi bản thân mình, không lấy ai, tần tảo bươn chải nuôi nấng đàn con trưởng thành. Mong ước duy nhất của bà là đem được hài cốt chồng về quê hương. Bốn mươi năm sau ngày chồng hy sinh, gánh nặng cuộc sống và vòng quay thời gian khiến người vợ trẻ thành một bà già mái tóc bạc, khuôn mặt nhăn nheo, dáng vẻ khắc khổ, chậm chạp, ánh mắt mờ sương. Nhưng tâm nguyện của bà, khát khao của bà càng nung nấu, chưa hề nguôi ngoai. Trước nỗi day dứt khắc khoải của mẹ, các con bà đã lên đường vào Khâm Đức. Sau mấy ngày tìm kiếm không kết quả, họ đành bốc một ít đất nơi năm xưa trận đánh diễn ra, bọc trong lá cờ Tổ quốc, đem về nói dối người mẹ đấy là hài cốt cha mình. Bà lão bé nhỏ giơ hai cánh tay gầy guộc run rẩy ôm bọc đất vào lòng nghẹn ngào nấc lên: “Anh ơi ! Ới anh ơi!”. Tiếng kêu nức nở ấy như phát ra từ cõi thẳm sâu của ký ức đằng đẵng 40 năm trời dồn nén. Thì ra trong tâm khảm của bà, tình yêu vẫn vẹn nguyên như ngày bồng con tiễn chồng ra trận. Với bà, anh mãi mãi là người đàn ông mạnh mẽ, trẻ trung!
- Một câu chuyện khác?
Trong số 16 người lính ấy, có một chàng trai 21 tuổi. Người yêu cùng quê kém anh 1 tuổi là cô gái xinh đẹp nhất làng. Chiến tranh. Chia ly. Cô gái sau đó dù có hạnh phúc riêng nhưng vẫn duy trì mối quan hệ tốt với gia đình người lính như lẽ sống của mình. Cô thường qua lại chăm nom, sẻ chia vui buồn với bố mẹ anh. Và sau 43 năm, bây giờ cô thôn nữ ngày xưa đã làm bà của đàn cháu nhỏ. Bà vẫn lặng lẽ chu đáo thực hiện những gì con tim mách bảo, thường xuyên quan tâm đến gia đình người yêu đã hy sinh. Với bà, hình ảnh người lính trẻ vẫn tồn tại trên thế gian này. Ánh mắt ấm áp của anh lấp lánh đâu đó trên cao vẫn nhìn thấy, vẫn dõi theo đầy trìu mến và khích lệ những niềm vui mà người bạn gái năm xưa đem đến cho gia đình mình.
Cựu chiến binh Hoàng Sơn Lâm (SN 1950) hiện trú tại đường Đồng Cửa, phường Lê Lợi, TP. Bắc Giang. Trong chống Mỹ, ông là bộ đội công binh Tiểu đoàn 236, Trung đoàn 230, Cục Hậu cần Quân khu 5, hoạt động ở Phước Sơn. Năm 1970, thời gian Mỹ ngụy càn lên đường hành lang khu 5, ông làm nhiệm vụ tại đài quan sát A5, đóng trên điểm cao 1599, theo dõi địch ở Khâm Đức. |
- Ông nhắn nhủ gì với những người của hôm qua, hôm nay và cả với người đã công bố video clip về sự hy sinh của 16 liệt sĩ?
Tôi cũng đã tự hỏi, nếu ngày ấy tôi chạm mặt Jensen, không biết điều gì sẽ xảy ra... Còn hôm nay, 43 năm đã trôi qua, tôi muốn được gọi Jensen là bạn và tôi nghĩ ông ấy cũng đồng ý như thế.
Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là nhất quyết không được để hình ảnh của cuốn phim trên tái diễn. Những hình ảnh đó vĩnh viễn chỉ còn là lịch sử của đất nước chúng ta. Một giai đoạn lịch sử đẫm máu, nước mắt nhưng quật cường mà các thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ được phép lãng quên!
Cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay cũng là những gì tôi muốn gửi đến Jensen. Một lần nữa, tôi và các đồng đội chân thành cám ơn ông ấy!
- Đã rất nhiều lần cựu chiến binh D404 và thân nhân các liệt sĩ vào Khâm Đức tìm hài cốt 16 chiến sĩ đã hy sinh nhưng không có kết quả, và lần này cũng vậy.
Bằng tất cả nỗ lực, khả năng của mình, chúng tôi đã 8 lần tổ chức tìm kiếm hố chôn 16 liệt sĩ nhưng chưa toại nguyện. Lần này cũng không thành nhưng không có nghĩa chúng tôi bỏ cuộc. Với sự giúp đỡ của những người bạn Mỹ, tôi có cảm giác đã rất gần với hài cốt của các anh. Lần này chúng tôi về để chuẩn bị cho chuyến trở lại kế tiếp dự kiến sẽ thực hiện vào đầu tháng 8 tới, đúng dịp kỷ niệm ngày diễn ra trận đánh. Tôi cầu mong trong chuyến trở lại tới đây, điều kỳ diệu sẽ đến, chúng tôi sẽ tìm thấy các anh.
- Là người con đất Quảng, tôi thật sự cảm phục trước sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ vì quê hương Quảng Nam. Tôi cũng sẽ thành tâm cầu nguyện cho lần tới, ông cùng đồng đội của mình tìm thấy và đưa hài cốt các anh về!
LÊ VŨ (thực hiện)