Dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”: Cải thiện sinh kế cho người dân
Được triển khai từ tháng 5.2012, dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) phối hợp với UBND huyện Nam Giang tổ chức tại xã Ta Bhing đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ môi trường, văn hóa và thay đổi chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây.
Trải nghiệm đời sống văn hóa Cơ Tu
Không giống các dự án du lịch cộng đồng đã được triển khai trước đây, dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức FIDR phối hợp với huyện Nam Giang tổ chức tập trung vào mục tiêu chính là phát huy tính chủ động của cộng đồng với việc kết nối nhiều thành phần tham gia. Để phục vụ đưa đón khách, dự án đã thiết lập hệ thống điều hành tour tại xã Ta Bhing với 2 thành viên là người Cơ Tu và thành lập 15 nhóm sáng kiến cộng đồng như nhóm múa truyền thống, nhóm ẩm thực, nhóm dệt, nhóm cải thiện vệ sinh cộng đồng, nhóm an ninh, an toàn du lịch, nhóm soạn thảo quy định du lịch, nhóm thuyết minh viên… Mỗi nhóm đều có kế hoạch hoạt động riêng. Các thành viên trong ban điều hành tour có nhiệm vụ điều phối các nhóm cùng hợp tác phục vụ khách.
Nếu như ở các dự án du lịch cộng đồng khác, đối tượng khách chủ yếu là nhóm khách lẻ đi theo hình thức trải nghiệm, khám phá văn hóa thì dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” khách hàng mục tiêu là khách đoàn với số lượng tối thiểu 6 khách trở lên đi theo tour trọn gói và thời gian đi về trong ngày. Trong một ngày khách sẽ được tham quan, trải nghiệm qua các dịch vụ như thăm Nhà truyền thống huyện Nam Giang, thăm đời sống sinh hoạt người Cơ Tu và giao lưu với người dân, thưởng thức ẩm thực Cơ Tu, xem trình diễn âm nhạc truyền thống Cơ Tu và trải nghiệm các nghề dệt thổ cẩm, đan truyền thống… Trong buổi tổng kết báo cáo kết quả dự án qua một năm hoạt động của đại diện Tổ chức FIDR với Sở VH-TT&DL vừa diễn ra, các bên đều có chung nhận xét tích cực về những kết quả mà dự án đã đạt được trong việc cải thiện sinh kế cho người dân tại chỗ, nhất là việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa Cơ Tu.
Dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” mở ra hướng phát triển cho nghề đan lát và dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: KHÁNH LINH |
Cải thiện sinh kế
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, bên cạnh các dự án du lịch cộng đồng đang được triển khai tại Bhơ Hôồng hay Đhrôồng (Đông Giang) thì mô hình “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” có những nét riêng biệt độc đáo, vì vậy cần mở rộng kết nối với các điểm du lịch khác như thác Grăng và đường mòn Hồ Chí Minh, phấn đấu trong năm 2014 sẽ đón được 500 khách. “Thời gian đến sở sẽ giúp quảng bá mô hình này trên website du lịch Quảng Nam cũng như trong các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt sẽ giới thiệu 3 đơn vị lữ hành là Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An, Công ty CP Du lịch và thương mại Lê Nguyễn và Công ty Du lịch mạo hiểm lên khảo sát đưa khách đến” - ông Hài khẳng định. |
Theo bà Nobuko Otsuky, đại diện FIDR tại Việt Nam, dù mới triển khai thử nghiệm hơn một năm (từ tháng 5.2012 đến tháng 6.2013) nhưng đã có 20 đoàn với số lượng 260 khách chủ yếu là khách châu Âu và Nhật Bản đến tham quan, tổng thu nhập hơn 93 triệu đồng, trong đó thu nhập của các nhóm cộng đồng hơn 51 triệu đồng, số tiền còn lại được giữ để đầu tư mua sắm phục vụ hoạt động sau này. Thông qua việc đón khách, người dân địa phương đã có cơ hội học tập và thực nghiệm cách làm du lịch; cách nhận khách, thể hiện lòng hiếu khách và quảng bá giới thiệu bản sắc của văn hóa Cơ Tu. Sau mỗi chuyến đón đoàn, ban điều hành và các nhóm sáng kiến đều tổ chức các cuộc họp đánh giá để cải thiện chất lượng phục vụ cho lần sau. Còn theo bà Naomi Okiyama (quản lý dự án), hiệu quả của dự án không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa, cải thiện sinh kế, tạo thu nhập cho người dân tại chỗ mà qua đó tính cố kết cộng đồng người dân càng thêm bền chặt. “Mỗi khi có đoàn khách đến thăm cả làng như ngày hội: nhóm múa luyện tập; nhóm dệt chuẩn bị khung cửi len sợi; nhóm ẩm thực thì giết gà mổ heo… ai cũng tất bật rộn ràng” - bà Naomi Okiyama nói.
Dù dự án kéo dài đến năm 2016 mới kết thúc (2012-2016), nhưng với những kết quả đã đạt được hứa hẹn sẽ làm thay đổi đời sống của người dân xã Ta Bhing tạo tiền đề mở rộng dự án ra nhiều nơi khác không chỉ ở Nam Giang. Đặc biệt với 4 loại hình tour đã và đang được triển khai là du lịch văn hóa nông thôn, du lịch tản bộ sinh thái, chương trình giao lưu văn hóa, loại hình du lịch dựa vào những quan tâm đặc biệt của khách… sẽ góp phần tạo sự phong phú dịch vụ và đa dạng điểm đến cho du khách khi đến với miền tây Quảng Nam thời gian tới.
KHÁNH LINH