Mở rộng không gian du lịch Hội An
Hội An đang tìm hướng mới để khai thác, phát huy thế mạnh du lịch đang còn tiềm ẩn ở các vùng ven, biển đảo…
Đường xưa lối cũ
Bây giờ nhiều người vẫn nhớ và hỏi rằng tại sao lâu nay ở Hội An không thấy tổ chức lễ hội văn hóa - thể thao miền biển hay “Cảm xúc mùa hè” như những năm cuối thập kỷ 90, đầu những năm 2000 trước đây? Có lẽ nhiều người chưa thể quên được những cuộc hội hè đình đám, đậm sắc màu biển đảo, những cuộc chơi mà chính quyền và người dân vùng “cửa sông ven biển” này đã dụng công bày biện để mời gọi bạn bè, du khách gần xa. Và vì thế mọi người cũng cảm thấy dường như thiếu vắng những hoạt động du lịch ở vùng ven biển, ngoại ô thành phố.
Rời xa phố cổ là cảnh sông nước Hội An hữu tình.Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Thực tế, du khách khắp nơi biết đến du lịch Hội An nhiều năm qua chủ yếu nhờ vào thương hiệu di sản văn hóa thế giới - khu phố cổ Hội An. Níu kéo bước chân bao du khách đến với Hội An chính là sản phẩm “Đêm phố cổ”, những trải nghiệm với không gian phố thị - thương cảng cổ xưa, mối quan hệ giao tiếp của những chủ nhân di sản - một “bảo tàng sống” quý hiếm ở Đông Nam Á... Song chừng đó dẫu không phải là ít nhưng đã lâu rồi nên trở thành cũ kỹ. “Đường xưa” nay đã thành “lối cũ”, không đủ hấp lực giữ chân người. Du khách mong muốn khám phá ở Hội An những điều mới mẻ, muốn mở rộng hoạt động và không gian trải nghiệm nhiều hơn ngoài khu phố cổ, đến với vùng sông nước, biển đảo đầy tiềm năng, lợi thế được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Biết và nắm bắt được thị hiếu của du khách, chính quyền và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố đã bàn thảo, tìm hướng khắc phục, mở mang nhưng xem ra vẫn còn lúng túng, chưa biến chuyển. Sau lễ hội văn hóa - thể thao miền biển năm 1997 tại Cù Lao Chàm, vài lần “Cảm xúc mùa hè” tại bãi biển Cẩm An các năm kế tiếp, hoạt động dịch vụ du lịch ở vùng biển “Cửa Đại lộng gió” từ đó dường như bị rơi vào “quãng lặng” khá dài. Các hoạt động hội hè, văn hóa, thể thao... vẫn được tổ chức và diễn ra khá thường xuyên nhưng chỉ mang tính phong trào của từng xã phường, không hấp dẫn du khách. Đời sống cộng đồng ngư dân với những trải nghiệm thú vị dành cho du khách chỉ được khai thác lẻ tẻ, tự phát. Bãi biển Cửa Đại, An Bàng được du khách bầu chọn vào hàng đẹp có tiếng của thế giới cũng chỉ là điểm đến tắm là chính, thiếu hẳn các dịch vụ vui chơi. Có chăng cũng chỉ bó hẹp phục vụ nội bộ khách do các khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn ven biển như Victoria, Beach Resort Hội An, Cát Vàng, Palm Garden... khai thác. Du khách đi tự do khó lòng chen vào được.
Hướng đi mới
Theo ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, thời gian qua du lịch biển Hội An chưa được quan tâm đúng mức như ý hướng ban đầu với nhiều lý do. Thời cơ và vận hội đã có nhiều thay đổi, không thể “tự hài lòng” nữa, trong thời gian tới, thành phố phải nỗ lực để khai thác hiệu quả du lịch vùng ven biển, làm cho thương hiệu du lịch biển từng bước sánh bằng du lịch phố cổ.
Cẩm Thanh - một xã nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, “nơi dòng sông gặp biển” được xác định xây dựng thành làng quê sinh thái đặc thù từ khi có nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố (tháng 7.2006) với những tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ cũng nằm im bất động hơn 5 năm. Thực sự “cựa mình” từ năm 2012 từ quyết tâm của chính quyền địa phương cùng sự hợp tác của một số doanh nghiệp, hiện nay Cẩm Thanh đã tạo được một số hoạt động và sản phẩm du lịch mới, được du khách ưa chuộng như bơi thuyền khám phá rừng dừa ngập mặn, đi xe đạp tận hưởng khung cảnh thiên nhiên làng quê, sông nước, chế biến và thưởng thức ẩm thực thủy sản vùng nước lợ... Chính nhờ vậy, hoạt động du lịch giữa khu phố cổ với vùng ven biển Hội An thời gian gần đây đã có được điểm kết nối, tạo sức lan tỏa.
Cù Lao Chàm như một nàng tiên cá sau thời gian dài ngủ yên trong biển cả, bây giờ cũng được đánh thức bởi bước chân của hàng trăm ngàn du khách. Điều ấy cũng làm thức tỉnh các nhà lãnh đạo và quản lý thành phố về vị thế du lịch, kinh tế của quần đảo này. Dẫu chưa thực sự chủ động đón bắt thời cơ phát triển, tổ chức khai thác mang tính “hớt ngọn” (chủ yếu là tham quan, ăn uống và rải rác có thêm lặn, ngắm san hô, bán hàng hải sản...) nhưng du lịch đã mang lại nhiều đổi thay trên đảo. Người dân có thêm niềm vui nhờ thu nhập tăng đáng kể. Là địa bàn xã đảo, đặc thù khó khăn mà thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm, quả nhiều nơi khác chưa sánh kịp. Tổng GDP toàn xã đạt 52 tỷ đồng, trong đó kinh tế du lịch chiếm hơn 30%. Không thể chần chừ nữa, Thành ủy Hội An vừa ra nghị quyết chuyên đề về “Chiến lược phát triển du lịch Cù Lao Chàm đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để đẩy mạnh phát triển du lịch vùng biển đảo quê hương.
Rõ ràng, không gian du lịch của Hội An đang được lãnh đạo thành phố chú trọng mở rộng để dần kéo giãn lượng du khách tham quan mỗi ngày càng đông ra ngoài khu phố cổ, đến với vùng biển đảo giàu tài nguyên thiên nhiên, sinh thái. Hướng đi ấy vừa được phát lộ nhưng đầy triển vọng. Bên cạnh việc tạo ra nhiều hơn các sản phẩm du lịch giàu sắc thái biển đảo, ruộng vườn, sông nước... còn cần lắm những sản phẩm chất lượng cao, ấn tượng và thích thú đối với du khách, tương xứng với danh hiệu “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An”.
ĐỖ HUẤN