Khó khăn xử lý nợ xấu
Mỗi ngân hàng đều có những lựa chọn riêng, nhưng cơ chế nào để xử lý hiệu quả nợ xấu vẫn là câu chuyện đầy khó khăn trong hiện tại.
Nợ xấu không giảm
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - chi nhánh Quảng Nam cho thấy tín dụng cho nền kinh tế vẫn tăng ở mức thấp khi chỉ tăng 0,92% so với 2,98% của cả nước. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn trong vòng 6 tháng qua chỉ đạt hơn 22.383 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào khối ngân hàng thương mại nhà nước với tỷ lệ trên 50,37%. Dòng tín dụng bị ách tắc hay tăng chậm khi lãi suất giảm mạnh là minh chứng rõ nhất lãi suất không còn là nguyên nhân cản trở dòng tín dụng mà chủ yếu vẫn là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nợ xấu vẫn còn ở mức cao. Điều này cũng cho thấy trong điều kiện kinh tế khó khăn, nợ xấu cao cũng đã làm cho các ngân hàng thận trọng hơn trong việc ra quyết định cho vay!
Giải phóng hàng tồn kho, phát triển sản xuất sẽ giảm áp lực xử lý nợ xấu.Ảnh chỉ có tính minh họa |
Theo số liệu từ các tổ chức tín dụng (TCTD), số nợ xấu đóng băng từ đầu năm đến nay của 3 ngân hàng (Ngân hàng Công thương - chi nhánh Quảng Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển - chi nhánh Quảng Nam, Ngân hàng Cathay United - chi nhánh Chu Lai) là 1.455 tỷ đồng, chiếm 91,88% trong tổng nợ xấu toàn địa bàn. Đây cũng là nguyên nhân đẩy tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh cao hơn nhiều so với cả nước. NHNN - chi nhánh Quảng Nam cho biết, dù đã nỗ lực nhưng việc xử lý nợ xấu 6 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ, số dư nợ xấu chiếm 7,07% trên tổng dư nợ (1.583,5 tỷ đồng), giảm 0,03% so với đầu năm. Hiện việc xử lý các khoản nợ xấu gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp (DN) không còn khả năng trả nợ. Một số ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tuy nhiên khả năng bán được tài sản rất khó do người vay bất hợp tác với ngân hàng.
Tuy nhiên, theo NHNN - chi nhánh Quảng Nam, nợ xấu tại địa phương vẫn nằm trong tầm kiểm soát bởi phần lớn dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh nên việc xử lý nợ xấu cũng đơn giản hơn. Nợ xấu tại Quảng Nam cũng chỉ là lũy kế chứ không phải là hiện tại. Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng tín dụng chậm như đã công bố. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tài chính, không phải bây giờ mới có nợ xấu mà tồn tại trong nhiều năm do sự tích lũy của một thời tăng trưởng tín dụng nóng, một phần là do ngân hàng tạo nên. Nếu ngân hàng có đủ khả năng thẩm định dự án chính xác, giải ngân theo đúng quy trình quản trị rủi ro, liệu nợ xấu có giảm thiểu không? Nguyên nhân tạo ra nợ xấu này vẫn không ngoài việc công tác thẩm định và quản trị rủi ro của ngân hàng có vấn đề, chưa đúng tầm và hiệu quả sử dụng vốn vay sai mục đích hay chưa tốt của khách hàng. Giới ngân hàng hay NHNN đều nói một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở tăng trưởng tín dụng là nợ xấu. Vì thế, nợ xấu đã được NHNN đưa lên mức báo động và việc xử lý vấn đề này đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế.
Lựa chọn kế hoạch xử lý
Triển khai nhiều biện pháp xử lý nợ xấu Theo NHNN - chi nhánh Quảng Nam, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, phân loại nợ bằng các biện pháp đồng bộ, đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng để kiểm soát nợ xấu, tiếp tục xử lý các khoản nợ cũ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ cho việc phát triển kinh tế tại địa phương. “Đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp như cơ cấu lại nợ một cách hợp lý để giảm khó khăn tạm thời cho DN, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật, thực hiện tốt việc mua bán nợ… Với những giải pháp đó, hoàn toàn có thể hy vọng về việc đưa con số nợ xấu về mức theo đúng tiêu chuẩn” - bà Thảo nói. |
Giới ngân hàng thừa nhận việc giải quyết trình trạng ách tắc tín dụng cần xử lý nợ xấu kết hợp với sự tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… Theo một giám đốc ngân hàng, từ trước đến nay các cơ quan quản lý chọn cách xử lý truyền thống là tái cấp vốn, bơm tiền ngắn hạn. Phương thức ấy chỉ mang tính chất tạm thời, không “đào tận gốc” nợ xấu. Vì vậy, dựa vào tiềm lực tài chính, mỗi ngân hàng đều có lựa chọn cho riêng mình. Nhiều ngân hàng xử lý nợ xấu bằng cách không tiếp tục rót vốn cho DN hoạt động không ổn định, đàm phán khách hàng bán tài sản trả nợ, phối hợp DN tìm cách bán hàng để thu tiền về… Hoặc có ngân hàng lựa chọn phương thức bán chéo các sản phẩm giữa ngân hàng và DN là cách thu hồi vốn nhanh, giúp cả ngân hàng và DN thoát khỏi khó khăn hiện tại. Khởi kiện ra tòa để buộc các DN trả nợ là việc ít ngân hàng lựa chọn bởi thủ tục pháp lý khá rườm rà, thời gian thu hồi nợ quá dài… Một trong những giải pháp tốt nhất được một vài ngân hàng lựa chọn là cơ cấu lại nợ bởi họ cho rằng, khó khăn của DN đang dần qua khi lãi suất giảm, lạm phát giảm, tỷ giá ổn định và Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ.
Bà Lưu Thị Thảo - Giám đốc NHNN - chi nhánh Quảng Nam cho biết, chi nhánh đã từng yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động phối hợp với khách hàng trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn. Các ngân hàng cũng đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ đối với những khách hàng khó khăn nhưng có triển vọng phát triển, có khả năng phục hồi mở rộng sản xuất kinh doanh, bảo đảm khả năng trả nợ ngân hàng. Kết quả nỗ lực sử dụng nguồn dự phòng rủi ro, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu cho 55/95 DN với tổng dư nợ là 258 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng NN&PTNT xử lý nợ của 31/37 DN, Ngân hàng Đầu tư xử lý nợ 17/20 DN, Ngân hàng Công thương xử lý 2/13 DN và Ngân hàng Ngoại thương là 5/7 DN.
Con số 258 tỷ đồng nợ được xử lý là một con số ấn tượng nhưng nếu nhìn vào dư nợ xấu tồn tại từ nhiều năm qua và số lượng ngân hàng xử lý nợ xấu chỉ tập trung chủ yếu vào ngân hàng thương mại nhà nước thì vẫn cho thấy việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng còn khoảng trống lớn. Giới ngân hàng vẫn đang bàn thảo đến các phương thức xử lý nợ xấu nhưng thực tế lại không muốn hy sinh quyền lợi trước mắt để có một tương lai ổn định lâu dài. Vì thế, tương lai nợ xấu vẫn còn là dấu hỏi lớn khi những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng như hiện nay rất khó thay đổi.
TRỊNH DŨNG