Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Cần tránh sự dàn trải
Hôm qua 16.7, Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Công văn 588/TTg-ĐP ngày 20.4.2009 và Nghị quyết 30a của Chính phủ. Các đồng chí
Các cơ chế chính sách của Chính phủ đã bước đầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi Quảng Nam. Trong ảnh: Diện mạo xã Lăng (huyện Tây Giang) hôm nay. |
Kết quả bước đầu
Phát biểu tại hội nghị Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực từ các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 24,18% (năm 2010) xuống còn 17,93% (năm 2012); nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành, tập trung thực hiện; những chương trình, đề án đặc thù của tỉnh đã góp phần giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám - chữa bệnh, học tập… được giải quyết kịp thời. Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi... đã góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo và thoát nghèo bền vững. Người nghèo đã có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát triển sản xuất, tạo thu nhập. Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của các huyện, xã, thôn nghèo được quan tâm đầu tư. Văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc từng bước được phục hồi và phát huy. Nhờ đó, diện mạo miền núi đã có sự thay đổi tích cực...
Qua 4 năm (2010 - 2013), tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình đầu tư cho miền núi Quảng Nam gần 820 tỷ đồng, trong đó đã bố trí cho các huyện giáp Tây Nguyên 296,6 tỷ đồng. Đến nay, các huyện miền núi đã bàn giao và đưa vào sử dụng 1.345 nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ với tổng kinh phí 32,731 tỷ đồng; giao khoán 1.064 hộ chăm sóc, bảo vệ hơn 16.162ha rừng, với tổng kinh phí gần 5,1 tỷ đồng; xây dựng 3 trung tâm dạy nghề ở 3 huyện nghèo và bước đầu hoạt động có hiệu quả (Nam Trà My năm 2011, Phước Sơn và Tây Giang năm 2012)... |
Lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội miền núi Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tốc độ phát triển kinh tế còn thấp và chưa bền vững, chưa thu hẹp được khoảng cách về trình độ phát triển so với đồng bằng. Đời sống nhân dân ở các khu tái định cư còn khó khăn do hạ tầng không đồng bộ, xuống cấp nhanh. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu, đào tạo nghề chậm, thiếu lực lượng lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề nên khó khăn trong giải quyết việc làm. Việc khám chữa bệnh tuy được cải thiện nhưng còn thiếu trang thiết bị, tuyến cơ sở thiếu đội ngũ y - bác sĩ có tay nghề... Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, nhu cầu đầu tư cho miền núi nhiều, song nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, trong khi nguồn vốn phân bổ của Trung ương chưa đáp ứng nên rất khó khăn trong phân bổ đầu tư.
Hướng nào để phát triển?
Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội miền núi Quảng Nam bền vững và hiệu quả. Trong đó, chú trọng việc chăm sóc và bảo vệ rừng gắn với bảo vệ môi trường; tái định cư cho đồng bào phải phù hợp với phong tục, tập quán và thói quen sinh hoạt của người dân... Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Alăng Mai, việc bố trí đất sản xuất cho hộ dân tái định cư trên địa bàn miền núi nói chung, huyện Nam Giang nói riêng, lâu nay không phù hợp, dẫn đến tình trạng người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Cạnh đó, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân khu tái định cư còn nhiều vướng mắc, cơ sở hạ tầng khu tái định cư nhanh xuống cấp... khiến đời sống người dân tái định cư gặp nhiều khó khăn. “Đây là những vấn đề bức xúc cần giải quyết tức thời, vì liên quan đến cuộc sống trước mắt của người dân. Người dân có ăn no, có ngủ yên thì mới tính đến chuyện phát triển được” – ông Alăng Mai nói.
Xung quanh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các huyện miền núi, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Bhling Mia kiến nghị cần sắp xếp các chương trình mục tiêu đầu tư phát triển miền núi của Chính phủ về một đầu mối và phân cấp quản lý, tránh đầu tư dàn trải, như thế nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mới đạt hiệu quả cao, công trình khi hoàn thành đảm bảo phục vụ lâu dài cho nhân dân ở từng địa phương. Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, để làm được như vậy, các huyện cần tăng cường cán bộ về cơ sở, góp phần cải cách thủ tục hành chính, định hướng địa phương cơ sở tổ chức lại cơ cấu sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đoàn Văn Viên góp ý, ngoài phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong những năm đến, các cấp cần chú trọng việc bảo vệ rừng để bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, lo nhất là tình trạng phá rừng để trồng cây nguyên liệu, trồng cây cao su, rồi rừng bị phá vì thủy điện...
Kết luận tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng cho rằng, Nghị quyết 30a và cơ chế chính sách của Chính phủ đã bước đầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi Quảng Nam, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trên nền tảng kết quả đạt được cũng như những vướng mắc trong thực hiện, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ chỉ đạo các ngành liên quan rà soát lại chính sách, cơ chế đầu tư để báo cáo Chính phủ có những quyết sách phù hợp nhằm tiếp tục thúc đẩy kinh tế miền núi Quảng Nam phát triển tốt hơn trong thời gian đến.
X.NGHĨA - CHÍ ĐẠI