"Chích máu" tìm kẻ gian

HOÀNG THỌ 15/07/2013 08:36

Người Ca Dong, Xê Đăng ở Nam Trà My, tuyệt đối tin tưởng vào tính chính xác của tục chích máu, xem đây là biện pháp cuối cùng, kể cả sau khi pháp luật can thiệp, để giải quyết tranh chấp hoặc phát hiện kẻ gian. Đây là câu chuyện “lạ” cần tham vấn các nhà khoa học.

Vị trí chích máu trên bàn tay. Ảnh: Hoàng Thọ
Vị trí chích máu trên bàn tay. Ảnh: Hoàng Thọ

Giải quyết tranh chấp

Do cuộc sống hình thành theo mô hình cộng đồng nên người Ca Dong, Xê Đăng thường quần cư trên những sườn đồi và họ gọi cộng đồng làng là nóc. Chính vì sống quần cư nên chuyện tranh chấp tài sản, mâu thuẫn giữa các gia đình là điều khó tránh khỏi. Từ xa xưa, dân làng đã có biện pháp để giải quyết mâu thuẫn bằng cách “chích máu”. Vào ngày già làng đã chọn, những người có liên quan sẽ tập trung ở cuối làng (hoặc là nơi đang tranh chấp) lúc sáng tinh mơ, khi gà chưa gáy, mặt trời chưa mọc, những người chích máu không được ăn uống trước. Sau đó già làng phân công một người đàn ông uy tín vót 2 que nứa dài chừng 5cm, có kích thước như nhau phát cho những người tham gia chích máu. Trước khi tiến hành, mỗi người sẽ cầm que nứa giơ lên trời vái lạy sông núi, thần linh về chứng giám để giúp dân làng tìm ra người đúng, kẻ sai: “Ông trời, ông đất ơi! Ăn máu thì phải hút máu của hắn, trả lại sự công bằng cho tôi”. Vái xong, người này sẽ dùng que nứa chích vào bàn tay trái của người khác, cứ thế họ chích với nhau đến khi người chứng giám thấy đủ độ sâu (thường thì chích vào thịt khoảng 1cm) và già làng sẽ hô: rút que! Nếu vết chích của người nào bị chảy máu, chứng tỏ người đó có lỗi.

Anh Hồ Văn Hiểu, công an viên xã Trà Tập cho biết, năm 2012, ông Xưng ở thôn 1 có tranh chấp cây quế đời trước để lại với anh Níu ở thôn 2. Hai người xuống xã nhờ sự can thiệp của pháp luật nhưng vẫn không giải quyết được, cuối cùng phải tiến hành chích máu và xác định cây quế thuộc anh Níu. Anh Hồ Văn Hiểu còn cho biết: “Hiện nay đang có vụ tranh chấp đất rẫy giữa ông Nút và ông Nớ. Xã đã mời xuống xử lý nhưng họ cứ cãi nhau om sòm, không giải quyết được. Cả hai đã quyết định xin già làng cho chích máu để xác định chủ nhân khu rẫy. Già làng cũng đã đồng ý và đang chọn ngày tiến hành chích máu phân định tranh chấp”. Hay như năm 2012, tại thôn 7 xã Trà Cang, anh Hồ Văn Kiêu bị mất trộm chiếc điện thoại di động. Báo công an xuống điều tra nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Anh Kiêu xin làng cho chích máu để tìm ra kẻ gian. Do làng này có 2 khu dân cư được phân định bởi tuyến đường liên thôn chạy ngang qua nên già làng yêu cầu đại diện khu dân cư trên đường và khu dưới đường ra chích máu. Người đại diện ở khu dân cư dưới đường bị chảy máu nên già làng yêu cầu các hộ trong khu này tiếp tục chích máu. Cuối cùng Hồ Thị T. (23 tuổi) bị chảy máu và đã đem điện thoại trả lại cho Kiêu. Theo quy định của làng, một khi đã tiến hành chích máu thì người yêu cầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị nghi oan. Nghĩa là người bị nghi ngờ đã chích nhưng không chảy máu, sẽ được đền heo, gà, vịt… Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang - Huỳnh Hồ Tanh nói: “Việc chích máu tìm kẻ gian là đúng 100%! Tôi cũng không hiểu vì sao nó đúng như vậy, chưa ai giải thích được. Chủ yếu họ chích là để tìm ra người xấu. Tuy chỉ là tục lệ nhưng ở đây mọi người đều xem đó như một phiên tòa công lý để giải quyết mâu thuẫn”. Cũng theo ông Tanh, để “khoanh vùng” đối tượng, người bị mất tài sản sẽ được chích máu trước, nếu không bị chảy máu thì mới chích đến người trong làng.

Xử phạt và răn đe

Tục chích máu còn được áp dụng để xử tội những thanh niên trai - gái hư hỏng. Trong làng, cô gái nào chưa chồng mà mang bầu thì thanh niên trong làng sẽ bị chích máu để tìm ra “tác giả”. Tất nhiên cô gái cũng sẽ bị chích máu để xác định “tác giả” có trong làng hay không. Nếu tay cô gái chảy máu thì kẻ gian là người ngoài làng. Một khi chích máu tìm được thủ phạm, đôi trai gái phải nộp phạt heo, gà, vịt… cho làng cúng. Vì người dân ở đây quan niệm, con gái mà hư hỏng sẽ đem những điềm xấu đến cho cả làng, mọi người sẽ bị đau ốm, nương rẫy mất mùa, sâu bọ phá hoại. Cũng chính vì sợ bị chích máu nên thanh niên, trai gái ở các làng nóc hiếm khi nào dám nếm “trái cấm” trước khi kết hôn. “Cùng một loại que nứa, cùng chích vào tay sâu như nhau nhưng có người chảy máu, có người không. Nó hay là hay chỗ đó. Không biết vì sao lại như vậy. Mình nghĩ thịt da mà chích như vậy không bị ra máu mới lạ chứ. Giờ mình tuyên truyền dân làng bỏ liệu họ có bỏ hay không. Vì họ xem chích máu là cách đúng nhất để giải quyết tranh chấp trong làng. Tuy chỉ cam kết bằng lời nói, nhưng tính hiệu lực của tục chích máu rất lớn. Khi chích xong là họ nghiêm chỉnh chấp hành việc bồi thường, chưa bao giờ có ai chối bỏ trách nhiệm” - bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My khẳng định.

Cũng chính vì quan niệm chích máu là cách để giải quyết tranh chấp nên mỗi khi có mâu thuẫn, giải quyết bằng pháp luật không xong, người bị hại đề nghị chích máu thì sự việc được giải quyết êm xuôi. Ông Huỳnh Hồ Tanh cho biết, năm 2012 tại nóc Tu Chân (thôn 4, xã Trà Cang) xảy ra vụ việc một con bò trị giá khoảng 10 triệu đồng bị chặt chết. Chủ bò báo lên xã và lực lượng chức năng xuống điều tra nhưng không tìm ra thủ thạm. Đường cùng, chủ bò đề nghị làng cho chích máu để tìm kẻ giấu mặt. Trong lúc chờ thời điểm chích máu, một thanh niên trong làng nhận tội và bồi thường thiệt hại 7 triệu đồng cho chủ bò (khi bò chết chủ đã làm thịt bán được 3 triệu đồng). “Vì tính chính xác của việc chích máu nên khi nghe làng cho chích máu, người có lỗi biết thế nào cũng bị tìm ra nên xin đầu thú trước để khỏi phải nộp phạt với làng” - ông Tanh nói.

Tục chích máu hình thành và ăn sâu vào tâm thức người dân ở Nam Trà My từ bao đời. Theo họ, luật tục này đã góp phần giúp cho làng nóc được yên bình, trả lại sự trong sạch cho những người bị nghi oan và tố giác kẻ gian. Đồng bào tin và làm vậy, còn các nhà khoa học có thể nghiên cứu, lý giải được không?

HOÀNG THỌ

HOÀNG THỌ