Tôn vinh sự đa dạng ngôn ngữ của nhân loại

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 13/07/2013 10:45

Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian - một hoạt động văn hóa thường niên vừa được tổ chức sôi nổi tại Mỹ với sự tham dự của hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân… đến từ nhiều nước trên thế giới nhằm tôn vinh và bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ của nhân loại.

Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), chỉ vài thế hệ đến nay đã có khoảng 200 ngôn ngữ trên thế giới đã bị biến mất và trong số khoảng 6.900 ngôn ngữ đang được sử dụng có khoảng 2.500 ngôn ngữ đang bị đe dọa sẽ không còn tồn tại vào cuối thế kỷ này. Ví như đó là sự biến mất của tiếng Manx vốn được sử dụng ở đảo Isle of Man, tiếng Ubykh ở Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Eyak ở Alaska… Điều này đồng nghĩa với việc mất đi nhiều ngôn ngữ, tài sản quý hiếm của các dân tộc. Cựu Tổng Giám đốc UNESCO, Koichiro Matsuura từng nói, nhân loại sẽ bị thiệt hại lớn bởi cái chết của một ngôn ngữ. Điều này góp phần dẫn tới sự biến mất của rất nhiều dạng văn hóa phi vật thể như các bài thơ và các câu chuyện cười cho đến các công trình văn hóa, khoa học, các thông tin về dân tộc học…

Điệu múa theo nhịp điệu âm nhạc mô tả của một ngôn ngữ.
Điệu múa theo nhịp điệu âm nhạc mô tả của một ngôn ngữ.

Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2013 vừa diễn ra được đánh giá mang ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm tôn vinh hàng nghìn ngôn ngữ được tiên đoán sẽ biến mất này. Tại đây, đại diện của các nước đã sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để thể hiện thổ ngữ của họ. Chẳng hạn, âm nhạc có tiết tấu nhanh được sử dụng để mô tả ngôn ngữ Quechua của các dân tộc vùng núi Andes ở Nam Mỹ hay cách hát bằng cổ họng mô tả ngôn ngữ Tuva ở Siberia… “Được gặp mặt những người thuộc các nền văn hóa khác đang ra sức bảo tồn ngôn ngữ của họ quả là một trải nghiệm lớn” - Aaron Sala, một trong những nhạc sĩ mô tả ngôn ngữ Hawaii đang có nguy cơ bị biến mất chia sẻ. Là một trong số các nghệ sĩ tham gia lễ hội, Patricia Joseph cho biết, khi nghe giai điệu của một số ngôn ngữ, nhiều người bắt đầu nhảy múa thể hiện niềm tự hào, yêu mến và trân trọng những giai điệu ngôn ngữ thân thương đó, rồi lại nuối tiếc khi các ngôn ngữ này đang bị đe dọa biến khỏi thế giới.

Bên cạnh âm nhạc, nhiều hiện vật văn hóa tượng trưng của mỗi dân tộc được mang đến giới thiệu lần này càng làm cho lễ hội phong phú và sinh động, như cối xay lúa của người Colombia, các dụng cụ âm nhạc truyền thống của nhiều dân tộc… Elisabeth Ostler đến từ bang Maryland (Mỹ) nhận xét, các hoạt động văn hóa thông qua các ngôn ngữ diễn ra tại lễ hội giúp cô và mọi người hiểu rõ hơn sự đa dạng văn hóa của thế giới.  Đây là loại hình lễ hội đặc biệt, thông qua sự trình diễn giới thiệu những nét văn hóa dân gian đặc sắc của mình để hàng triệu du khách trên thế giới có thể chia sẻ và cùng nhau ngưỡng mộ, tôn vinh văn hóa của các quốc gia và các dân tộc.

Hầu hết những người tham gia lễ hội lần này đều bày tỏ sự khát khao duy trì những ngôn ngữ quý giá của mỗi dân tộc. Họ hy vọng giới trẻ toàn cầu quan tâm hơn đến lễ hội để cùng gìn giữ những tài sản vô giá ấy để tạo nên một thế giới với những điều khác biệt mà kỳ diệu.

QUỐC HƯNG (tổng hợp)

QUỐC HƯNG (tổng hợp)