Tạo nền móng cho sự thông hiểu

TÙY PHONG (thực hiện) 13/07/2013 08:38

Khuyến khích các cơ hội tạo việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội, đẩy mạnh đối thoại về các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm để tìm đến sự thông hiểu… là mục tiêu của cuộc thi “Tiếp thị xã hội”. Phóng viên báo Quảng Nam đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên quốc gia SIT/ILO Quảng Nam (cơ quan đưa ra sáng kiến) và ông Lê Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (đại diện cho giới chủ) chung quanh về cuộc thi này.

* Kết quả cuộc thi có làm hài lòng những người tổ chức?

* Ông Lê Tiến Dũng:  Mong muốn người lao động có tiếng nói một cách cởi mở với DN, nhưng cuộc thi đầu tiên sẽ không tránh khỏi khiếm khuyết vì hiệu ứng chưa cao. Nếu có thêm những cuộc thi kiểu như thế này nữa thì sự quan tâm của DN sẽ gia tăng vì đã có những lúc họ chưa nhìn thấy được lợi ích lâu dài và chỉ nghĩ đến quyền lợi trước mắt. Đôi khi họ không muốn để người lao động nói lên những điều không hay về DN mình.

Nhiều người làm công ở các cơ sở du lịch không chỉ quan tâm về lương bổng mà còn mong muốn chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống tinh thần. Ảnh: T.D
Nhiều người làm công ở các cơ sở du lịch không chỉ quan tâm về lương bổng mà còn mong muốn chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống tinh thần. Ảnh: T.D

* Bà Nguyễn Thị Huyền: Vấn đề không phải là người tổ chức có hài lòng hay không mà quan trọng hơn, cuộc thi “Tìm kiếm DN du lịch thực hiện tốt trách nhiệm với người lao động” là một cuộc thử nghiệm đầu tiên đầy thú vị. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đứng ra tổ chức một cuộc thi với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan nhà nước. Còn người lao động thì hiểu được rằng họ có quyền thể hiện những suy nghĩ về DN mình. Qua đó, các DN nếu mong muốn cải thiện hình ảnh, uy tín, xin hãy lắng nghe người lao động của mình nói! Chúng tôi muốn thông qua cuộc thi, thay đổi cách nhìn của DN về người lao động: người lao động không phải là người làm thuê, họ là những người đang tạo ra uy tín và lợi nhuận cho công ty. Nhiều lúc đơn giản chỉ bằng nụ cười với khách hàng. Vì thế, là chủ DN, hãy quan tâm đến người lao động.

Vì là cuộc thử nghiệm đầu tiên nên chỉ có 7 DN tham gia với hơn 400 bài viết, đó là con số khiêm tốn nhưng hy vọng rằng cuộc thi lần này sẽ tạo cảm hứng cho Hiệp hội Du lịch hoặc các đơn vị quan tâm sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi tương tự cho các năm sau.

* Chỉ có số ít nhân viên của 7 DN tham gia dự thi thì liệu khâu tổ chức có vấn đề gì không? Có nhân viên nào “dám” chỉ trích chủ DN thông qua bài viết một khi họ đang ở trong tâm thế làm thuê. Vậy tính xác thực và giá trị (tinh thần) của giải thưởng chắc sẽ không tránh khỏi sự khiên cưỡng?

* Bà Nguyễn Thị Huyền: Trong nội dung dự thi, chúng tôi chỉ hỏi các kỷ niệm/câu chuyện ấn tượng nhất mà không hỏi gì để người lao động “dám” hay “không dám” chỉ trích DN. Nhiều lúc chúng ta nhìn những cái hay để tự hiểu về cái dở, không nhất thiết phải chỉ trích cái dở để đề cao cái hay. Vì vậy, chỉ có 7 DN tham gia cũng có thể hiểu theo nhiều cách, trong đó chúng tôi cũng không loại trừ vấn đề tổ chức để rút kinh nghiệm. Còn vấn đề tính xác thực và giá trị của giải thưởng thì không có gì là khiên cưỡng mà là hoàn toàn chân thực dựa trên số bài nhận được. Những câu chuyện đó được chấm bởi một hội đồng 7 người đại diện cho 7 đơn vị và 1 thư ký. Câu chuyện được xác minh trước lúc trao giải để đảm bảo tính chân thực.

* Ông Lê Tiến Dũng: Căn cứ trên bài dự thi, ban giám khảo quyết định đánh giá và trao giải thưởng. Vấn đề quan trọng là đem đến cho DN sự hiểu biết đó là sự quan tâm của chính người lao động với DN mình. Nếu nhiều người tham gia hơn thì sự sàng lọc bài viết để có được giải thưởng rộng hơn nhưng hiện thời sức lan tỏa còn thấp. Bài viết chỉ là phần nổi còn sự nhận thức về trách nhiệm xã hội với người lao động mới là việc quan trọng.
*Sự va đập về quyền lợi giữa người lao động và giới chủ luôn đối nghịch. Liệu cuộc thi như thế này có thể giải quyết được điều gì, có thể nào mang đến sự khác biệt về nhận thức trong tương lai cho cả hai phía?

* Ông Lê Tiến Dũng: Hiện vẫn có nhiều ông chủ quan niệm rằng hạn chế lương hay giảm bớt chính sách an sinh xã hội cho người lao động sẽ tạo được thu nhập cao trước mắt cho ông chủ. Nhưng đó là sự thất bại lâu dài của DN, bởi một khi người lao động không thật sự gắn bó với DN như một gia đình thì họ sẽ làm việc thiếu trách nhiệm, làm thất thoát cả thời gian và của cải DN. Thất thoát này sẽ nhiều hơn cái mà giới chủ đã bỏ ra. Vì vậy mong muốn của những người tổ chức cuộc thi là hướng sự nhận thức từ hai phía để tạo ra môi trường lao động và sự phát triển bền vững của DN. Đó là tiếng nói của người lao động thể hiện sự tôn trọng DN không phải chính ở việc trả lương nhiều hay ưu đãi vật chất mà là các chính sách ngoài đồng tiền để tạo ra sự gắn kết người lao động với DN. Người làm công cần thu nhập hợp lý nhưng đôi khi giá trị tinh thần lại gia tăng sự gắn kết hơn.

* Bà Nguyễn Thị Huyền: Đã đến lúc cần suy nghĩ khác về hai chữ “quyền lợi”. Hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe “dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi”, nhưng liệu đã bao giờ suy nghĩ “nguyên tắc” đó là thế nào chưa? Chúng tôi ủng hộ phương châm “win-win situation” (nghĩa là “cả hai bên đều thắng”) trong tất cả lĩnh vực, trong đó có du lịch. Người lao động có được đảm bảo quyền lợi thì mới muốn gắn bó với DN, mới muốn cống hiến hơn cho DN, từ đó vấn đề nhân sự của DN ổn định, nhân viên phục vụ khách tốt hơn, uy tín của DN tăng lên, lợi nhuận cũng tăng lên và lợi ích của người làm chủ cũng tăng. Cuộc thi này chỉ là nỗ lực để người lao động thể hiện quyền được nói lên suy nghĩ của mình và người làm chủ hãy lắng nghe điều này. Đó là một cách để tăng nhận thức cả hai phía. Còn cuộc thi giải quyết vấn đề đến đâu, như thế nào thì rất khó để đo đếm. Những vận động xã hội, bản thân nó rất khó để nhìn thấy. Nhưng tính cạnh tranh của DN thì có thể nhìn thấy được thông qua những cuộc sàng lọc từ nhiều phía.

TÙY PHONG (thực hiện)

TÙY PHONG (thực hiện)