Mong tìm đón các anh về
Ngày 24.2.2013, cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen đã công bố trên youtube đoạn video clip dài hơn 6 phút về trận đánh vào sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, diễn ra rạng sáng ngày 5.8.1970. Christopher Jensen đề từ: “Thanh niên của Việt Nam đã rất dũng cảm! Tôi xin lỗi vì mất mát của bạn và những người đồng đội của tôi. Giống như các chàng trai của chúng tôi, người thân của bạn là những người đàn ông trẻ rất dũng cảm”. Video clip được công bố đã gây chấn động cộng đồng mạng, bởi sự tàn khốc và rùng rợn của cuộc chiến tranh. Những hình ảnh về sự hy sinh của 16 chiến sĩ quân giải phóng thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404 (D404 - Quân khu 5) thật sự gây sốc cho người xem. (Độc giả có thể xem video clip tại địa chỉ: http://www.youtube.com/watch?v=SCRrHZdvom8).
Cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ D404 viếng hương tại ngôi mộ chung của 16 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức. |
Sau khi đoạn video clip được công bố, giữa tháng 4.2013, những cựu chiến binh D404 cùng thân nhân một số liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức đêm ngày 4 rạng ngày 5.8.1970 đã trở lại chiến trường xưa Khâm Đức - Ngoktavat. Đoàn có các ông Phạm Đình Khải - nguyên Chính trị viên D404, Phạm Công Hưởng - cựu chiến binh D404, Lê Đình Duẫn - nguyên Đại đội phó Thông tin Đại đội 3 - D404 và ông Nguyễn Văn Tĩnh - nguyên Tiểu đoàn trưởng D424 (404 + 402)... Trở lại Khâm Đức lần này, họ hy vọng tìm được hài cốt của 16 đồng đội đã hy sinh trong trận mật tập vào sân bay Khâm Đức 43 năm trước.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn có một ngôi mộ tập thể tượng trưng cho 16 liệt sĩ là chiến sĩ đặc công D404 đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống bên đường băng sân bay Khâm Đức 43 năm trước, nhưng chưa ghi cụ thể tên tuổi, quê quán từng người. Trở lại chiến trường xưa Khâm Đức tìm đồng đội, những cựu binh D404 Quân khu 5 đã đề nghị giữ sân bay Khâm Đức làm bảo tàng chiến tranh, xây dựng bia tưởng niệm 16 liệt sĩ đặc công D404 đã anh dũng hy sinh rạng sáng 5.8.1970 và trả lại tên cho các anh trên bia mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn để tri ân đối với những người đã cảm tử vì Tổ quốc. |
Sân bay và cứ điểm Khâm Đức được Mỹ ngụy xây dựng năm 1960, nhằm án ngữ vùng miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam, cắt đứt con đường 14 nối Tây Nguyên với Hạ Lào và con đường Hồ Chí Minh chi viện vào miền Nam. D404 nhận nhiệm vụ tổ chức trận đánh theo lệnh của quân khu. Bằng mọi cách phải nhổ cái chốt của địch tại Khâm Đức. Ông Phạm Công Hưởng nhớ lại: “Mục tiêu tấn công là sở chỉ huy và trận địa pháo địch tại sân bay Khâm Đức. Do tính phức tạp và ý nghĩa lớn, đồng thời là nhiệm vụ rất nặng nề của trận đánh, nên tiểu đoàn làm lễ ra quân giao nhiệm vụ, tuyên thề xác định cảm tử trước khi xung trận”.
Đúng 4 giờ sáng 5.8.1970, tiếng bộc phá lệnh nổ xé tung màn đêm thung lũng Khâm Đức. Ngay lập tức bộc phá, B40, thủ pháo của ta dồn dập nổ, pháo sáng của địch cũng bắn lên sáng rực cả bầu trời Khâm Đức. Quá trình giao tranh, giành giật vô cùng ác liệt. Đến những phút cuối, các chiến sĩ được lệnh rút quân ra cửa mở, nhưng đã bị 2 máy bay trực thăng Mỹ từ trên cao bắn đạn 12 ly và phóng pháo xối xả, bịt lối rút quân của ta. Trong khi đó, tổ đánh nghi binh không áp đảo thu hút được kẻ địch. Cả 16 cán bộ chiến sĩ D404 chiến đấu quả cảm đến phút cuối cùng và đã anh dũng hy sinh trong đồn địch.
Chị Nguyễn Thị Tứ (24 tuổi, quê ở TP.Bắc Giang) cũng lặn lội hàng trăm cây số theo các bác, các chú cựu chiến binh D404 vào Phước Sơn tìm hài cốt người bác ruột hy sinh tại chiến trường Khâm Đức năm xưa. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Ứng, một trong 16 chiến sĩ đặc công D404 hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức ngày 5.8.1970, khi ấy liệt sĩ Ứng mới 18 tuổi. Lần đầu tiên đến Khâm Đức, chị Tứ có những đêm bồn chồn không ngủ. Chị cho biết, gia đình và người thân của mình đã thật sự bị sốc khi nhìn thấy hình ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Ứng trong clip và cũng gửi gắm bao hy vọng cho chuyến đi lần này. Cuộc tìm kiếm chưa thành công, nhưng đến Khâm Đức nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến dịch giải phóng Phước Sơn, chị và những đồng đội của người bác ruột ở D404 cũng được an ủi rất nhiều. Chị Tứ tâm sự: “Là thế hệ trẻ, sinh ra ở miền Bắc, nhưng tôi rất vinh dự được theo các bác về thăm lại chiến trường xưa, được nghe nhiều câu chuyện kể về trận đánh Ngoktavat, sân bay Khâm Đức. Tôi càng thấy tự hào vì gia đình mình có người bác đã từng sống, chiến đấu anh dũng như thế nào trên mảnh đất Khâm Đức - Phước Sơn”. |
Nhiều lần trở lại Khâm Đức - Phước Sơn tìm hài cốt đồng đội hy sinh trong trận đánh vào sân bay Khâm Đức rạng sáng 5.8.1970 nhưng không thành, những người lính cựu chiến binh D404 cứ day dứt khôn nguôi. Hòa bình rồi mà các anh chưa về, vẫn còn nằm đâu đó bên đường băng sân bay Khâm Đức. Một khi các anh chưa về, những cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, chính quyền và nhân dân vẫn còn trăn trở.
Ông Phạm Đình Khải - nguyên Chính trị viên D404 cho biết, với những hình ảnh từ video clip, sơ đồ hố chôn tập thể 16 “Cộng quân” do cựu phóng viên chiến trường Mỹ Christopher Jensen và Hội Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam - VVA cung cấp, và qua thư từ liên lạc, đã xác định được vị trí hy sinh của đồng đội. Tuy nhiên, việc xác định hố chôn tập thể các đồng đội lại không dễ dàng. Bởi sân bay Khâm Đức bây giờ không còn bất cứ dấu vết gì từ các khu đồn trú của Mỹ ngụy cách đây hơn 43 năm trước. “Cuộc tấn công cảm tử của Cộng quân vào 4 giờ sáng nhằm phá hủy trận địa pháo 105 của Mỹ. 16 Cộng quân bị giết, tất cả đã được chôn cất trong một ngôi mộ chung không xa cơ sở bị tấn công” - thông tin từ cựu phóng viên chiến trường Christopher Jensen cung cấp cũng trở nên mơ hồ trên thực địa. Những người tham gia tìm kiếm chỉ còn cách định vị từ những đỉnh núi xuất hiện trong video clip, có cảm tưởng như hài cốt các đồng đội nằm đâu đó dưới chân mình. Các cựu chiến binh D404 biết rằng, việc tìm kiếm hài cốt của người thân và đồng đội sẽ còn nhiều khó khăn, trắc trở, nhưng mọi người vẫn tin rằng một ngày nào đó họ sẽ đưa được các anh về với gia đình.
LÊ PHƯỚC LAN NHI