Gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng: Quảng Nam rất khó tiếp cận
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội hoặc thương mại đã có hiệu lực từ ngày 1.6, nhưng nếu chiếu theo các quy định thì cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này của người nghèo tại Quảng Nam gần như bằng không!
Im ắng
Theo quy định của Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MHB là các ngân hàng được chỉ định cho vay hỗ trợ nhà ở. Thời hạn tối đa áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm cho các khoản vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thương mại là 10 năm. Hiện các ngân hàng thương mại (NHTM) kể trên đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức, thủ tục, quy định, điều kiện, thẩm định hồ sơ cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng. Người có nhu cầu vay vốn mua nhà ở theo gói tín dụng này có thể liên hệ trực tiếp với các NHTM để được hướng dẫn chi tiết về các điều kiện, thủ tục vay vốn. Nếu nhìn vào các văn bản và động thái tích cực từ các bộ, ngành liên quan, người dân kỳ vọng sẽ có cơ hội tiếp cận vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng này để có một mái nhà ổn định. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra theo chiều hướng khác. Cánh cửa gói hỗ trợ tưởng chừng đã được “rộng mở” nhưng sau hơn một tháng chương trình có hiệu lực, vẫn còn quá nhiều rào cản khiến chưa ai ở Quảng Nam tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này và giới ngân hàng thì loay hoay đi tìm lối ra…
Dự án bất động sản dở dang hay thiếu dự án nhà ở xã hội đã khiến dân khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Ảnh: T.D |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - chi nhánh Quảng Nam, tính đến cuối tháng 6 có 18/23 tổ chức tín dụng (TCTD) đạt tăng trưởng dương. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn tỉnh hơn 22.383 tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư nợ cho vay vẫn tập trung vào lĩnh vực phát triển nông nghệp, nông thôn, xuất – nhập khẩu, doanh nghiệp và an sinh xã hội, còn “vắng bóng” dư nợ cho vay theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng này. Theo Phó Giám đốc NHNN - chi nhánh Quảng Nam Nguyễn Thị Sương Thu, Bộ Xây dựng đã chính thức đồng ý cho hai doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Quảng Nam vào danh sách doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi lãi suất 0,6%/năm của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đó là Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO (Điện Nam - Điện Ngọc) và Công ty CP Xây dựng và thương mại Thái Công (Đại Lộc).
Theo bà Thu, việc đưa ra gói tín dụng này không nhằm cứu thị trường bất động sản mà để giúp những người thu nhập thấp có thể mua được nhà khi có nhu cầu chính đáng. Nhưng, đây là chương trình tín dụng chính sách, không phải là vốn ngân sách cấp cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, vì vậy dù cho lãi suất thấp, thời hạn dài nhưng mấu chốt là người vay phải có thu nhập để trả gốc và lãi vay theo định kỳ cho ngân hàng. Do đó các ngân hàng được giao nhiệm vụ phải tuân thủ quy định, bảo đảm đồng tiền sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều khách hàng đến ngân hàng dù chỉ để tìm hiểu thủ tục và các điều khoản giải ngân nguồn vốn này. Hiện chưa một ai vay được tiền từ gói hỗ trợ này cho dù chi nhánh NHTM Nhà nước (được chỉ định hỗ trợ) trên địa bàn Quảng Nam đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để triển khai cho khách hàng vay vốn mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Khó tiếp cận
Tiến độ giải ngân bằng không tại Quảng Nam bắt đầu từ việc “trắng” dự án nhà ở xã hội hoặc nếu có nhà ở thương mại hay người dân có thể vay để mua đất giá rẻ làm nhà ở riêng lẻ… thì cũng đã “vượt qua tầm kiểm soát” của chương trình gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng này. Đó là lý do dù có hội đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, nhưng người mua nhà vẫn khó được các ngân hàng giải ngân, dù nhiều ngân hàng đã sẵn sàng và cũng đã có 2 doanh nghiệp được “cấp phép” tham gia tiếp cận gói hỗ trợ này.
Xoay xở cách giải ngân Theo các nhà quản lý và các NHTM, có 3 vị trí để có thể tiếp cận vốn giá rẻ này là Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc hay vài cụm công nghiệp khác ở Điện Bàn và Khu Kinh tế mở Chu Lai. Nhưng ở đó không có dự án nhà ở xã hội nào được thực hiện, còn nhà ở thương mại để dân có thể thuê, hay mua với giá dưới 15 triệu đồng/m2 với diện tích dưới 70m2 trở xuống cũng khó khả thi vì gần như không có “loại hình” này tại Quảng Nam. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương - chi nhánh Quảng Nam (VCB) nói doanh nghiệp và các ngân hàng đều đang xoay xở để tìm cách thực hiện giải ngân gói hỗ trợ này. NHNN bảo triển khai thì VCB sẵn sàng thực hiện, nhưng không có ai đến để vay thì làm sao giải ngân được? Ngay cả việc tại Quảng Nam có 2 doanh nghiệp nằm trong danh sách vay vốn ưu đãi, nhưng dự án nhà xã hội ai đứng ra xây dựng vẫn chưa thể thực hiện được thì nhà đâu cho dân mua hay thuê? VCB không có những khách hàng doanh nghiệp thuộc dạng này thì không biết sẽ giải ngân vào đâu theo yêu cầu của NHNN. |
Trước tốc độ giải ngân “rùa bò” hoặc không thể giải ngân được của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, NHNN Việt Nam đã “thúc” các ngân hàng được chỉ định đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngày 5.7, NHNN - chi nhánh Quảng Nam cũng gửi công văn yêu cầu các NHTM bám sát các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Bộ Xây dựng về cho vay hỗ trợ nhà ở để tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng. Các ngân hàng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ thủ tục, thời gian xem xét hồ sơ để phản hồi cho khách hàng về việc được vay vốn hay không và trả lời thỏa đáng cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không đáp ứng được yêu cầu. Ông Phạm Trọng - Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và kiểm soát nội bộ (NHNN - chi nhánh Quảng Nam) cho biết, hiện các NHTM vẫn chưa có báo cáo cụ thể về vấn đề này và đang chờ hướng dẫn từ hội sở. NHNN lẫn các NHTM tại địa phương đều đã chuẩn bị kỹ càng cho việc triển khai chương trình này nhưng chưa thể thực hiện được.
Trong khi đó, các NHTM thừa nhận đã “tiếp thu chỉ đạo” của NHNN, ngoài Agribank Quảng Nam không nhận được thông báo vốn từ trung ương, còn lại sẵn sàng cung ứng vốn theo quy định. Nhưng theo nhận định của các NHTM này, với những quy định khá ngặt nghèo từ các văn bản chỉ đạo thì khó phù hợp với Quảng Nam hay nhiều tỉnh, thành phố có hoàn cảnh tương tự. Sự sôi động giải ngân nguồn vốn này chỉ có thể xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Còn hầu hết doanh nghiệp và người dân Quảng Nam sẽ rất khó tiếp cận nguồn vốn này.
TRỊNH DŨNG