Tạo việc làm từ vốn vay
Từ nhiều kênh vay vốn khác nhau, những hội viên phụ nữ, cựu chiến binh huyện Thăng Bình đã gầy dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Năm 2005, bà Nguyễn Thị Phụ (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) được Hội LHPN xã Bình Trị tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình, với mức lãi suất thấp 0,65%/tháng. Từ số vốn vay ban đầu 5 triệu đồng cộng với vốn liếng lâu nay dành dụm, gia đình bà Phụ đã tính toán mua thêm bò và tích cực tăng gia sản xuất trên 4 sào ruộng, trồng thêm hoa màu. Không dám vay nhiều, bà Phụ chỉ chú tâm làm lụng, lấy ngắn nuôi dài với mong muốn thoát nghèo. Hiện mức thu nhập của gia đình bà đạt 15 triệu/năm và đã thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Bình Trị. Để tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi, năm nay bà Phụ quyết định vay thêm 15 triệu từ nguồn vốn ưu đãi này. Bà Phụ nói: “Ban đầu, với tâm lý sợ sệt tôi không dám vay, chứ ngân hàng thì sẵn sàng hỗ trợ vốn để người dân có điều kiện làm ăn, thoát nghèo. Bây giờ cuộc sống ổn định, tôi quyết định tiếp tục vay vốn để mở rộng sản xuất”.
Cơ sở gia công cá bò và chế biến nước mắm của ông Hải giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Ảnh: H.L |
Tính đến thời điểm này, Hội LHPN xã Bình Trị đã làm cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho 430 hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng số vốn vay gần 9 tỷ đồng. Với số vốn này, hiện nay Hội LHPN được xem là tổ chức quản lý nguồn vốn vay lớn nhất so với các tổ chức hội khác tại xã Bình Trị. Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn vốn chính sách của hội luôn đạt hiệu quả cao, với tỷ lệ thu hồi vốn luôn cao nhất huyện Thăng Bình. Bà Nguyễn Thị Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị, cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi thực sự là cứu cánh của chị em phụ nữ nghèo. Nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Hội cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật cũng như định hướng cho chị em phụ nữ xã về giống cây trồng và con vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Xuất ngũ trở về địa phương từ năm 1980, tiếp tục phát huy tinh thần Bộ Đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Trần Công Hải (tổ 9, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) không ngừng nỗ lực tìm hướng đi riêng trong cách làm kinh tế hộ. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT, ông Hải mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng gầy dựng nên cơ sở chế biến cá bò đầu tiên tại Hà Lam. Sản phẩm của cơ sở ông luôn đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của bạn hàng. Tiếp đó, ông mạnh dạn đầu tư thêm cơ sở 2 từ nguồn lãi tích cóp được ở cơ sở 1. Với hai cơ sở gia công cá bò và chế biến nước mắm, mỗi năm trừ chi phí nguyên liệu và nhân công, ông Hải thu về hơn 100 triệu đồng. Ông Hải cho biết: “Ban đầu về lại quê hương với nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn quyết định vay vốn đầu tư sản xuất. Nhờ đó, đời sống của gia đình tôi có khấm khá hơn, 4 đứa con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn”.
Hai cơ sở của gia đình ông Hải đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/tháng/người. Bà Nguyễn Thị Họp (tổ 13, thị trấn Hà Lam) nói: “Tôi năm nay đã 60 tuổi, lại bị tàn tật nên tìm được công việc phù hợp rất khó. Nhờ anh Hải quan tâm, nhận vô làm nên tôi có được đồng lương, đỡ làm phiền người thân. Nhân công ở đây phần lớn có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị khuyết tật nhưng đều được quan tâm, hỗ trợ chu đáo”. Ngoài ra, người cựu chiến binh này luôn quan tâm đến công tác “nghĩa tình đồng đội” và xã hội bằng nhiều việc làm hết sức thiết thực như phối hợp với các hội đoàn thể xây dựng nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn tại địa phương; tích cực tham gia công tác khuyến học khuyến tài cho nhiều cháu là con em cựu chiến binh...
H.LINH - T.ĐỨC