Thủy điện ở Quảng Nam: Phát triển có chọn lọc
Việc phát triển thủy điện ở Quảng Nam đã đem lại nhiều lợi ích song cũng gây ra những hệ lụy đáng quan ngại. Phát triển thủy điện có chọn lọc là giải pháp hợp lý của chính quyền tỉnh nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
So với mặt bằng chung của cả nước, Quảng Nam là một trong những địa phương có số lượng thủy điện nhiều nhất. Tuy dư luận đang có những đánh giá trái chiều về lợi ích của thủy điện, song cũng cần khách quan mà nhìn nhận, đến thời điểm này các thủy điện trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả nhiều mặt. Theo Sở Công Thương, việc phát triển thủy điện ở Quảng Nam thực tế đã đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, có khoảng 5% lượng điện bổ sung vào nguồn điện quốc gia nhưng không hao tốn nhiên liệu, không thải ra chất độc hại, giá thành thấp. Hệ thống thủy điện còn làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp gần 4.000 tỷ đồng/năm và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách khoảng 800 tỷ đồng. Việc tích nước các hồ chứa góp phần kiểm soát lũ, lụt vào mùa mưa; cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp hạ du vào mùa khô; phát triển thủy sản, cải thiện môi trường… Xét về mặt xã hội, việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ tạo điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế đối với các khu vực dân cư ven hồ; tạo việc làm cho lao động địa phương trong quá trình thi công và vận hành nhà máy; phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh đi kèm; xây dựng và nâng cấp chất lượng điện, đường, trường học, trạm xá, nhà văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội các vùng tái định cư...
Đập dâng thủy điện A Vương. |
Tuy nhiên, các thủy điện ở Quảng Nam ban đầu đã gây dư luận không tốt do bồi thường chưa thỏa đáng, không làm tốt khâu tái định cư. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm vừa thiếu vừa không đạt yêu cầu; việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, kể cả việc tuyển dụng lao động địa phương vào làm tại các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn... Bên cạnh đó là tình trạng chặt phá rừng làm hồ tích nước và xây dựng đường dây truyền tải điện lên lưới điện quốc gia. Gần đây dư luận lại cho rằng thủy điện xả nước gây lũ, lụt vào mùa mưa hoặc tích nước mùa khô để nước mặn xâm nhập… Bức xúc trước tình hình trên, nhiều ý kiến đề nghị nên dẹp bỏ thủy điện. Tuy vậy, theo các cơ quan quản lý và lãnh đạo chính quyền địa phương, cái cần chấn chỉnh là chiến lược phát triển thủy điện, chất lượng thi công công trình, công tác “hậu thủy điện”...
Thời gian qua, chính quyền Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp để điều chỉnh việc phát triển hệ thống thủy điện một cách phù hợp. Trước hết, xử lý nghiêm những sai sót, vướng mắc trong quá trình khai phá rừng; tăng cường kiểm tra giải quyết những tồn tại trong tái định cư để đem lại cuộc sống ổn định cho người dân; đình chỉ hoạt động đối với công trình thủy điện chất lượng kém, có biểu hiện xấu đối với tài sản và tính mạng người dân vùng hạ du; mạnh tay dẹp bỏ những dự án sắp triển khai xét thấy có khả năng phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Bên cạnh đó là những chế tài trong việc bảo đảm an toàn công trình đập, phối hợp kiểm soát nguồn nước nhằm điều tiết chống hạn, chống lũ...
Dành nhiều thuận lợi và ưu tiên phát triển thủy điện ở Quảng Nam là cần thiết, nhưng để tránh đổi lại với một cái giá quá đắt, các ngành chức năng ở địa phương và các nhà khoa học nên tham gia ngay từ đầu trong quá trình thẩm định dự án. Trong quá trình thi công cũng phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình và tránh những sai sót trong tái định cư, phá rừng. Việc phát triển thủy điện ở Quảng Nam bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên một số dự án thủy điện khi xây dựng và đưa vào hoạt động đã ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái và đời sống người dân, nhất là sự cố tại thủy điện Sông Tranh 2 đã khiến chính quyền địa phương nhìn nhận lại lợi ích và hệ lụy của việc phát triển thủy điện ồ ạt thời gian qua để có những chủ trương phù hợp.
NHỊ TRIỀU - BÁ VỸ