Người Quảng trên cao nguyên Lâm Đồng - Bài 1: Đất lành chim đậu
Trong hành trình lần tìm bước chân người Quảng xa xứ trên cao nguyên Lâm Đồng, chúng tôi thật may mắn khi gặp và nhận được sự hướng dẫn tận tình, nhiệt tâm của một đồng hương xứ Quảng đã định cư và làm việc ở đây từ khá lâu. Đó là nhà báo Hoàng Hận - Phó Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, người con của đất Đại Thắng, huyện Đại Lộc. Bắt đầu từ mối liên hệ này, chúng tôi đã kịp ghi lại những hình ảnh đẹp, những khoảnh khắc lung linh về cao nguyên Lâm Đồng và cuộc sống lao động, sinh hoạt, học tập của những người con Quảng Nam trên mảnh đất Lâm Đồng.
Trên những nông trường chè bạt ngàn ở Lâm Đồng, những thế hệ người Quảng thứ 2, thứ 3 vẫn đang từng ngày hăng say lao động. |
Theo sự hướng dẫn của anh Hoàng Hận, từ Đà Lạt, chúng tôi xuôi về 2 xã vùng ven thành phố là Xuân Thọ và Xuân Trường, nơi tập trung gần 80% người Quảng Nam sinh sống. Dấu chân những người Quảng Nam đầu tiên đặt lên mảnh đất này là vào năm 1922 khi Sở Trà Cầu Đất được thành lập, người Pháp mộ nông phu từ các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi đến đây làm việc trên các nông trường chè và đường ray xe lửa Phan Rang - Đà Lạt. Đến năm 1927, 11 vị tiền hiền đứng ra xin thành lập làng Trường Xuân - bây giờ là một thôn của xã Xuân Trường, trong đó có ông Nguyễn Đình Sung hay còn gọi là Diên Nhất, người Thanh Quýt, Điện Bàn. Bây giờ, trên những nông trường bạt ngàn chè của Công ty CP Trà Cầu Đất, những thế hệ người Quảng thứ 2, thứ 3 vẫn đang từng ngày tiếp bước cha ông mình hăng say lao động. Chúng tôi bắt gặp các chị, các em với những nụ cười rạng rỡ và đôi tay thoăn thoắt hái chè. Chị Lê Thị Mai Hương (quê cha Điện Bàn, quê mẹ Đại Lộc) thổ lộ cùng chúng tôi bên những cánh chè xanh mướt mát rằng, trong tâm hồn người xa quê từ những ngày thơ bé như chị, hai tiếng Quảng Nam giờ chỉ còn trong câu chuyện và hoài niệm xa xôi của người mẹ già. Tuy nhiên, vài ba năm gia đình lại lặn lội về Quảng, nhất là dịp lễ Thanh minh đi tảo mộ ông bà tiên tổ, thắp những nén nhang bái tạ công đức tiền nhân để thấy lòng ấm hơn, bước chân rắn rỏi hơn nơi xứ người. Thật vui biết bao khi được biết rằng, đời sống của người làm chè Cầu Đất, trong đó có bộ phận không nhỏ bà con Quảng Nam hiện tại rất ổn định, nhiều gia đình vươn lên giàu có nhờ trồng hoa và cây ăn quả. Và, dù xa quê, nhưng trong tâm khảm mỗi người, quê cha đất mẹ vẫn hằng vang lên trong mỗi việc làm, trong từng suy nghĩ, trong cách giáo dục con cháu về đạo đức lối sống, về nghĩa tình quê hương xứ sở…
Chúng tôi nhận ra sự nồng ấm và chân tình nơi những người con xa xứ khi đến thăm đại gia đình ông Hà Phước Ta - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường, Hà Phước Toản - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng ở thôn Xuân Sơn. Ông Ta và ông Toản là con của cụ Hà Phước Á và Phạm Thị Tặng quê Điện Hồng, Điện Bàn (đã mất) vào lập nghiệp tại Xuân Trường từ năm 1957. Thắp nén nhang lên bàn thờ cụ Phạm Thị Tặng và nghe những câu chuyện về tình người Quảng Nam nơi xứ lạ cũng như tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó của các thế hệ người Quảng nơi đây, lòng chúng tôi không khỏi tự hào về những người đồng hương của mình. Ông Hà Phước Ta, ngoài trọng trách Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường còn là một người nông dân thực thu trên vườn hoa rộng hơn 3 sào đất của gia đình, chuyên trồng hoa đồng tiền và địa lan cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Ông Ta cho chúng tôi biết, ở Xuân Trường có khoảng 40% số hộ người Quảng giàu lên nhờ trồng hoa và rau, thu nhập 400 - 500 triệu mỗi năm, trở thành những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Lâm Đồng.
Ở cách xa quê nhà gần 700km, nhưng bóng dáng Quảng Nam vẫn hằn in trong đời sống sinh hoạt của bà con đồng hương xứ Quảng trên cao nguyên Lâm Đồng. Chúng tôi nhận ra điều này khi bất chợt trong một thoáng đến thăm khu du lịch thác Prenn và tình cờ gặp cô gái có cái tên rất đẹp Dương Hương Ly (quê thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) vào đây làm việc đã hơn 10 năm. Chúng tôi có thể nhận ra ngay Ly là người con xứ Quảng khi cô cất giọng nói và mời chúng tôi dùng ly trà atiso ấm nóng. Đã hơn mười năm xa quê, nhưng giọng nói rặt Quảng Nam của Hương Ly vẫn không hề thay đổi. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng cảm động và quý mến biết bao. Cảm giác ấy được nhân lên khi một sáng ở Đà Lạt, chúng tôi ngồi thưởng thức tô mỳ Quảng thơm ngon có rau cải xanh, bắp chuối và những hạt đậu phụng thơm lừng, ở số 2A, đường Bà Triệu, phường 3. Chủ nhân của quán mỳ là vợ chồng chị Trần Thanh Diệp Trúc. Anh chị rời Quảng Nam vào đây lập nghiệp từ chính món đặc sản mang đậm hương vị đồng bãi phù sa đất Quảng. Chị Trúc cho hay, vợ chồng cũng đã từng lặn lội mang đặc sản mỳ Quảng đi tìm kế sinh nhai ở nhiều nơi, và rồi Đà Lạt chính là mảnh đất lành để giữ chân họ lại. Quán mỳ Quảng này không chỉ là điểm đến được người dân Đà Lạt yêu thích mà còn là nơi gặp gỡ đầu ngày của những người đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong không gian yên bình của buổi sớm mai, thưởng thức cái hương vị mộc mạc mà đằm sâu của tô mỳ xứ Quảng, lòng người con xa xứ lại rưng rưng nỗi nhớ quê nhà. Như câu thơ của một người con đất Quế Sơn định cư lâu ngày trên cao nguyên Lâm Đồng từng thổ lộ: Một đi trăm nhớ ngàn thương/ Đất lành chim khắp muôn phương đổ về...
ĐẶNG NAM ĐÔNG