Bệnh lở mồm long móng & cách phòng chống

(NGUỒN: TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG - KHUYẾN NGƯ QUẢNG NAM) 08/07/2013 08:46

(Tiếp theo và hết)
Để phòng bệnh hiệu quả, người chăn nuôi cần lưu ý: Sử dụng con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly 21 ngày - đặc biệt là trong điều kiện chăn nuôi hiện nay tại Quảng Nam, khi con giống được sử dụng chủ yếu mua qua thương lái, không rõ nguồn gốc. Định kỳ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (6 tháng 1 lần). Hàng ngày dọn vệ sinh, chất thải gia súc mắc bệnh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng nước vôi đặc 10 - 20%, formol 2%, crezin 5%... Để nâng cao sức đề kháng cho con vật, người chăn nuôi cần cung cấp đủ thức ăn, nước uống; thức ăn phải đảm bảo cân đối dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Sử dụng trang bị bảo hộ, trước và sau khi ra vào khu vực chăn nuôi phải vệ sinh, khử trùng.

Nhằm hạn chế bệnh lây lan, người chăn nuôi cần cam kết thực hiện triệt để “5 không”: không giấu dịch; không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc, không vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi ra môi trường.

Đến nay, bệnh lở mồm long móng chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, chỉ có thuốc chữa triệu chứng nhằm làm cho vết thương nhanh chóng lành thành sẹo và không gây ra các biến chứng nguy hiểm làm chết gia súc. Cách chữa như sau:

- Ở miệng: Dùng chất sát trùng nhẹ như thuốc tím 0,1% hoặc nước quả chua như chanh, khế, bưởi... bóp lấy nước xoa vào niêm mạc miệng. Cho ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

- Ở móng: Rửa sạch, dùng các loại thuốc kháng sinh mỡ, cồn iốt, xanh methylen 1%, các bài thuốc nam (lá bàng, than xoan dầu đậu phụng, lá trầu không…) để chống nhiễm trùng, chống ruồi muỗi. Để đề phòng ruồi nhặng đẻ trứng vào kẽ móng, có thể dùng Cresin pha loãng hoặc dùng thuốc lào, một ít băng phiến đắp vào vết thương.

- Ở vú: Vắt cạn sữa thường xuyên, sát trùng mụn loét bằng dung dịch thuốc tím, cồn iốt hoặc xanh methylen 1%. Nếu con vật bị nặng, dùng kháng sinh như Penixylin, Streptomyxin… để tiêm.

Chăm sóc cho gia súc, đảm bảo giữ chuồng khô ráo, sạch sẽ, lót chuồng dày cho gia súc nằm, cho ăn cỏ tươi, cỏ mềm; bổ sung cho gia súc ăn cháo khi bị bệnh nặng.

(NGUỒN: TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG - KHUYẾN NGƯ QUẢNG NAM)

(NGUỒN: TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG - KHUYẾN NGƯ QUẢNG NAM)