Kỷ vật người tù
Trong căn nhà đơn sơ ở số 88, đường Duy Tân, khối phố Bàn Thạch (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ), hơn 2 giờ đồng hồ ông Diệp Thế Trí đã đưa chúng tôi trở về một thời hào hùng của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo qua những dòng nhật ký, những bức ảnh và những kỷ vật mà ông còn lưu giữ sau gần 40 năm.
Ông Diệp Thế Trí sinh năm 1950 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Hòa Hương, Tam Kỳ. Mới hơn 15 tuổi ông đã tham gia phong trào học sinh, sinh viên, nhiều lần cùng các anh, các chị xuống đường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Hơn 3 năm làm Bí thư Thị Đoàn, ông đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh binh vận khá quy mô. Nhưng vào một ngày cuối tháng 10.1971, trong khi đang làm nhiệm vụ, ông không may bị địch bắt, tạm giam tại Ty Cảnh sát đặc biệt Quảng Tín, sau đó đưa vào nhà giam của tỉnh tra tấn khai thác thông tin. Không khai thác được gì ở ông, địch đưa ông ra nhà giam kho đạn An Đồn (Đà Nẵng), đến đầu năm 1972 bị đưa vào khám Chí Hòa (Sài Gòn - Gia Định). Tại đây, địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng ông một mực không khai, giữ an toàn tuyệt mật cho cơ sở cách mạng. Đầu tháng 7.1972, địch đày ông ra Côn Đảo, tại đây, chúng cũng thường chuyển ông qua các trại giam khác nhau. Ông cho hay, địch chuyển người tù đi nhiều nơi nhằm cắt mọi liên lạc hoạt động trong nhà giam, đồng thời cũng là cách “dằn mặt” và để cho người tù “nếm mùi” cay đắng sau những lần không chấp hành lệnh lao động khổ sai, chống chào cờ địch và không chịu hô khẩu hiệu phản động. Biết bao người tù bị địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn “thừa sống, thiếu chết”, không ít người đã phải đau đớn về cõi vĩnh hằng do dịch bệnh hoặc sau mỗi lần đánh đập tra tấn dã man.
Ông Diệp Thế Trí (ngoài cùng bên trái) và những kỷ vật ông đang lưu giữ.Ảnh: Đ.NGỌC |
Dù nhiều lần bị địch đánh đập, tra tấn dã man nhưng ông vẫn tiếp tục liên lạc với cơ sở và mở lớp dạy học ngay trong nhà giam, tấm bảng được làm từ hai cái ống quần đen ghép lại, viên phấn trắng được làm từ những hạt cơm nguội trộn với vôi trắng được cạo từ trên tường nhà tù và học sinh là những bạn tù. Trừ khi bị địch đàn áp, còn lại bất kể sáng hay tối, mưa hay nắng ngày hai buổi cứ thế mà lên lớp. Chương trình học là những bài lịch sử đấu tranh cách mạng, tấm lòng yêu nước kiên trung của các nhà chí sĩ, những tấm gương trung liệt, phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân ta. Ông cùng các bạn tù đã lấy lớp học làm niềm vui, lấy viên phấn, bảng đen làm vũ khí chiến đấu cho đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1.5.1975). Ra khỏi nhà tù, ông tham gia công tác quân quản, chăm lo đời sống cho những người tù, bảo vệ an ninh trật tự, làm vệ sinh môi trường… Sau khi huyện đảo ổn định, ngày 25.5.1975, con tàu mang số 504 cập bến đưa ông cùng hàng trăm bạn tù khác về cảng Đà Nẵng.
Ông Diệp Thế Trí (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) trong lần trở lại Côn Đảo. |
“Tam Kỳ có hàng trăm chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị địch bắt giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, các hiện vật có liên quan về nhà tù này chắc chắn được lưu giữ rất nhiều nhưng đến nay sưu tầm chưa được là bao. Để tiếp lửa truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu mai sau, Hội Tù yêu nước thành phố kêu gọi mọi người có trách nhiệm sưu tầm, đóng góp để đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo nhằm góp phần giáo dục trực quan về truyền thống yêu nước cho mỗi người khi đến đây tham quan”. (Ông Đỗ Xuân Thăng - Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ) |
Dẫu thời gian đã qua gần 40 năm, những hiện vật ông còn lưu giữ như cái túi xách, chiếc khăn tắm, cái quần, cái áo tù, chiếc cà mèn đựng cơm, cái ly đựng nước uống, bàn chải đánh răng... tuy không còn nguyên vẹn nhưng là những kỷ vật đã ghi dấu ấn khó quên trong những tháng ngày ông bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Đặc biệt, trong số những kỹ vật lưu giữ còn có bộ kim châm cứu tự tay ông làm ra từ những sợi dây đàn ghi ta để chữa bệnh cho bạn tù, lá cờ Mặt trận Dân tộc thống nhất miền Nam Việt Nam được may từ trong nhà tù sẵn sàng chờ ngày đứng lên giải phóng. Ông còn giữ cuốn nhật ký ghi chép đầy đủ các hoạt động từ khi bị địch bắt cho đến ngày bước chân lên đất liền, một nửa chiếc khăn rằn của một người bạn tù tặng quấn cổ cho ấm trong những ngày tháng lao tù, chiếc ruột tượng đựng gạo ăn những ngày lênh đênh trên biển, tài liệu giảng dạy cho bạn tù và hàng chục bức thư của người thân, bạn bè gửi ra từ đất liền... Tất cả được ông trân trọng gìn giữ và xem như báu vật.
Ông Diệp Thế Trí cho hay, sẽ hiến toàn bộ những kỷ vật này cho Bảo tàng Côn Đảo. “Những kỷ vật này tuy không lớn so với sự tồn tại 113 năm của nhà tù Côn Đảo và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cách mạng bị địch bắt giam cầm tại đây. Nhưng tôi tin rằng, chúng sẽ góp phần giúp cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ, thấy được ý chí đấu tranh của cha anh mỗi khi đến tham quan nhà tù Côn Đảo” - ông Trí chia sẻ.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC