Bệnh lở mồm long móng & cách phòng chống
Lở mồm long móng là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, động vật mắc bệnh chủ yếu là trâu, bò, heo, dê, cừu. Bệnh do một loại vi rút gây ra, lây lan rất nhanh. Vi rút có thể sống nhiều ngày trong chất thải hữu cơ ở chuồng nuôi hoặc các chất có độ kiềm nhẹ (pH 7,2-7,8); trong thịt ướp đông, vi rút có thể sống suốt nhiều tháng.
Bệnh lở mồm long móng làm gia súc mất sức kéo, giảm sản lượng thịt, sữa, gây sẩy thai. Nếu không được điều trị kịp thời, gia súc nhỏ thường bị chết với tỷ lệ 20 - 50%, gia súc trưởng thành thường bị chết 2 - 5%, tỷ lệ mắc bệnh trong một đàn thường là 100%.
Đặc điểm chủ yếu của bệnh là con vật sốt 40 - 410C, hình thành mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi, vành mũi, vành móng chân, kẽ móng và đầu vú. Mụn nước vỡ tạo ra các vết loét ở miệng, con vật chảy nhiều nước bọt, lúc đầu trong, lỏng, sau đục lại thành sợi. Con vật ăn ít hoặc bỏ ăn do viêm miệng, thường hay chép miệng. Mụn nước ở kẽ móng chân vỡ ra, chân đau, con vật đi lại khó khăn, với điều kiện vệ sinh kém vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, long móng, thối móng, con vật không đi lại được, buộc phải loại thải. Mụn nước ở lỗ đầu vú gây viêm vú. Đối với con vật đang cho sữa có thể mất hẳn sữa.
Sau khi phát bệnh từ 10 đến 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng, nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể 3 - 4 tuần (đối với heo), 4 tháng (đối với dê), 9 tháng (đối với cừu), 2 - 3 năm (đối với trâu, bò) và tiếp tục thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh, lây lan dịch bệnh...
(Còn nữa)
(NGUỒN: TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG - KHUYẾN NGƯ QUẢNG NAM)