Tăng cả lượng và chất

PHÚC HOÀNG 05/07/2013 08:06

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Nam lần thứ VI - 2013 sẽ tổng kết trao giải vào giữa tháng 7. Hội đồng chấm chọn đang làm việc cật lực để chọn ra những sản phẩm, mô hình tiêu biểu nhất dự thi cấp quốc gia vào tháng 9 tới.
Tăng số lượng

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh lần thứ VI - 2013 có thêm 2 đơn vị tham gia là huyện Nam Trà My và Nông Sơn, nâng tổng số đơn vị trên toàn tỉnh tham gia lên con số 13. Cuộc thi lần này quy tụ 215 sản phẩm, mô hình sáng tạo ở 5 lĩnh vực: phần mềm tin học, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, thân thiện với môi trường, đồ dùng dành cho học tập, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em. Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, trải qua 6 cuộc thi, đây là lần đầu tiên cấp huyện tổ chức sơ tuyển trước khi đưa các giải pháp về tham gia cấp tỉnh, và năm nay số lượng mô hình, giải pháp tham gia tăng lên rất nhiều. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của cuộc thi ngày càng lớn, các phòng giáo dục đã làm tốt công tác hướng dẫn thiếu niên nhi đồng học ở các trường học tích cực tham gia. “Mô hình sản phẩm tham gia cuộc thi phải có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng. Chúng tôi khuyến khích sử dụng các phế liệu trong sinh hoạt gia đình, học tập, trường lớp, sản xuất để làm ra vật dụng, các mô hình hữu ích. Các mô hình, sản phẩm bắt buộc phải có một bản thuyết minh kèm theo,  phải nêu rõ ý tưởng sáng tạo, cách sử dụng, vận hành, tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng” - ông Phạm Ngọc Sinh thông tin.

Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Nam lần thứ VI - 2013 chấm chọn các sản phẩm mô hình. Ảnh: HÀ MY
Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Nam lần thứ VI - 2013 chấm chọn các sản phẩm mô hình. Ảnh: HÀ MY

Ông Lê Văn Chính - Phó Giám đốc sở GDĐT, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, qua sơ tuyển đã có 118 mô hình, sản phẩm đạt chất lượng. Trong đó có 15 mô hình, sản phẩm ở lĩnh vực đồ dùng học tập; 7 mô hình, sản phẩm ở lĩnh vực phần mềm tin học; 55 mô hình, sản phẩm ở lĩnh vực môi trường và phát triển kinh tế. Lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em có 64 mô hình, sản phẩm dự thi đạt yêu cầu. “Những sản phẩm, mô hình này sẽ tiếp tục được từng hội đồng chấm chọn trên mỗi lĩnh vực cho điểm, xếp loại, tìm ra những mô hình sản phẩm tiêu biểu trao giải; đồng thời chọn sản phẩm, mô hình chất lượng nhất để dự cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc” - ông Chính nói.

Nhiều ý tưởng độc đáo

Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay thu hút nhiều ý tưởng sáng tạo, công phu, thể hiện được trách nhiệm của người công dân với đất nước. Nhiều mô hình giải pháp về tình yêu quê hương, muốn góp phần nhỏ bé của các em vào bảo vệ môi trường phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới như mô hình “Máy thu gom rác tự động trên kênh mương vùng nông thôn” của em Huỳnh Thị Mỹ Hoa (lớp 5/2, trường Tiểu học Kim Đồng, Phú Ninh), “Máy cắt rau củ tự động” của Đỗ Văn Châu Nhân (lớp 8/1 trường THCS Nguyễn Khuyến, Núi Thành), hay giải pháp “Rô bốt phá bom điện tử” của Đoàn Lê Công Khang (lớp 9/1 trường THCS Quang Trung, Tiên Phước)... Còn nhớ ở cuộc thi lần thứ V, Lê Công Khang tham gia với mô hình giải pháp “Xe cứu hỏa và nâng gắp hàng hóa tự động”. Với giải pháp này Khang nhận giải đặc biệt cuộc thi toàn tỉnh và được chọn đưa đi tham dự triển lãm sáng tạo thanh thiếu niên quốc tế ở Malaysia.

Qua 6 năm, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cả tỉnh có tổng cộng 745 mô hình, sản phẩm dự thi. Trong 5 cuộc thi trước đây, sau khi chấm chọn sản phẩm tham gia cuộc thi toàn quốc, toàn tỉnh có 22 mô hình sản phẩm đoạt giải, gồm 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Đặc biệt tại cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế năm 2012, Quảng Nam tham gia và đoạt 2 giải Bạc, 1 giải Đồng.

Bên cạnh đó, có mô hình dù là trò chơi nhưng mang tính thời sự đáng quan tâm của cả nước về chủ quyền biển đảo như các mô hình “Thành phố biển đảo”, “Cột mốc quần đảo Trường Sa”, “Thuyền cứu hộ cứu nạn trên biển”, “Tàu chiến tên lửa tầm xa”... Ở lĩnh vực đồ dùng học tập, tiêu biểu có giải pháp Thủy Ngọc Cảnh (lớp 10C2, trường THPT Tiểu La, Thăng Bình) với tên gọi “Thiết bị đo chiều cao vật thể trong không gian”. Cảnh cho biết, bằng kiến thức mà thầy cô truyền đạt trên lớp, em đã tìm ra phương pháp tính bằng các phép toán ứng dụng hình học không gian và số học để tính toán hợp lý và chuẩn xác các vật thể tương ứng với các chiều cao trong không gian. “Từ ý tưởng trở thành mô hình thật, em phải tìm tòi, nghiên cứu  rất nhiều về các tư liệu liên quan, cùng với sự trợ giúp nhiệt tình anh trai để hoàn thiện sản phẩm tốt nhất. Vật liệu làm nên mô hình này không tốn kém nhiều nên ai cũng có thể làm được, điều quan trọng là phải biết tính toán hợp lý theo nguyên tắc toán học và vật lý học, sản phẩm mới đạt yêu cầu” - Cảnh chia sẻ.

Theo ông Phạm Ngọc Sinh, nhiều tác phẩm có ý tưởng hay, thể hiện sự thông minh của các em. Thông qua mô hình, sản phẩm, các em muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: hãy sống và làm việc có ích cho quê hương đất nước, thân thiện môi trường... để phát triển bền vững. Mục đích lớn nhất mà cuộc thi hướng tới là giúp các em hiện thực hóa ước mơ sẽ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.

PHÚC HOÀNG

PHÚC HOÀNG