Kỳ Sanh - mảnh đất anh hùng
(Tiếp theo và hết)
Với những quả bom pháo lép được chế tạo lại, du kích Kỳ Sanh chọn những cây cao treo buộc vào rồi nối với thiết bị kích nổ bằng sợi dây điện mắc lên cành. Khi bộ binh hoặc xe tăng trúng mìn, bị thương vong, bọn chúng gọi máy bay lên thẳng tới chở về căn cứ Chu Lai. Cánh quạt máy bay thổi rạp cành lá và kích hoạt những quả mìn tự tạo gài trên cây phát nổ làm tan xác những con “chuồn chuồn sắt” khổng lồ. Tàu cán gáo cũng bị nổ tung khi sà xuống thấp quan sát những con bù nhìn rơm do du kích Kỳ Sanh giăng bẫy đánh lừa.
Điển hình là trận đánh tại khu vực Rừng Mây - Tịnh Sơn vào tháng 8.1967. Hôm đó, dưới sự chỉ huy của Võ Phố, du kích Kỳ Sanh bố trí trận địa mìn tự tạo liên hoàn chờ đợi. Đúng như dự đoán, quân Mỹ càn lên. Chiếc xe tăng M113 đi đầu trúng mìn biến thành quả cầu lửa. Quân Mỹ dạt ra và rơi ngay vào trận địa mìn tự tạo liên hoàn. Nhiều tiếng nổ kinh hoàng vang lên. Nhiều tên chết nằm thẳng cẳng. Nhiều tên lăn lộn kêu la vì bị trọng thương. Bọn chúng gọi máy bay lên thẳng đến ứng cứu. Và một chiếc HU1A trờ tới, chưa kịp hạ cánh tải thương đã bị vướng mìn gài trên ngọn cây cao gần đấy, tan xác. Càn quét vào Kỳ Sanh là ác mộng đối với những tên “mũi lõ mắt xanh”. Bởi bọn chúng không tìm thấy đối phương ở đâu, nhưng lớ quớ là bị bắn tỉa, bị đạp mìn dưới đất, bị dính mìn trên cây. Máy bay lên thẳng “ăn đòn” từ những quả pháo mà bọn chúng bắn ra vùng giải phóng, không nổ, được đối phương thu nhặt cải tiến lại để chơi trò “gậy ông đập lưng ông”.
“Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, du kích Kỳ Sanh hoạt động mạnh là nhờ có sự chở che đùm bọc của người dân ở các xóm làng thuộc vùng xôi đậu”. Lúc sinh thời chú tôi bảo vậy.
Những năm tháng ấy, quân Mỹ rải khắp miền tây Núi Thành. Xa là cứ điểm Gò Gai, Bàn Cồng. Gần là các chốt tiền tiêu Hòn Bà, Hòn Nhọn, Hòn Rơm, Núi Chúa… Gần hơn nữa là Ao Vuông - Kỳ Liên, đồi Ông Sầm - Kỳ Khương… Quân ngụy cũng theo đóm ăn tàn chiếm giữ dương Bản Lầu, đồi Xê Xê, đồi 76… Bọn chúng lập đồn bót ở những ngọn đồi mõm núi có vị trí xung yếu để khống chế cả một vùng rộng lớn chung quanh. Ban ngày, bọn chúng mở các cuộc hành quân càn quét ở các xóm làng. Ban đêm, bọn chúng cho máy bay ném bom tọa độ, gọi pháo tầm xa bắn như giã gạo chày ba ở những nơi nghi ngờ đối phương qua lại. Nhiều nóc của bà con dân tộc Co ở bên kia sông Quán, sông Ngang bị xóa sổ vì bom tọa độ như nóc Già Đạm, nóc Nà Ớt. Nhiều gia đình ở làng Tứ Mỹ bị phi pháo, chẳng còn sống sót một ai. Bọn chúng càng tàn bạo, lòng dân Tam Mỹ càng phẫn uất, căm thù. Họ bất chấp tù đày, làm cơ sở cách mạng cho ta. Trẻ em cũng tham gia tiếp tế lương thực thực phẩm cho “cán bộ đằng mình”. Trò chuyện với tôi, chị Châu Thị Lý nhớ lại: “Hồi đó đội thiếu niên ở vùng tạm chiếm lùa trâu bò lên khu vực Trung Lương, Đồng Cố chăn thả. Và trên cổ mỗi con trâu con bò đều có đeo một chiếc mõ gỗ màu nâu sẫm kèm theo chiếc lục lạc. Không ai biết được rằng, bên trong chiếc mõ gỗ có một ngăn nhỏ đựng hơn bơ gạo. Chỉ anh em du kích mới biết được điều đó. Và họ lần theo tiếng lục lạc leng keng, tìm trâu bò thả rông, tháo chiếc hộp bí mật ấy ra, lấy gạo”.
Với cách tiếp vận độc đáo ấy, mỗi năm đội thiếu niên vùng tạm chiếm đã cung cấp cho Đội du kích Kỳ Sanh vài ba tấn gạo. Không những thế, các em còn kịp thời thông báo tình hình địch cho “cán bộ đằng mình”. Nhiều tên ác ôn khét tiếng đã bị du kích Kỳ Sanh cải trang vào tận hang ổ trừng trị bằng án tử cũng là nhờ có sự đóng góp thầm lặng của đội thiếu niên vùng tạm chiếm. Thức trắng đêm nghe các mẹ, các chị, các anh… kể chuyện thời chiến tranh ở mảnh đất Kỳ Sanh ngày ấy - Tam Mỹ bây giờ, tôi chợt nhớ những câu thơ Tố Hữu: “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hóa những anh hùng/ Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí…”.
Bà Út Phận - nguyên mẫu nhân vật Mẫn trong tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ, cho tôi hay, trong những năm tháng ấy, nếu không có sự tiếp tế của đội thiếu niên vùng tạm chiếm, du kích Kỳ Sanh gặp không ít khó khăn vì đói ăn thiếu mặc. Còn chú tôi, lúc sinh thời ngồi kể chuyện chưa xa, cười bảo: “Du kích Kỳ Sanh hoạt động táo bạo khiến đám hội đồng tề ngụy ở địa phương không dám ho he”. Vì thế, Hai Huệ - con trai đầu của chú tôi, đến tuổi “thi hành quân dịch”, không ưng đi “lính quốc gia”, chỉ thích được làm anh giải phóng quân. Chú tôi báo cáo với tổ chức. Rồi chiều hôm ấy, gia đình chú tôi làm bữa liên hoan tiễn “thằng Hai” nhảy núi lên xanh. Sẩm tối, du kích Kỳ Sanh về tận xóm Đông An đưa cậu em tôi đi bộ đội huyện. Hôm sau, chú tôi nói với mọi người: “Khi đêm cộng sản về bắt mất “thằng Hai” nhà tôi. Bọn tề ngụy nhếch mép cười, cho qua. Bọn chúng biết tỏng tòng tong, song không dám làm gì vì sợ du kích Kỳ Sanh về “xử tội”.
Hai mươi mốt năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đầy gian khổ hy sinh của dân tộc ta, cuối cùng cũng đã kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân 1975. Quê hương được hoàn toàn giải phóng. Với những chiến công hiển hách, cán bộ và nhân dân Tam Mỹ - Kỳ Sanh quê tôi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; ba cá nhân là Võ Phố, Nguyễn Thanh Khối và liệt sĩ Lê Văn Tâm cũng được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý này. Ngoài ra, quê tôi còn được trao tặng một Huân chương Thành đồng hạng Nhất, bốn Huân chương Chiến công các hạng. Mảnh đất này có 308 người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc được công nhận liệt sĩ; 48 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từng có một tuổi thơ trong chiến tranh ác liệt ở Tiên Phước nhưng tôi vẫn không sao hình dung nổi sự tàn bạo của kẻ thù và sự ngoan cường đứng lên chống giặc ngoại xâm ở quê nội của tôi: Tam Mỹ - Kỳ Sanh. Là khu vực vành đai căn cứ Chu Lai và cơ quan đầu não quận lỵ Lý Tín, Mỹ-ngụy thi nhau càn quét, bắn phá vô tội vạ quê nội của tôi bất kể ngày đêm. Không ai có thể tính đếm được bao nhiêu tấn đạn bom mà kẻ thù đã trút xuống vùng quê Tam Mỹ - Kỳ Sanh trong thời kỳ chiến tranh. Mảnh đất cằn cỗi sim mua có “con sông Trầu lờ lợ nước chè hai” vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền tề ngụy. Bọn chúng chỉ co cụm ở khu vực Trà Tây, Phú Quý và Đa Phú. Các thôn xóm khác là vùng xôi đậu và vùng giải phóng. Không những thế, ta còn khống chế được những tên ác ôn máu lạnh, buộc chúng phải ngoảnh mặt làm ngơ cho các cơ sở cách mạng hoạt động ngay trong vùng bị Mỹ-ngụy tạm chiếm.
Thật hiếm có nơi nào như quê nội của tôi. Đối diện với quân thù và làm nên những cái “đầu tiên” được lưu truyền qua sử sách: Là nơi đồng khởi đầu tiên ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung; là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên ngay sát nách địch; là nơi mở đầu phong trào du kích miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ giữa thanh thiên bạch nhật…
Vườn Cừa, 6.2013
Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ