Công dụng của bắp
Bắp (ngô) là loại thực phẩm rất thông dụng với dân gian từ xưa đến nay. Nó là nguồn dinh dưỡng có tiềm năng rất lớn, được xem là loại “ngũ cốc vàng”, còn được đặt tên là “thiềm thục ngọc” do những công dụng đặc biệt của nó.
Râu bắp là một vị thuốc quen thuộc trong dân gian, có tác dụng làm tăng bài tiết mật và tăng lượng nước tiểu trong các chứng bệnh viêm túi mật, tắc túi mật hoặc phù thũng trong những bệnh về tim, thận. Theo một số nghiên cứu của khoa học hiện đại, bắp chứa nhiều kali, có tác dụng tăng bài tiết mật, giảm bililubin trong máu; giúp điều chỉnh lượng mỡ trong máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch - góp phần ngăn ngừa những triệu chứng bệnh lý của động mạch vành dẫn tới nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não; kích thích tiêu hóa và giúp tăng cường chuyển hóa cơ bản; giúp tăng cường hoạt động của ruột già. Có nhiều cách chế biến bắp, nhưng tốt nhất vẫn là dùng bắp nguyên hạt, chẳng hạn bắp tươi luộc chín, nướng hoặc bắp khô nguyên hạt xay nấu cháo. Bắp tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn rất phong phú.
Theo y học cổ truyền, bắp có tác dụng điều trung khai vị, thẩm thấp lợi tiểu (đặc biệt là râu bắp), giảm mỡ trong máu; chủ yếu dùng cho viêm loét dạ dày, tiêu hóa kém, huyết áp cao, khó đi tiểu, sỏi bàng quang. Việc ăn cháo bột bắp (ngày 2 bữa, ăn nóng) sẽ giúp giảm mỡ trong máu, hạ huyết áp, tốt cho những người tăng cholesterol trong máu và các bệnh tim mạch khác. Món cháo nấu từ bắp non bào nhỏ với gạo và khoai mài có tác dụng tốt đối với người bệnh tiểu đường bị suy dinh dưỡng. Bắp luộc thích hợp cho người bị các bệnh gan thận có phù, sỏi, vàng da. Còn người hay hồi hộp, mất ngủ có thể dùng râu bắp cho vào túi vải buộc miệng, hầm với tim heo. Nếu trẻ nhà bạn biếng ăn, tiêu hóa kém hay đầy bụng có thể nấu món cháo bắp non 100g với 2 củ cà rốt vừa; nấu bắp sôi trước 1 giờ rồi mới cho cà rốt vào ninh nhừ, dùng ngày 2 lần.
- Điều trung khai vị, thẩm thấp lợi tiểu: hạt bo bo (ý dĩ) cùng với bột bắp nấu thành cháo ăn thường xuyên.
- Viêm dạ dày mạn: bắp, hạt đậu ván mỗi thứ 60g, đu đủ 15g nấu với nước mà ăn. Hoặc bắp, râu bắp 100-200g đun với nước mỗi ngày 2 lần uống liên tục.
- Tiêu hóa kém hay đi lỏng: bắp 500g, vỏ trái lựu 25g cùng sao vàng nghiền thành bột nhỏ, mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 9 - 12g; trẻ con giảm liều.
- Váng đầu: bắp 30g, trứng ngỗng 1 cái, sáng sớm tráng mà ăn lúc đói.
- Huyết áp cao: bắp 30 hạt (đập nát), râu bắp 10g, xác ve sầu 3 cái, sắc uống, một liệu trình là một tháng. Hoặc râu bắp 30 - 50g, đường trắng vừa đủ , sắc uống ngày 1 - 2 lần (đơn này có thể dùng cho người bệnh bị sỏi đường tiết niệu).
- Viêm tuyến sữa: bột bắp 50g sao vàng, nước đun sôi để nguội quấy thành hồ đắp vào chỗ đau.
- Đi ngoài ra máu: bắp rang cháy, nghiền thành bột, hòa với ít rượu mà uống, mỗi lần 25g.
Bs. LÊ THÂN