Kỳ Sanh - mảnh đất anh hùng

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ 03/07/2013 08:22

(Tiếp theo kỳ trước)

Thời thế lại đổi thay. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản. Đế quốc Mỹ vội thi hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Ngày 7.5.1965, những tên “mũi lõ mắt xanh” đã có mặt tại bãi biển Kỳ Liên, Kỳ Hà để chuẩn bị xây dựng căn cứ Chu Lai.

Lập vành đai bảo vệ căn cứ Chu Lai - khu căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ, quân Mỹ chiếm Núi Thành, Núi Chúa, dãy Răng Cưa, thiết lập các chốt điểm nhằm kiểm soát cả một vùng rộng lớn ở phía tây. Cuộc chiến ngày càng trở nên ác liệt. Quân Mỹ ở các điểm chốt nghi ngờ nơi nào là gọi máy bay dội bom, gọi pháo tầm xa băm vằm nơi ấy. Ngày cũng như đêm ùng oàng tiếng bom rơi đạn nổ. Có vũ khí hiện đại, lại phản ứng nhanh trong mọi tình huống, quân Mỹ làm chủ chiến trường. Tư tưởng hoài nghi đánh Mỹ và thắng Mỹ manh nha xuất hiện trong suy nghĩ của không ít cán bộ đảng viên. Nhất là khi bọn chúng điên cuồng đánh phá căn cứ địa Tứ Mỹ và các vùng chung quanh như Kỳ Trà, Kỳ Thạnh… Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ được Tỉnh ủy Quảng Nam xác định rõ. Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 được giao nhiệm vụ phối hợp với Đại đội Đặc công V16 của Huyện đội Nam Tam Kỳ điều nghiên chốt điểm đồi Yên Ngựa - Núi Thành. Nhờ người dân quê tôi chở che khi thâm nhập thực tế, các trinh sát tiếp cận mục tiêu, nắm được quy luật hoạt động của bọn chúng. Đêm 26.5.1965, bộ đội ta bất ngờ tiến công nơi đồn trú của quân Mỹ. Chỉ trong vòng ba mươi phút chiến đấu, bộ đội ta đã tiêu diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ “mắt xanh mũi lõ”, cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên đồi Yên Ngựa - Núi Thành.

Với trận đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam giành thắng lợi vang dội, Quảng Nam được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam khen tặng tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Bị đối phương giáng một đòn phủ đầu choáng váng, quân Mỹ điên cuồng đánh phá và càn quét ra vùng giải phóng. Và bọn chúng bị du kích Kỳ Sanh chặn đánh ngay tại cánh đồng Nuột giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Lưu Nhứt và ông Nguyễn Võ là hai người dân ở chợ Cà Đó trực tiếp chứng kiến từ đầu đến cuối trận đánh Mỹ của du kích Kỳ Sanh. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng hai ông vẫn nhớ mãi. Và hai ông kể cho tôi nghe về sự kiện lịch sử đó. Hôm ấy, khoảng tám rưỡi sáng ngày 10.6.1965, một đại đội lính Mỹ từ đồi Giồng Bồ (đồi 69) kéo đến tập trung đông đen ở bên kia Cầu Xuổng - Khương Thọ, chuẩn bị vượt qua đồng Nuột, tiến vào thôn 4 Kỳ Sanh càn quét “tìm diệt Vici” sau trận đòn đau ở đồi Yên Ngựa - Núi Thành. Trực chiến hôm đó tại chợ Cà Đó gồm có các anh Phụng, Đoàn, Tâm, Lưu, Thiện và chị Hồng Cân. Tất cả phân chia ra thành ba tổ, nhanh chóng vận động tới mai phục ở những rặng duối rậm rạp phía trước nhà ông Nguyễn Kiểng chờ giặc đến. Khi bọn chúng vượt qua đồng Nuột, du kích Kỳ Sanh kiên gan chờ đợi cho tới khi khoảng cách chỉ còn vài ba chục mét, bất ngờ nổ súng. Những tên đi đầu trúng đạn ngã nhào. Bọn chúng vội tháo lui về ngõ Cầu Xuổng - Khương Thọ và bắn như mưa vào khu vực chợ Cà Đó. Cây cối gãy đổ ngổn ngang vì miểng đạn.

Khoảng mười phút sau, thấy đối phương không chống trả, quân Mỹ đinh ninh “Vici” đã rút nên hùng hổ vượt qua đồng Nuột, tiến về phía chợ Cà Đó. Bọn chúng đâu có ngờ rằng, du kích Kỳ Sanh lợi dụng các bờ bao dứa dại, vận động ra cánh đồng Nuột, ẩn nấp ở các bờ đất nhấp nhô, đợi chờ sẵn. Bọn chúng đến gần. Du kích Kỳ Sanh bắn tỉa. Những tên bị trọng thương vừa nằm giãy đành đạch, vừa kêu la oai oái. Đồng bọn xúm lại khiêng. Du kích Kỳ Sanh điểm xạ từng phát một. Nhiều viên đạn xuyên táo hai, ba tên. Hoảng sợ, bọn chúng bỏ chạy về hướng Cầu Xuổng - Khương Thọ và gọi phi pháo bắn cấp tập vào khu vực chợ Cà Đó. Bọn chúng đâu có biết du kích Kỳ Sanh ẩn nấp ở các bờ bao dứa dại sát đồng Nuột trống hơ trống hoác chặn đánh tiếp. Quá khiếp đảm, địch không dám liều mạng tràn ra đồng Nuột để cứu đồng bọn bị thương đang nằm ngồi lố nhố. Lúc bấy giờ du kích Kỳ Sanh cũng đã chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng. Bọn chúng gọi pháo tầm xa từ căn cứ Chu Lai băm vằm khu vực chợ Cà Đó, gọi máy bay lên thẳng đến bắn phá và sà xuống tải thương. Hai ông Lưu Nhứt và Nguyễn Võ từ xóm chợ Cà Đó chạy qua đồng Bộng tránh phi pháo, nhìn sang phía Cầu Xuổng - Khương Thọ, thấy bọn chúng khiêng một mớ lính Mỹ chết và bị trọng thương chuyển lên hai chiếc máy bay HU1A để chở về căn cứ Chu Lai.

Bị thất bại thảm hại, quân Mỹ buộc phải hủy bỏ cuộc hành quân càn quét vào Kỳ Sanh. Trận đánh Mỹ hôm đó khiến Đội du kích Kỳ Sanh vang danh khắp nơi. Bởi đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, lực lượng du kích đánh Mỹ và thắng Mỹ giữa thanh thiên bạch nhật. Tại hội nghị báo cáo điển hình và phổ biến kinh nghiệm đánh Mỹ của lực lượng du kích toàn miền Nam, ông Lê Văn Tâm - người trực tiếp chỉ huy đánh Mỹ ngay tại đồng Nuột, đã đúc kết kinh nghiệm bằng câu nói nổi tiếng: “Cứ tưởng đánh Mỹ khó, nhưng thực ra không khó! Bởi Mỹ to con nên dễ bắn trúng…”.

Các tay súng của Đội du kích Kỳ Sanh không những dũng cảm đánh Mỹ chớp nhoáng theo kiểu “xuất quỷ nhập thần”, táo bạo thâm nhập vào vùng địch hậu “diệt ác trừ gian”, mà còn sáng tạo ra nhiều phương cách đánh địch độc đáo, chế tạo ra nhiều loại mìn từ bom pháo lép để giết giặc. Trò chuyện với những người từng là “dân ấp dân lân” trong những năm chiến tranh, tôi được nghe họ kể về các ông Lê Văn Tâm, Võ Phố… gài mìn trên ngọn cây cao diệt tàu cán gáo, máy bay lên thẳng. Bà Bùi Thị Lợi ở làng Tứ Mỹ bảo với tôi: “Chuyện về Đội du kích Kỳ Sanh, nếu viết thành sách, được một quyển dày”. Còn chồng bà - ông Đoàn Ngọc Ánh, cười nói: “Kỳ Sanh có chiến khu Tứ Mỹ, có nóc Ông Bền nổi tiếng cả khu 5. Và Đội du kích Kỳ Sanh với rất nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử. Chú chịu khó tìm hiểu sẽ có khối tư liệu để viết về quê mình”. Trong tình thế khó khăn thiếu thốn trăm bề, việc nhặt bom pháo lép đem về cải tiến lại thành mìn chống tăng là chuyện phổ biến ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, việc dùng bom pháo lép làm mìn tự tạo diệt máy bay trên trời là chuyện “độc nhất vô nhị”, chỉ những tay súng ở Đội du kích Kỳ Sanh mới nghĩ ra! Và loại “hàng độc” cùng với cách đánh “có một không hai” lại đạt hiệu quả cao, khiến kẻ thù phải khiếp sợ vì không thể nào ngờ tới!

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ

(Còn nữa)

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ