Kỳ Sanh - mảnh đất anh hùng

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ 02/07/2013 08:59

(Tiếp theo kỳ trước)
Ngoài bác tôi, bọn tề ngụy còn lùng sục, vây bắt được một số cán bộ đảng viên nằm vùng tại địa phương. Bọn chúng thẳng tay đánh đập những người cùng làng cùng xóm, kể cả những người có quan hệ máu mủ ruột rà. Những ngón đòn cực kỳ hiểm ác được bọn chúng đem ra áp dụng. Dùng dùi cui, củi khúc nện vào người. Hòa nước xà phòng, bóp họng cho uống no rồi đè ngửa ra và leo lên bụng giẫm đạp. Lấy vôi rắc lên những vết thương để tù nhân quằn quại vì đau đớn. Giã ớt chỉ thiên - một loại ớt hiểm cay xé lưỡi, pha với nước lã đổ vào mồm… Không ít người chịu đựng hết nổi phải cắn lưỡi từ giã cõi đời. Bác tôi được người cậu họ “chăm sóc kỹ càng” khi những tên đầu trâu mặt ngựa “đánh mỏi tay vẫn không khai thác được gì”. Người cậu họ biết rõ “thằng cháu bất trị” nên trói quặt hai tay ra sau lưng theo kiểu “lộn mề gà” và cầm củi khúc thúc vào ngực. Bác tôi gục ngã, bất tỉnh. Bọn chúng lôi bác tôi ra phía sau nhà thờ họ Phan vứt ở đám sắn, chờ đêm khuya đem quẳng xác xuống sông Trầu. Sau khi bị chết ngất, nhờ hơi đất, bác tôi tỉnh lại và bò đi, trốn thoát. Cuối năm 1954, bác tôi được cấp trên bố trí đi tập kết ra Bắc.

Cái ác càng lộng hành khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thiết lập xong hệ thống chính quyền tề ngụy cấp cơ sở. Phần đất phía nam huyện Tam Kỳ, bọn chúng tách ra và đặt tên là quận Lý Tín. Xã Tam Mỹ cũng bị đổi thành xã Kỳ Sanh. Các làng mạc bị thay đổi tên gọi bằng thôn theo số thứ tự 1, 2, 3… Rồi Luật 10/59 ra đời, bọn chúng lê máy chém khắp nơi. Gia đình tôi ở Tiên Phước rơi vào thảm cảnh phân ly. Ba tôi bị bọn tề ngụy ập đến nhà bắt đưa đi tập trung “huấn chính” vô thời hạn với lý do “đảng viên trung kiên” và “tích cực tham gia kháng chiến”. Gia đình bà nội tôi ở Kỳ Sanh cũng bị đám hội đồng hương chính xã thường xuyên gọi lên tra hỏi, đe nẹt. Cô tôi có chồng đi tập kết. Đám hội đồng hương chính xã hết hăm dọa lại tìm cách ve vãn, cô tôi buộc phải chọn con đường xuống tóc quy y nương nhờ cửa Phật. Rất, rất nhiều gia đình ở Kỳ Sanh cũng bị chính quyền tề ngụy dùng những thủ đoạn đê hèn để lôi kéo, lừa phỉnh ly khai kháng chiến. Ai dám vạch trần âm mưu đen tối của bọn chúng sẽ có chung số phận: Bỗng dưng mất tích!

Mục đích của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm là tróc nã bằng hết bọn “cộng sản nằm vùng”, “làm trong sạch từng địa bàn làng xã” để tất cả đều là “con dân của chính phủ quốc gia”. Bọn chúng dung nạp những tên lưu manh vào lực lượng dân vệ, o bế những tên Quốc dân đảng cực kỳ phản động bằng cách bố trí nắm giữ những cương vị chủ chốt trong hệ thống chính quyền tề ngụy cấp cơ sở. Vô học nên những tên “đầu sai” ấy đã biến thành những con - người - thú, giết người không chút ghê tay. Ban ngày chúng dò la thám thính. Ban đêm chúng rình rập bắt người thủ tiêu. Rất nhiều cán bộ đảng viên và những người tham gia kháng chiến ở các làng Trà Tây, Phú Quý, Trung Thành, Trung Chánh, Trung Lương, Đồng Cố, Tịnh Sơn… “bỗng dưng mất tích” một cách bí ẩn.

Người dân quê tôi vẫn không hề run sợ trước đòn roi, máy chém của kẻ thù. Gia đình chú tôi cũng như bao gia đình khác như bà Soạn, bà Xân, bà Nương, bà Chỉ, Lê Khuôn, Lê Chuyên, Lê Mỹ, Ngô Ngao… đã bất chấp hiểm nguy, chở che, nuôi giấu “cán bộ đằng mình”.

Tình thế thay đổi. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời. Phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Và rồi ngày 31.8.1961, dân làng Tứ Mỹ phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh và huyện, nổi dậy lật đổ chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tại địa phương, giành được thắng lợi vẻ vang. Làng Tứ Mỹ trở thành vùng giải phóng đầu tiên ở đồng bằng duyên hải Trung Trung Bộ. Và đây cũng là căn cứ địa đầu tiên nối liền giữa miền núi với miền xuôi. Các cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam, Khu ủy khu 5 đã chọn nơi này đặt bản doanh lãnh đạo phong trào cách mạng. Làng Tứ Mỹ là hình mẫu về đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang để giải phóng quê hương, phá bỏ các khu dồn, các ấp chiến lược. Vì vậy, các tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, Bình Thuận… đều cử cán bộ về Tứ Mỹ học tập phương thức xây dựng cơ sở cách mạng, phát động toàn dân đồng khởi. Trong thời gian này, nhà văn Phan Tứ đã về bám trụ tại làng Tứ Mỹ, thâm nhập vào vùng địch hậu, tìm hiểu thực tế để viết nên những tác phẩm nổi tiếng “Về làng”, “Gia đình Má Bảy”, “Mẫn và tôi”… Lúc sinh thời, cụ bà Trần Thị Tranh - nguyên mẫu nhân vật Má Bảy, người nuôi Phan Tứ trong những năm nhà văn sống và viết tại làng Tứ Mỹ, cười bảo: “Hồi nớ vui lắm! Cán bộ đằng mình về ở rất đông. Văn công diễn văn nghệ ai xem cũng mê cũng thích…”.

Đội du kích Kỳ Sanh được thành lập với hơn ba chục tay súng do Trần Quang Anh (Trần Anh Doan) làm Đội trưởng. Càng tôi luyện trong chiến đấu, Đội du kích Kỳ Sanh càng trưởng thành, lớn mạnh. Vùng giải phóng không ngừng được mở rộng. Ngoài Tứ Mỹ, ta còn làm chủ các thôn Thạnh Mỹ, Tịnh Sơn và Đồng Cố. Khu vực Trung Thành, Trung Chánh, Trung Lương… là vùng xôi đậu, ta và địch thay nhau kiểm soát khi đêm xuống ngày lên. Các đoàn thể như nông hội, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên ra đời đã góp phần tạo nên sức mạnh của phong trào quần chúng. Địch bị dồn ép phải co cụm ở Trà Tây, Phú Quý, Đa Phú. Ngày 9.8.1964, du kích Kỳ Sanh phối hợp với Tiểu đoàn 90 (Trung đoàn 1) chủ động tấn công địch ở thôn 7 (Thạnh Mỹ) và thôn 8 (Tịnh Sơn), tiêu diệt một số tên dân vệ, phá banh hai ấp chiến lược, câu nhử địch từ Kỳ Khương và Kỳ Liên kéo đến vùng giáp ranh để đánh. Sáng ngày 10.8.1964, sau khi pháo tầm xa bắn phá dọn đường, một tiểu đoàn lính cộng hòa có chiến xa và máy bay oanh tạc yểm trợ, bất ngờ càn quét vào Thạnh Mỹ, Tịnh Sơn. Đội du kích Kỳ Sanh phối hợp với bộ đội chủ lực vây đánh địch tại Hóc Tú. Quần nhau từ sáng đến xế chiều, ta tiêu diệt gần một trăm tên địch, bắn cháy sáu xe tăng M113, bắn trọng thương hai máy bay lên thẳng, bắt sống hàng chục lính ngụy, trong đó có tên thiếu úy đại đội trưởng khét tiếng ác ôn. Bị thua đau, bọn chúng vội mở đường máu tháo chạy về trung tâm quận lỵ Lý Tín. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường khu 5, ta đánh bại chiến thuật “thiết xa vận”, giành được thắng lợi vang dội.

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ
(Còn nữa)

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ