Những người “cho chữ”
Khác nhau về công việc nhưng họ có chung một hành động “cho chữ” giữa đời thường. Câu chuyện về họ, qua lời kể của nhiều người xung quanh khiến chúng tôi cảm động.
Chuyện ông Ban
Cái duyên để tôi gặp ông Pơloong Ban cũng rất tình cờ. Lên xã Tà Bhing (Nam Giang) công tác, ghé chân nhà người bạn ở thôn Pà Rồng, rồi biết ông qua câu chuyện của vài người trong thôn. “Ở vùng này, hầu như ai cũng đã từng một lần nhờ đến ông Ban cho... chữ” - anh A Viết Sử, người dân trong thôn cho hay.
Ông Ban giải thích cho người dân về chế độ chính sách. |
Trưa, nắng hầm hập. Từ phía đầu nguồn suối Pà Xua, ông Ban lùa những con bò về cho kịp giờ nghỉ. Bởi “lịch” chiều của ông luôn có vài người dân “đặt hàng”. “Hôm qua, mới viết xong lá đơn xin trợ cấp xã hội cho một hộ dân trong thôn. Nhà nghèo, muốn xin Nhà nước hỗ trợ nhưng lại không biết viết ra sao” - ông Ban cho hay. Ông kể, ngày trước ở vùng Tà Bhing này khó để tìm ra người viết được lá đơn, hướng dẫn làm chế độ chính sách cho đồng bào. Bởi vậy, hễ có việc gì cần ai cũng chạy đến tìm ông. “Mỗi lần giúp đỡ người khác, chưa bao giờ ông Ban lấy của ai chút công, dù là một quả chuối, trái bắp” - anh Pơloong Hợp, hàng xóm ông Ban, chia sẻ. Cái duyên trở thành người “cho chữ” giúp đồng bào của ông Ban cũng rất tình cờ. Năm 1997, UBND huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang) chỉ đạo thành lập Tổ bảo vệ rừng xã Tà Bhing nhằm điều động lực lượng phối hợp truy quét, tuần tra trên địa bàn. Theo đó, chế độ cho mỗi thành viên của tổ bảo vệ rừng là 30 nghìn đồng/ngày, cắm chốt trong rừng suốt một tuần liền. Tuy nhiên, chế độ sau đó bị một số đối tượng ăn chặn khiến tổ bảo vệ rừng bức xúc. Họ tìm đến ông Ban để nhờ viết giúp lá đơn kiến nghị lên cấp trên, đòi lại quyền lợi công bằng. “Từ đó, hễ có việc chi, ai cũng tìm nhờ tôi giúp. Rồi thành quen. Tôi đã viết hàng nghìn lá đơn, chừ không nhớ nổi đâu” - ông Ban nói.
Trở về sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng, ông đi học phổ thông. Lớp đầu tiên ông theo học là dạy tiếng nói và chữ viết Cơ Tu tại trường xã A Xăh (xã Tà Bhing bây giờ). Cuộc sống khó khăn, ít ai chịu học con chữ. “Lớp học ít dần học sinh nên chẳng bao lâu sau cũng giải thể” - ông Ban kể. Học hết lớp 5, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã. Với những đóng góp cho phong trào đoàn - hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, mấy năm sau, ông được bầu làm phó chủ tịch, rồi chủ tịch xã. Năm 1994, ông thôi chức chủ tịch xã, trở về tham gia công tác tại thôn bản với nhiều nhiệm kỳ làm trưởng thôn. Năm 1999, ông lại được mời về làm cán bộ phụ trách dân số - kế hoạch hóa gia đình xã, rồi cán bộ thương binh - xã hội và bây giờ là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tà Bhing. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bạn bè, đồng nghiệp và bà con quý mến.
“Nghiệp” cầm cọ viết chữ tuyên truyền bảo vệ rừng gắn bó với ông Đông đã hơn 10 năm nay. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Giữ rừng bằng… chữ!
Tình cờ tôi gặp ông - Trịnh Minh Đông, 43 tuổi, nhân viên thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương - người chuyên viết chữ trên các mặt bảng tuyên truyền dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đi ngang qua địa phận Đông Giang. Phải hơn nửa ngày, ông Đông mới viết xong dòng chữ “Quản lý bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi người” với nét bút khá đều tay. Ông cho hay, trung bình phải mất hơn ngày rưỡi ông mới viết xong chữ trên tấm bảng hai mặt. “Trước khi viết, tui phải quét sơn làm đẹp bề mặt bảng, sau đó dùng cọ lông viết chữ theo đường ngang đã kẻ sẵn”, ông nói. Theo ông, “tuổi thọ” của mỗi tấm bảng rất khác nhau, trung bình từ 1 - 3 năm. Do vậy, hễ phát hiện chỗ nào chữ mờ, rêu bám nhiều, ông lại đến tu sửa chứ không đợi khi nào đơn vị phân công mới làm.
Dọc suốt chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện Đông Giang có hàng chục tấm bảng tuyên truyền bảo vệ rừng. Hầu hết đều do một tay ông Đông thực hiện cho công việc chỉnh trang, viết chữ. “Công việc ni tui chỉ làm lúc mô rảnh thôi. Còn ngày thường, cùng đồng nghiệp vô rừng tuần tra, kiểm soát” - ông Đông cho hay. Lên làm việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương đã 10 năm, cuộc sống có lúc vui buồn nhưng chưa bao giờ ông Đông nghĩ đến việc thôi gắn bó với vùng đất này. Bởi ông luôn tìm được niềm vui sau mỗi lần đi viết chữ trên những tấm bảng tuyên truyền bảo vệ rừng. “Ngày nghỉ, anh em mỗi người một việc. Còn tôi, vì thích làm công việc ni nên xung phong đảm nhận. Công cán chi mô, đều là công việc chung của cơ quan, mọi người thôi!” - ông Đông xua tay nói khi tôi hỏi chuyện trợ cấp tiền nong.
Quê ở TP.Tam Kỳ, hơn 10 năm trước ông Đông xin vào làm nhân viên tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương. Công việc có hơi vất vả nhưng cũng khiến ông lấy làm tự hào. Ông Đông kể, trước đây ông làm nghề thợ hồ, tiền làm thuê ba cọc ba đồng, không thấm vào đâu. Được vào làm việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương cũng là “một duyên phận”, như chính lời ông nói.
Quá trưa, ông Đông lọ mọ dọn dẹp khu vực bảng tuyên truyền, rồi tìm đến gốc cây gần đó, đặt lưng nghỉ sau khi ăn vội nắm cơm đùm từ sáng. Một lát sau, đã thấy ông lại lọ mọ dậy tiếp tục chuẩn bị cho hành trình “giữ rừng bằng chữ” của mình…
LĂNG A CÚI