Kỳ Sanh - mảnh đất anh hùng

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ 01/07/2013 09:39

Tôi là người Tam Mỹ, huyện Núi Thành. Từ nhỏ tôi đã sống xa quê nên “bạn bè chê mất gốc”, “cái thằng dân Tam Mỹ chẳng ra hồn” (thơ Mai Bá Ấn). Bây giờ Tam Mỹ đã chia tách thành hai xã: Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây. Đấy chỉ là địa giới quản lý hành chính mà thôi. Với người dân quê tôi, Tam Mỹ - Kỳ Sanh mãi mãi là địa danh đầy tự hào. Mảnh đất được bao bọc bởi “con sông Trầu lờ lợ nước chè hai” (thơ Mai Bá Ấn) giàu truyền thống cách mạng với những chiến công hiển hách đã đi vào sử sách đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Sống xa quê nhưng mỗi khi về thăm nơi cắt rốn chôn nhau, trò chuyện với bác tôi - Nguyễn Kim Hồng; chú tôi - Nguyễn Trinh; cô tôi - Nguyễn Thị Thông; và bà con ở xóm Đông An của “làng đảo Trung Thành”, tôi càng thêm khâm phục và biết ơn các thế hệ cha anh đã ngoan cường đấu tranh chống thực dân đế quốc để có được cuộc sống yên bình no ấm hôm nay.
Bây giờ chú bác và cô tôi đã thành người thiên cổ. Nhờ chịu khó lắng nghe chuyện ở quê qua lời kể của các bậc cao niên, cũng như chú bác và cô tôi, tôi mới biết được lịch sử của làng xã, nơi thân phụ tôi sinh ra và lớn lên.

Cùng với cả huyện và cả tỉnh, mùa thu 1945 người dân Tam Mỹ quê tôi dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, lật đổ chế độ thực dân phong kiến. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Một trang sử mới của dân tộc đã mở ra. Và người dân quê tôi hồ hởi phấn khởi chung tay góp sức xây dựng chính quyền cách mạng. Thực dân Pháp lật lọng, chủ động gây hấn nhằm xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Cuộc kháng chiến trường kỳ bắt đầu. Người dân quê tôi tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Vàng”, “Tuần lễ Đồng”, tích cực đóng góp trâu bò, thóc gạo… ủng hộ kháng chiến. Hàng trăm thanh niên tình nguyện lên đường đi dân công hỏa tuyến, tham gia Vệ quốc đoàn.

Thân gái dặm trường khôn lường mọi chuyện. Biết thế, nhưng bà nội tôi vẫn để cho cô tôi thoát ly gia đình “tham gia việc nước”, làm liên lạc cho bà Phan Thị Nễ. Còn bác tôi là nam nhi nên thỏa chí tang bồng. Trước 8.1945, bác tôi hoạt động trong “hội kín” ở địa phương. Cách mạng Tháng Tám thành công, bác tôi làm Tiểu đội trưởng du kích vùng Trung Thành - Khương Thọ. Lúc bấy giờ bác tôi thuộc thành phần bần cố nông cốt cán, lại đang tuổi thanh niên trai tráng nên hăng say với công việc được giao.

Vào những năm tháng ấy, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến. Là một thanh niên cấp tiến, bác tôi được cấp trên điều động đi khắp nơi. Hết mặt trận Núi Đất - Duy Xuyên, đến mặt trận Tây Bắc - Hòa Vang. Sau đó, bác tôi tham gia Vệ quốc đoàn, phiên chế vào Trung đoàn E120 và lên Tây Nguyên chiến đấu. Đầu năm 1950, bác tôi về lại quê nhà làm Bí thư Chi bộ vùng Trung Thành - Khương Thọ. Lúc bấy giờ quân xâm lược Pháp ngày càng leo thang chiến tranh. Được sự yểm trợ của xe tăng thiết giáp và máy bay oanh tạc, bọn chúng liên tiếp mở các cuộc càn quét đánh phá ác liệt vùng ven biển của huyện như Tam Hải, Tam Quang, Tam Nghĩa, Tam Hiệp… Nằm tiếp giáp với xã Tam Hiệp nên xã Tam Mỹ bị kẻ thù uy hiếp bằng máy bay oanh tạc và pháo tầm xa. “Ngày ấy, giặc rình rập ở bên kia quốc lộ 1, nhưng cán bộ và nhân dân Tam Mỹ vẫn không nao núng tinh thần. Mọi người mọi nhà vừa thực hiện tiêu thổ kháng chiến, vừa khẩn trương tích trữ thóc gạo tại các kho lương bí mật. Và điều không ai có thể ngờ tới là đang trong tình trạng chiến tranh, đạn bom khói lửa mù trời, nhưng các lớp bình dân học vụ ở các xóm làng vẫn được duy trì thường xuyên. Đêm đêm từ các đình làng vẫn râm ran tiếng học bài của các mẹ các chị: “O tròn như quả trứng gà, ô thời đội nón, ơ thời có râu”. Sinh thời, bác tôi nhớ lại, kể với tôi.

Cuối cùng, cuộc kháng chiến trường kỳ suốt chín năm trời ròng rã cũng đã kết thúc bằng “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”. Hiệp định Genève  - 1954 được ký kết. Đất nước ta tạm thời phân chia làm hai miền Nam - Bắc. Hai năm sau sẽ hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Phá hoại Hiệp định Genève - 1954, đế quốc Mỹ dựng lên chính phủ bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam, thẳng tay đàn áp những người tham gia kháng chiến, bắt bớ cán bộ đảng viên và ra sức hô hào “Bắc tiến”. Đấy là những năm tháng đen tối nhất ở quê tôi cũng như cả miền Nam. Bác tôi được cấp trên phân công ở lại quê nhà và chuyển sang hoạt động bí mật. Bất ngờ có kẻ phản bội chỉ điểm cho bọn hội đồng tề ngụy nơi bác tôi ẩn náu. Nhờ có chú Lan (tức Đỗ Phần) là người hàng xóm láng giềng biết được và thông báo kịp thời nên bác tôi mới thoát khỏi hiểm nguy. Tuy nhiên, sau đấy bác tôi lại rơi vào nanh vuốt của kẻ thù. Và kẻ chủ mưu vây bắt bác tôi, không ai khác, chính là người cậu họ. Thời kháng chiến chín năm, người cậu họ của bác tôi từng tham gia Vệ quốc đoàn, chiến đấu ở Hạ Lào. Bị đào thải vì tội hủ hóa, người cậu họ trở về địa phương. Khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được thiết lập ở các xóm thôn, người cậu họ của bác tôi phản bội cách mạng, phản bội nhân dân, trở thành một trong những kẻ “sát nhân máu lạnh” ở địa phương.

Không chút nương tay vì tình thân máu mủ ruột rà, người cậu họ lợi dụng sự thật thà và sự nhẹ dạ cả tin của bà nội tôi, dò hỏi về bác tôi. Rồi một buổi tối mùa thu 1954, người cậu họ cùng với nhiều tên ác ôn khét tiếng tại địa phương vây bắt bác tôi đem về nhà thờ họ Phan ở gần chợ Cà Đó tra tấn hết sức dã man tàn bạo.

“Đào luyện những con - người - thú làm công cụ bóc gỡ các cơ sở cách mạng, đàn áp các gia đình có người thân tham gia kháng chiến, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã tự vạch trần bản chất bạo tàn của cái gọi là “chính phủ quốc gia”. Qua một đêm bị bầy quỷ dữ hành hạ, bác nhận ra những kẻ vong ân bội nghĩa đều tàn ác như nhau!”. Bác tôi bảo thế, khi kể cho tôi nghe về những năm tháng đau thương ấy.

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ
(Còn nữa)

Bút ký của NGUYỄN TAM MỸ