Kết nối vì sự bền vững

ANH TRÂM 01/07/2013 09:38

Từ cửa hàng lưu niệm đến trung tâm thông tin dành cho du khách, các nhà làm văn hóa và du lịch đã bắt tay cùng nhau lồng ghép văn hóa và du lịch, kết nối người dân tham gia vào các dự án cộng đồng tạo nên một vòng tròn khép kín thông tin cho du lịch bền vững...
Từ cửa hàng lưu niệm

Đặt ở căn nhà số 46 Nguyễn Thái Học, cửa hàng lưu niệm “UNESCO và Quảng Nam hợp tác vì phát triển văn hóa và phát triển bền vững” trở thành điểm đến thu hút du khách tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013, diễn ra vào tuần trước. Không chỉ trưng bày những sản phẩm khéo léo, tận dụng từ những nguyên liệu có sẵn của người dân địa phương được chế tạo tinh xảo như đèn lồng, tò he, gốm, sứ... cửa hàng còn có một ý tưởng kết nối giữa các bên liên quan trong vấn đề phát triển văn hóa du lịch bền vững, trong đó nhấn mạnh cộng đồng dân cư.

Trung tâm Thông tin du khách Hội An được đưa vào sử dụng.Ảnh: ANH TRÂM
Trung tâm Thông tin du khách Hội An được đưa vào sử dụng.Ảnh: ANH TRÂM

Mô hình tam giác xâu chuỗi bằng những sợi chỉ mảnh đặt ngay trung tâm trưng bày đưa ra một thông điệp: “Văn hóa cần được xem như một nhân tố chính trong xây dựng môi trường phát triển bền vững. Việc cộng đồng địa phương tham gia vào dự án và hưởng lợi từ phát triển du lịch sẽ đảm bảo cho sự liên kết thống nhất”. Thông tin đầu tiên nhìn thấy là một ấn phẩm về 4 khu di sản như một điểm đến chung ở miền Trung - Tây Nguyên trong một bản đồ gấp thành cuốn sổ lưu niệm. Lấy hình mẫu từ từng viên gạch ở Mỹ Sơn, các ấn phẩm này dung chứa tất cả các thông tin, cả quá trình tôn tạo, trùng tu Mỹ Sơn qua nhiều thời kỳ khác nhau. Với một thiết kế khép kín, cửa hàng lưu niệm được UNESCO tài trợ ngoài mục đích công bố một số kết quả của quá trình hợp tác còn là minh chứng cho những đóng góp cụ thể của du lịch di sản và công nghiệp sáng tạo đối với phát triển bền vững. Các kinh nghiệm trong việc tăng cường sự tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của các cộng đồng địa phương đảm bảo các trải nghiệm phong phú cho du khách và bảo tồn di sản cho các thế hệ tương lai.

Ở một góc trưng bày khác, các sản phẩm du lịch được trình bày khá bắt mắt gợi ý cho sự tò mò của du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An. Những tò he thuần túy trước đây được sáng tạo tinh tế hơn, trở thành những chân để nến độc đáo. Hay những mảnh vụn của gốm Thanh Hà được tận dụng chế tác, thiết kế thành vòng dây đeo cổ, đồ trang sức gần gũi, tiện dụng. Đèn lồng Hội An được thay bằng sợi chỉ, chuôi đèn khắc tinh xảo hơn... Bà Trần Thị Thu Thủy - cán bộ của UNESCO tại Hà Nội cho biết: “Ý tưởng của hàng trưng bày hàng lưu niệm này hướng đến sự phát triển bền vững. Theo đó, những mẫu sản phẩm như những gì các bạn đang thấy được làm từ bàn tay của người dân địa phương. Và cộng đồng chính là trung tâm của phát triển bền vững này. Trước đây người dân chỉ làm thủ công với những gì sẵn có mà thiếu ý tưởng, nay chúng tôi đã giúp họ phát triển những điều sẵn có đó, làm cho nó phong phú hơn, giúp bán được sản phẩm của mình với giá thành tương xứng hơn”.

Đến trung tâm thông tin du khách

Khai trương vào cùng thời điểm, Trung tâm Thông tin du khách Hội An là kết quả của sự hợp tác từ nhiều phía. Cái bắt tay của nhà làm du lịch, phát triển văn hóa và chính quyền cùng với người dân tạo thành liên kết chắc chắn. Thông qua sự hợp tác này, các bên tham gia đã đưa ra một điểm bán vé đơn thuần tại Hội An trở thành một trung tâm đa chức năng với thiết kế sáng tạo và phù hợp về văn hóa. Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh: “Việc nâng cấp trung tâm thông tin du khách có thể được coi là mô hình tham khảo mà tôi tin tưởng là rất bổ ích cho các tổ chức khác, ví dụ như Tổng cục Du lịch Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam và các tỉnh khác trên đất nước tươi đẹp này, để từ đó mô hình này được tiếp tục nhân rộng”.

Bà Bokova cũng cho rằng, phố cổ Hội An thể hiện rất rõ những mẫu mực của bảo tồn tuyệt vời một thương cảng Đông Nam Á. Những ngôi nhà gỗ và đường phố ở đây phản ánh một sự tổng hòa độc đáo các luồng ảnh hưởng, cả bản địa và ngoại lai, bao hàm trong đó khái niệm Di sản thế giới “Giá trị nổi bật toàn cầu”. Điều này đòi hỏi phải có thông tin - thông tin chính xác và hấp dẫn, làm giàu thêm hiểu biết của du khách, gắn họ với các giá trị trung tâm của Hội An, nâng cao nhận thức và hành động để bảo tồn di sản. Cũng tại phòng thông tin này, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hội An và các địa phương lân cận như Điện Bàn, thổ cẩm Đông Giang được bày bán. Theo ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, đơn vị cùng phối hợp, Trung tâm Thông tin du khách Hội An sẽ giúp kết nối các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ tới môi trường, đưa du khách đến các cộng đồng địa phương, tạo điều kiện cho người nghèo tại các huyện miền núi tiêu thụ sản phẩm họ làm ra. Chị Hồ Thị Phương Uyên - hướng dẫn viên du lịch - nói: “Trung tâm Thông tin du khách Hội An khác hẳn với các quầy bán vé tham quan. Nếu tôi là du khách, ấn tượng đầu tiên sẽ là cảm giác được tôn trọng, được thỏa mãn với những thông tin cô đọng cần về vùng đất, con người và văn hóa địa phương”.

Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO nói rằng, từ phòng trưng bày “Vì văn hóa và phát triển bền vững” đến Trung tâm Thông tin du khách Hội An là một ví dụ sinh động về quan hệ đối tác cần có để bảo tồn và phát huy di sản. “Đó là “phần cứng”, còn “phần mềm” là cách vận hành của những người sẽ trực tiếp tham gia vào sự phát triển bền vững này. Tôi hy vọng rằng trải nghiệm này sẽ truyền cảm hứng cho các địa phương khác ngoài Quảng Nam” - bà Irina Bokova nhấn mạnh.

ANH TRÂM

ANH TRÂM