100 năm "Nghi lễ mùa xuân"

QUỐC HƯNG (Theo Radio France Internationale) 28/06/2013 12:59

Trong 2 ngày 27 và 29.6, khán giả Việt Nam có dịp thưởng thức tác phẩm “Nghi lễ mùa xuân” (Le sacre du printemps) của biên đạo múa đương đại hàng đầu của Pháp hiện nay Jean-Claude Gallotta. Đây là một trong những vở múa ba lê có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20, vừa tròn 100 tuổi.

Một trong những cảnh múa “Nghi lễ mùa xuân”.
Một trong những cảnh múa “Nghi lễ mùa xuân”.

“Nghi lễ mùa xuân” đặc biệt ra mắt khán giả Việt Nam lần này là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Năm Việt Nam-Pháp 2013, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo các nhà phê bình, phong cách của Gallotta tập trung chủ yếu vào những đường nét tinh khiết và rõ nét trong chuyển động tập thể. Do đó, những năm gần đây các bài biểu diễn của Gallotta thường sử dụng các nhóm vũ công ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhằm nhấn mạnh đường nét cơ thể và nét độc đáo của mỗi nghệ sĩ. Hơn nữa, ông cũng quan tâm đến kinh nghiệm của người biểu diễn hơn là những yếu tố thuần túy về kỹ thuật cũng như hình thể. Đến nay, ông đã biên đạo hơn 60 vở múa được trình diễn trên khắp thế giới, trong đó đáng chú ý có “Ulysse”, “Mammame”, “Bác sĩ Labus”, “Presque Don Quichotte”, “Những giọt nước mắt của Marco Polo”, “99 duos”, “Ba thế hệ”, “Cher Ulysse”…

Vở múa ba lê “Nghi lễ mùa xuân” tính đến nay đã có hàng chục phiên bản. Ở bản dựng của Gallotta, bảy nữ diễn viên múa sẽ lần lượt vào vai “Thánh Nữ” được bắt đầu bằng hai chương ngắn: Tumulte (hoảng loạn) để lắng nghe sự tĩnh lặng của điệu múa và Pour Igor (Cho Igor), múa đơn tưởng nhớ nhà soạn nhạc người Nga Igor Stravinsky (1882-1971). Phiên bản của  Gallotta độc đáo ở chỗ ông tìm được một ngôn ngữ múa riêng biệt, khác hẳn với các phiên bản của những người đi trước. Các diễn viên múa thường có những động tác gần sát với mặt đất, họ tựa như những gốc cây cần có mùa xuân để làm bật dậy nhựa sống. Ẩn dụ này được nhân lên gấp đôi khi trên sân khấu, các diễn viên múa theo rung động như dây đàn diễn đạt cảm xúc. Mỗi người tựa như một nhạc khí, phối hợp lại với nhau thành một bản giao hưởng dồn dập lôi cuốn. Ông Gallotta còn mở ra một cuộc đối thoại giữa xưa và nay thông qua việc dựng phần mở đầu để dần dần đưa người xem vào thế giới âm nhạc mà không hề bị gián đoạn.

Năm nay 63 tuổi, ông Jean-Claude Gallotta từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật thành phố Grenoble. Sau khi ra trường, ông chọn nghề diễn viên rồi sau đó chuyển qua ngành biên đạo vì ông đam mê các điệu múa ba lê và thiết hài (tap dance). Thời thanh niên, ông sang New York tầm sư học đạo, thầy của ông là nhà biên đạo múa Merce Cunnigham, được xem như là cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa đương đại. Ông Gallotta hiện là Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghệ thuật Biên đạo múa ở thành phố Grenoble. Mặc dù đã có giải thưởng quan trọng của giới chuyên ngành  bao gồm các tác giả của nghệ thuật sân khấu, kịch nghệ, điện ảnh và múa đương đại, nhưng đối với Gallotta, việc dựng vở múa “Nghi lễ mùa xuân” lại có nhiều ý nghĩa tình cảm nhiều hơn là việc ghi thêm một thành tích trên bảng vàng.

QUỐC HƯNG (Theo Radio France Internationale)

QUỐC HƯNG (Theo Radio France Internationale)