Người trồng thơm làm du lịch
Quốc lộ 14B đoạn chạy qua Khe Cô (xã Đại Sơn, Đại Lộc) rộ một màu vàng của thơm (dứa). Nếu trước kia việc mua bán thơm còn gặp nhiều khó khăn thì bây giờ, đường sá được nâng cấp, người trồng thơm có thu nhập cao nhờ mùa màng bội thu và làm dịch vụ du lịch.
Du khách ghé mua thơm được bày bán tại chòi. Ảnh: N.P |
Anh Nguyễn Tấn Lực (thôn Phước Sơn, Đại Hồng, Đại Lộc) cho biết, từ khi quốc lộ 14B được nâng cấp, gia đình anh không còn cảnh ì ạch đèo thơm về xuôi để bán. Việc thu mua diễn ra tấp nập, cứ cách một tiếng là có xe tải đến. Những lái buôn này là người ngoại tỉnh, phần lớn là Huế và Quảng Ngãi. Bên cạnh việc bán cho các thương lái phương xa, các hộ trồng thơm ở đây còn biết tận dụng những doi đất ven đường lập chòi tự bán. Những vật phẩm lấy từ rừng như thơm, mít... có sức hút rất lớn với du khách nước ngoài. Làm ăn được nhất phải kể đến chòi của anh Đỗ Hồng Lý (quê ở Hà Tĩnh). Trung bình mỗi ngày có 3-4 đoàn khách Tây ghé chòi anh nghỉ ngơi. Họ ăn thơm và trả tiền hậu hĩnh. Thông qua người phiên dịch, anh hiểu được nguyện vọng của những vị khách là muốn tận mắt xem hình dạng cây thơm như thế nào. Thế là người trồng thơm trở thành hướng dẫn viên du lịch đúng nghĩa, bởi lẽ không ai tường tận về phương diện này bằng họ. Theo chân anh Lý, du khách được mục sở thị những vườn thơm đang vào mùa, sai quả; những con trâu đang thở ì ạch sau chuyến thồ nặng nhọc; những chiếc cộ nằm ngổn ngang bên suối...
Việc dựng chòi bày bán vật phẩm, làm chỗ nghỉ chân cho du khách mọc lên rầm rộ một năm trở lại đây, sau khi phía chính quyền xã có quyết định công nhận quyền sở hữu đất rừng cho người dân. Anh Nguyễn Văn Kim (thôn Hòa Hữu, xã Đại Hồng) cho hay, anh thường xuyên đón du khách đến tham quan đồi thơm của gia đình mình. So với những người cùng nghề định cư ở đây, nhà anh được xây dựng khang trang hơn bên cạnh con suối nhỏ, rất lý tưởng cho du khách dừng chân uống trà sau khi tham quan. “Được anh Lý chỉ đường, nhiều du khách nước ngoài đã ghé nhà và nhờ tôi hướng dẫn cho họ. Họ biết trái thơm và cách ăn thơm nhưng lại không biết cây thơm thế nào. Vậy là họ theo tôi lên rẫy. Nắng nóng, dốc cao thế mà những du khách Tây phấn khởi lắm” - anh Kim nói.
Nghề “hướng dẫn viên” đã đem lại khoản thu nhập không nhỏ cho người trồng thơm nơi đây. Bình quân mỗi tháng, một hộ có thể thu về 1 - 2 triệu đồng từ tiền “boa” của khách. Thường thì người trồng thơm chỉ đồng ý nhận đưa khách đến thăm vườn rẫy khi rảnh rỗi nên cũng không hề ảnh hưởng tới công việc làm ăn bình thường của họ. Du khách ghé thăm là tín hiệu đáng mừng cho người trồng thơm tại khu vực Khe Cô. Thông qua việc làm hướng dẫn viên tại chỗ, người trồng không những có điều kiện để giới thiệu hình ảnh về quả thơm mà còn có cơ hội để quảng bá vốn văn hóa ẩm thực đặc thù của mình tới du khách trong và ngoài nước. Với hơn 100 hộ trồng thơm, mỗi hộ có tới vài chục héc ta đất rừng, việc mở rộng mô hình trồng thơm gắn với du lịch là điều nằm trong tầm tay.
NGỌC PHƯỚC