Ngành y nỗ lực tự đổi mới
Để nâng cao năng lực khám và chữa bệnh, rút ngắn thời gian điều trị nhằm phục vụ tốt cho bệnh nhân, nhiều bệnh viện công tại Quảng Nam đã nỗ lực “đổi mới” mình, tạo sự chuyển biến tích cực.
Hệ thống máy sinh học phân tử tại Bệnh viện Đa khoa bắc Quảng Nam. Ảnh: B.L |
Trang bị máy móc hiện đại
Gần đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam đã nỗ lực đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chẩn đoán, chữa trị bệnh. Bên cạnh nhiều loại máy móc khác, hệ thống sinh học phân tử được đầu tư năm 2012 đã giúp cho quá trình chẩn đoán, theo dõi, đánh giá kết quả điều trị được thuận lợi. Qua đó, giúp phát hiện các vi sinh vật gây bệnh như viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C; bệnh lao, sốt rét. Hệ thống xét nghiệm miễn dịch có thể giúp phát hiện sớm những bệnh lý ung thư thông qua bước xét nghiệm nồng độ các dấu ấn trong máu... “Mới đây, hệ thống máy nuôi cấy và định danh vi trùng tự động và hệ thống xét nghiệm huyết học tự động hoàn toàn vừa được bệnh viện đầu tư với tổng giá trị 3 tỷ đồng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong khâu khám chữa bệnh. Với máy nuôi cấy và định danh vi trùng tự động, chỉ cần lấy mẫu bệnh phẩm cho vào máy, sau 24 tiếng đồng hồ, máy sẽ giúp định danh loại vi trùng có trong bệnh phẩm bệnh nhân. Hệ thống xét nghiệm huyết học tự động hoàn toàn giúp đưa ra 32 thông số về huyết học và 6 thông số về bạch cầu. Đồng thời, máy này còn hỗ trợ cho quá trình tách, lọc huyết tương, bạch cầu, tiểu cầu, phục vụ tối đa cho quá trình khám, chữa bệnh được tiến hành thuận lợi, thông suốt” - ThS. Tô Mười cho biết thêm.
Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam (bệnh viện loại 2) mỗi ngày thu hút khoảng 800 lượt bệnh nhân tham gia khám chữa bệnh. Theo BS.CK1 Trần Tấn Dũng - Phó Giám đốc bệnh viện: “4 - 5 tháng gần đây, bệnh viện đã tiếp cận với khâu chuyển giao phương pháp, kỹ thuật can thiệp mạch vành đặt máy tạo nhiệt. Sự kiện này đã mở ra hiệu quả tích cực trong khâu điều trị bệnh. Bệnh nhân là đối tượng bị nhồi máu cơ tim, tổn thương tim mạch, tắc động mạch vành… nếu trước kia phải chuyển gấp lên tuyến trên thì nay có thể được điều trị tại bệnh viện, cơ hội sống sót của bệnh nhân sẽ cao hơn”. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công hơn 40 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạch vành trên địa bàn tỉnh. Phương pháp có thể nói là tạo sự đột biến trong khâu điều trị bệnh nhân tại tuyến tỉnh mà chúng tôi đang áp dụng là phương pháp nội soi khớp háng, thay khớp háng (thay toàn phần, bán phần)”. Sắp tới, từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn vay không lãi suất, bệnh viện sẽ tiếp tục mua sắm một số máy móc công nghệ cao để phục vụ khám chữa bệnh. Đó là máy chụp X-quang cộng hưởng từ (MRI), máy chụp C.T scanner 64 lát cắt, máy can thiệp mạch vành (DSA)…
“Khoa học hóa” thủ tục, quy trình
Có thể nói, tại Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa TP.Tam Kỳ là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng phần mềm Medisoft 2007 phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh. Phần mềm giúp cho quá trình cập nhật, quản lý, lưu sao thông tin bệnh nhân được thực hiện nhanh chóng qua hệ thống mạng. Trước đây, mọi thủ tục, hóa đơn, chứng từ phục vụ việc quản lý khám chữa bệnh đều phải viết tay thì nay bắt đầu được thực hiện qua hệ thống Medisoft, vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa giúp lưu trữ, theo dõi thông tin bệnh nhân suốt một thời gian dài. Đồng thời, giúp cho quá trình cấp phát thuốc, thu phí điều trị cho bệnh nhân, quá trình thu chi viện phí theo bảng giá thống nhất của ngành y tế được công khai hóa và tự động hóa. Hiện có 11 trung tâm, trạm y tế trực thuộc bệnh viện ứng dụng phần mềm phục vụ quản lý khám chữa bệnh.
Theo ông Trần Quốc Bảo - Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ, phần mềm đã được ứng dụng rộng rãi tại các trạm y tế trực thuộc Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ với các chức năng chính: đăng ký thông tin bệnh nhân, quản lý khám bệnh bảo hiểm y tế, cấp thuốc, chuyển viện. Bên cạnh đó, phần mềm còn giúp quản lý thông tin khám bệnh bảo hiểm y tế, quản lý chi phí khám bệnh theo quy định của BHYT, báo cáo xuất - nhập - tồn kho thuốc… Việc ứng dụng một số chức năng của phần mềm phục vụ việc khám chữa bệnh tuyến cơ sở của Tam Kỳ cũng đem lại một số hiệu quả nhất định, vừa giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, vừa tạo điều kiện cho khâu quản lý khám chữa bệnh được thông suốt.
Riêng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã chủ động cải cách quy trình khám và chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải, giảm phiền hà cho người bệnh. Cụ thể, bệnh viện giảm quy trình khám chữa bệnh từ 8 bước xuống còn 4 bước (bước 1: giao tiếp bệnh nhân, bước 2: khám và chẩn đoán, bước 3: thanh toán viện phí, bước 4: cấp phát thuốc), đúng với yêu cầu của Bộ Y tế đưa ra. Để thực hiện tốt việc cải cách quy trình, bệnh viện đã đưa toàn bộ máy móc phục vụ khám chữa bệnh ra phòng khám chữa bệnh tập trung. “Để tạo điều kiện cho đội ngũ, cán bộ, nhân viên toàn hệ thống bệnh viện tỉnh nhà học hỏi, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tham gia. Chẳng hạn, Hội nghị khoa học trẻ do Đoàn thanh niên của bệnh viện tổ chức, đã mở rộng phạm vi ra khu vực miền Trung, thu hút nhiều tham luận, nhiều kinh nghiệm trao đổi, sẻ chia” - BS. Dũng nói.
BÍCH LIÊN