"Tạo diễn đàn hiến kế phát triển du lịch"

27/06/2013 11:45

(Phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tại Hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây nguyên)

Thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể quý vị khách quý,

Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung- Tây Nguyên diễn ra trong dịp Quảng Nam tổ chức Lễ hội hành trình Di sản lần thứ V và Kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.  Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tôi trân trọng gửi đến quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe và lời chào mừng nồng nhiệt nhất. Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Hội thảo báo Đảng lần này đặt ra vấn đề “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch” của các báo Đảng trong khu vực miền Trung - Tây nguyên, theo tôi là chủ đề khá phù hợp và cần thiết trong bối cảnh du lịch đang ngày càng được khẳng định với chiến lược xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia. Tiếp cận ở góc độ địa phương, tôi xin gửi đến hội thảo một số thông tin về du lịch Quảng Nam, tầm nhìn định hướng phát triển ngành “kinh tế mũi nhọn” cùng một số đề nghị với các cơ quan ngôn luận trong vai trò thúc đẩy sự liên kết, hợp tác quảng bá, tiếp thị hình ảnh điểm đến du lịch của mỗi địa phương và cả khu vực.

Thưa Hội thảo

Tin liên quan
  • Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch
  • Video: Báo chí miền Trung - Tây Nguyên liên kết tuyên truyền phát triển du lịch
  • Khai mạc Hội thảo báo chí miền Trung - Tây nguyên về liên kết tuyên truyền và phát triển du lịch

Quảng Nam là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Với địa hình trải rộng hơn 10 ngàn cây số vuông, là nơi giao thoa thời tiết, khí hậu, hội đủ các vùng sinh thái, thổ nhưỡng đặc trưng giàu tiềm năng. Có bờ biển dài 125 km với nhiều bãi tắm đẹp, có Cù Lao Chàm - vùng lõi của khu bảo tồn biển và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, miền núi của tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ... Nhờ hội tụ những điểm đến tiềm năng như vậy, nên Quảng Nam đã trở thành một bức tranh thiên nhiên nhiều cảnh quan kỳ thú và là đất văn hóa, đất trăm nghề, đất của làng quê hiền hòa thơ mộng. Lịch sử của xứ Quảng là hành trình mở nước, mở đất, từ kinh đô Chămpa xưa, đến thương cảng quốc tế phồn thịnh xứ Đàng Trong, và là một vùng đất Trung dũng kiên cường, đi đầu trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, là vùng đất mở với khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước… Con người xứ Quảng luôn cần cù, tìm tòi, sáng tạo, luôn tiên phong trong đổi mới cách nghĩ, cách làm.

Thưa các đồng chí,

Với một kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa giàu có, Quảng Nam đã sớm nhận ra con đường  phát triển dịch vụ - du lịch, xác định đó là mũi nhọn để tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong những ngày đầu chia tách, cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn xác định nông nghiệp, công nghiệp, nhưng nhờ kiên trì tìm tòi và phấn đấu quyết liệt để xác định được cơ cấu kinh tế đúng hướng so với tìm năng, lợi thế của tỉnh như ngày hôm nay là công nghiệp, du lịch - dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp. Định hướng chiến lược nhất quán của Quảng Nam là thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ theo hướng bền vững; đồng thời chú trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn; tập trung tạo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.

Với nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, giá trị các ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân hơn 14%. Du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh, từ hơn 200 ngàn lượt khách năm 1997 tăng lên gần 3 triệu lượt khách vào năm 2012... Thu nhập xã hội từ du lịch gần 200 tỷ đồng vào năm 2001 lên 3.235 tỷ đồng vào năm 2012. So với hơn 10 năm trước, con số thu nhập xã hội từ du lịch hiện nay đã tăng gấp 40 lần… Trong những năm đầu tái lập, toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước với quy mô nhỏ, vốn kinh doanh ít, hiệu quả thấp, năng lực cạnh tranh kém. Sau hơn 15 năm phát triển đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng FDI, đã có 81 dự án đầu tư với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Môi trường đầu tư không ngừng được hoàn thiện, nhiều chủ trương về cải thiện môi trường đầu tư, nhất là cải cách các thủ tục liên quan đến đầu tư bước đầu đạt được một số kết quả, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh được duy trì ở mức tốt. Đặc biệt, một số chỉ tiêu như: tính năng động, cải cách thủ tục hành chính, thông tin cho các doanh nghiệp… đã được cải thiện đáng kể. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và dịch vụ nên từ một tỉnh lệ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp ngân sách từ Trung ương, thu nội địa chỉ đạt mức 157 tỷ đồng năm 1997, đến nay, tổng thu nội địa của Quảng Nam đạt 4.200 tỷ đồng, tăng gần 27 lần; bình quân hàng năm giai đoạn 1997 - 2010 tăng 27%. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh có bước phát triển đột phá. Năm 1997, trên địa bàn tỉnh chỉ có 13 khách sạn/500 phòng, đến năm 2011 đã có 108 khách sạn/3.500 phòng (trong đó, có 03 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao) và nhiều cơ sở du lịch khác đủ năng lực để tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế.

Tuy đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng so với tiềm năng, lợi thế, Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển. Về lĩnh vực du lịch - dịch vụ, việc xây dựng quảng bá thương hiệu chưa đồng bộ và thật sự hiệu quả, thiếu tính liên kết hợp tác để gia tăng giá trị giữa lữ hành và dịch vụ lưu trú, giữa việc tạo dựng và quảng bá sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, khu vực, quốc gia và quốc tế; đầu tư cho các làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng. Di sản Hội An, Mỹ Sơn và nhiều di tích khác cần kinh phí lớn để bảo tồn, trùng tu khẩn cấp nhưng nguồn lực của tỉnh chưa thể đáp ứng. Hội An dù được vinh danh là thành phố, điểm đến ưa thích nhất của hành tinh, đoạt giải thưởng kiệt xuất về quản lý di sản đô thị của châu Á, nhưng nguồn lực để đầu tư cho bảo tồn di sản, di tích, phòng chống thiên tai, xây dựng thành phố văn hóa - sinh thái còn nhiều khó khăn… Trong kế hoạch phát triển đến năm 2015, Quảng Nam đặt mục tiêu phải khắc phục những khó khăn, hạn chế trong đầu tư, nhằm đạt các mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân trên 13,5%; GDP bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2010; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm trên 44%, dịch vụ chiếm trên 44% và nông, lâm, ngư nghiệp chiếm dưới 12% trong cơ cấu GDP. Như vậy, ngành dịch vụ, du lịch cần phải có những giải pháp mang tính đột phá, chuyển biến về chất mới đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Khi bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO có hỏi tôi về chiến lược phát triển du lịch của Quảng Nam, tôi đã khái quát 3 vấn đề chính là phát triển du lịch phải gắn chặt với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, sinh thái và mang lại lợi ích cho người dân, cộng đồng để đảm bảo phát triển bền vững.

Thưa các đồng chí,

Hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên, đặt ra chủ đề “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch” cũng là câu chuyện mà chính quyền, ngành chủ quản ở các địa phương trong vùng quan tâm. Về phía lãnh đạo tỉnh, chúng tôi cũng đã nhận thức và từng đưa ra những đề xuất trên các diễn đàn hội thảo trong và ngoài nước về đầu tư, xúc tiến du lịch. Các cam kết hợp tác bước đầu cũng đã xác lập, như liên kết vùng theo tam giác Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, gia nhập “con đường Di sản miền Trung”, hội nhập vào tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây… Tuy có những liên kết, hợp tác bước đầu, nhưng việc xúc tiến để biến những ý tưởng cũng tạo sản phẩm chung của cả vùng vẫn còn nhiều mặt chưa khả thi. Chúng tôi cũng thấy rằng việc quảng bá, và nối kết các điểm đến của cả vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Báo chí, với sức mạnh truyền thông chưa làm hết khả năng để quảng bá sự kiện văn hóa, lễ hội của các địa phương cho nhau.

Phải thấy rằng, du lịch cần tạo ra sự khác biệt, nét đặc trưng của thương hiệu nhưng lợi ích chỉ có thể mang lại nhiều nhất khi chúng ta tìm được tiếng nói chung, vì thế không thể mạnh ai nấy làm, hoặc vì lợi ích cục bộ mà tạo ra những rào cản trong phát triển của cả vùng, cả quốc gia. Báo chí cần góp tiếng nói để phát triển du lịch trên tinh thần hợp tác, liên kết, nối kết các điểm đến và gia tăng giá trị dịch vụ. Bên cạnh đó, các cơ quan báo Đảng cần tổ chức thông tin sống động, tạo diễn đàn hiến kế để phát triển du lịch bền vững, du lịch thân thiện với môi trường, xây dựng môi trường du lịch an toàn, sạch đẹp. Báo Đảng các địa phương cũng cần cải tiến mạnh mẽ hơn nữa nội dung và hình thức, phát triển loại hình báo chí đa phương tiện, đa ngoại ngữ để tiếp cận rộng rãi người đọc nói chung, du khách nói riêng, đặc biệt là du khách quốc tế. Đây không chỉ là yêu cầu mà thực tế chúng tôi đã hành động, với việc đầu tư phát triển mạng lưới truyền thông, tăng cường đầu tư cho các trang thông tin trên mạng internet, trong đó, với Báo Quảng Nam điện tử, bước đầu đã đưa vào vận hành phụ trang Đầu tư - du lịch bằng tiếng Anh. Bản thân các đồng chí phóng viên báo chí phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức về du lịch để góp phần quảng bá du lịch, là nhịp cầu tin cậy, là kênh thông tin hai chiều của bàn bè trong tỉnh, trong vùng, cả nước và quốc tế.

Tại diễn đàn hội thảo này, với tư cách lãnh đạo của địa phương đăng cai, tôi mong rằng đại diện của các báo Đảng địa phương xác lập được những điểm nhìn đúng về thực trạng của việc phát triển du lịch cũng như những thành tựu và hạn chế trong quảng bá, tuyên truyền về du lịch. Tôi cũng đề nghị Báo Quảng Nam cùng đại diện các báo Đảng bộ địa phương trong vùng có một bản cam kết, thỏa ước về liên kết tuyên truyền, nhằm tạo cơ hội để giúp các tác phẩm báo chí viết về du lịch được lan tỏa rộng rãi, tạo điều kiện để các nhà báo có thể tham quan thực tế các địa phương của nhau để có tác phẩm tốt, hay về du lịch, nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của nhà báo trong việc cổ xúy phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, góp phần cho công cuộc thoát nghèo, phát triển cộng đồng.

Cuối cùng, kính chúc các nhà báo, các quý vị đại biểu mạnh khỏe, thành công trong nghề, thành đạt hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!