Nhan sắc từ vũ điệu tâng tung
Tối mai 26.6, Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam sẽ bước vào đêm chung kết được tổ chức tại Hội An. Quảng Nam có 8 thí sinh dự thi nhưng chỉ có Alăng Thị Pari là người Cơ Tu.
Alăng Thị Pari tại vòng thi bán kết Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam tổ chức ở Hà Nội trung tuần tháng 5 vừa qua. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Đây là lần đầu tiên có đại diện cho dân tộc Cơ Tu tham gia một cuộc thi nhan sắc mang tầm quốc gia. Alăng Thị Pari đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Quản lý du lịch trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh. Pari đến với cuộc thi rất tình cờ trong một dịp nghỉ lễ về thăm quê, được người thân đang công tác tại huyện Tây Giang giới thiệu nộp hồ sơ.
- Em có thể chia sẻ về kỳ thi bán kết tại khu vực phía Bắc vừa qua?
- Alăng Thị Pari: Lẽ ra em phải dự thi ở khu vực phía Nam nhưng do thời điểm diễn ra cuộc thi em đang đi thực tế tại Nghệ An nên xin phép Ban tổ chức được dự thi tại khu vực phía Bắc. Lúc đó em phải đi một mình từ Cửa Lò (Nghệ An) ra Hà Nội, nhưng vì đến sớm hơn một ngày, lại lạ lẫm nên gặp không ít khó khăn trong chuyện ăn ở, đi lại. Em học hỏi được khá nhiều từ hai vòng sơ khảo và bán kết của cuộc thi. Sự tự tin là điều cần thiết, nhưng vốn văn hóa và hiểu biết là yếu tố đặc biệt quan trọng. Vì thế, em đang trau dồi kiến thức và tìm hiểu thêm không chỉ về văn hóa của dân tộc mình mà còn của các dân tộc anh em nữa.
- Vậy theo em, điều gì sẽ tạo nên dấu ấn riêng của nhan sắc Cơ Tu?
Alăng Thị Pari sinh năm 1993, dân tộc Cơ Tu, là 1 trong 30 thí sinh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Hội An trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần V-2013. Hiện Pari đang là sinh viên ngành Quản lý du lịch, Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh. |
- Alăng Thị Pari: Em rất tự hào về điệu tâng tung da dá của dân tộc mình. Đây là “vũ điệu dâng trời” kết tinh sức mạnh, khát vọng chinh phục, vươn đến những tầm cao mới của người Cơ Tu, là nét văn hóa truyền thống không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào. Ngoài ra, em cũng muốn giới thiệu những làn điệu dân ca truyền thống với nhiều cung bậc cảm xúc, thể hiện những tâm tư, tình cảm, bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong cuộc thi sắp đến.
Đây là lần đầu tiên tham gia cuộc thi nhan sắc với quy mô lớn nên em không tránh khỏi hồi hộp. Em luôn xác định đây là cơ hội để có thể quảng bá về bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Cơ Tu, qua đó góp phần mở rộng sự hiểu biết cũng như thắt chặt tình đoàn kết với các dân tộc anh em.
- Đang theo học một ngành khá “hot”, vậy em đã có dự định gì trong việc chia sẻ những điều đã học được với đồng bào Cơ Tu sau này?
- Alăng Thị Pari: Ước mơ lớn nhất cũng là niềm tự hào của em là đưa những hình ảnh về quê hương, dân tộc mình đến với không chỉ khách du lịch mà còn đông đảo người dân. Thông qua đó, họ sẽ hiểu thêm về vẻ đẹp của vùng đất, con người vùng cao và nền văn hóa Cơ Tu giàu bản sắc.
- Chủ đề hành động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn trong những năm gần đây. Suy nghĩ của em về vấn đề này?
- Alăng Thị Pari: Quê hương của em là Tây Giang, một huyện vùng cao của tỉnh với phần lớn diện tích là rừng. Cuộc sống của người Cơ Tu gắn với những cánh rừng và cả cộng đồng làng đều xem rừng như một tín ngưỡng thiêng liêng. Duy trì truyền thống văn hóa tôn thờ, gìn giữ và bảo vệ rừng không chỉ là bảo tồn nền văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn là cách để chung tay hành động để bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu cho hôm nay và mai sau.
- Xin cảm ơn Alăng Thị Pari!
PHƯƠNG GIANG (thực hiện)