Hội nghị "Gặp gỡ giữa địa phương và ngoại giao đoàn" các địa phương duyên hải miền Trung
(QNO) - Ngày 22.6 tại TP.Hội An, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ giữa địa phương và ngoại giao đoàn” dành cho các địa phương duyên hải miền Trung nhân dịp “Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013”. Hội nghị lần này là sự kiện tiếp nối chương trình "Gặp gỡ giữa địa phương và ngoại giao đoàn" do Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức vào tháng 4 năm 2012 tại TP.Cần Thơ, dành cho các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ngoại giao đoàn và lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung chụp hình lưu niệm tại hội nghị. |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh; bà Nguyễn Phương Nga - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo UBND, đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung dự hội nghị.
Hội nghị thu hút gần 60 đại biểu bao gồm các vị Đại sứ, Đại biện, Tổng lãnh sự và quan chức ngoại giao của hơn 40 quốc gia, đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Hội nghị đã dành trọn một ngày cho bốn phiên thảo luận, theo đó đại diện các địa phương duyên hải miền Trung và Đoàn ngoại giao đã cùng nhau đánh giá thực trạng, tìm hiểu về những khó khăn, thuận lợi, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi về những tiềm năng hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực và văn hóa du lịch.
Hội nghị nhận định: duyên hải miền Trung là khu vực có tiềm năng phát triển rất lớn và đa dạng, đặc biệt tài nguyên rừng, tài nguyên biển, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ. Xuất phát điểm hiện nay của miền Trung được coi là lợi thế khi có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm phát triển của quốc tế, đồng thời cho phép xây dựng kế hoạch phát triển vùng tổng thể, trong đó đảm bảo tính kết nối, đồng bộ của toàn vùng và phát huy lợi thế của từng tỉnh.
Hội nghị thống nhất rằng Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng có nguồn nhân lực đông đảo, cần cù với chi phí cạnh tranh. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tác quốc tế, cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc phát triển, đào tạo, quản lý và sử dụng lao động giữa các địa phương và phía nước ngoài; Nhà nước cần quan tâm thiết lập các trung tâm công nghệ cao để hỗ trợ cho sự phát triển của các địa phương.
Thông qua trao đổi, thảo luận, các địa phương khu vực miền Trung đã giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh đặc thù, các cơ hội hợp tác phát triển và kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp để các nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt nam hiểu rõ hơn về Việt Nam nói chung và các địa phương duyên hải miền Trung nói riêng, từ đó làm tốt hơn chức năng “cầu nối” cho sự hợp tác giữa các nước và Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế hiệu quả của khu vực duyên hải miền Trung trong tương lai.
MINH KIỆT