Sáng kiến làm giàu du lịch
Sản phẩm thủ công dấu ấn di sản, du lịch giảm nghèo… chính là những sáng kiến góp phần “làm giàu” cho du lịch Quảng Nam.
“75% hàng thủ công bày bán trên phố Hội An toàn là của nhập. Lồng đèn cũng chỉ là cuộc “trình diễn màu sắc” chứ khung hay vật liệu chế tác khác cũng là hàng “ngoại lai”” thông qua một cuộc khảo sát mới đây đã khiến nhiều người sửng sốt. Những cuộc thi “sáng tạo” của nghệ nhân cũng chẳng để lại dấu ấn gì ngoài vài tấm giấy khen làm vui, còn “đỏ mắt” vẫn chưa thấy sự xuất hiện của sản phẩm nào trên thị trường xứng đáng là một sản phẩm “gia bảo” hàng lưu niệm Quảng Nam.
Giữa lúc Quảng Nam loay hoay tìm kiếm sản phẩm lưu niệm định danh thì UNESCO đã thổi một luồng sinh khí mới cho các làng nghề bằng dự án “Hỗ trợ các sản phẩm thủ công có tính dấu ấn của các khu di sản thế giới” từ tháng 2.2012. Kết quả cuộc khảo sát các làng nghề, Craft Link đã thiết kế một số sản phẩm mới. Đó là tận dụng gỗ thừa, vụn, trang trí hoa văn kiến trúc đặc trưng của đô thị cổ; thử nghiệm các mẫu thuyền thu nhỏ, phát triển thành những món đồ trang trí mang đậm dấu ấn cuộc sống của cư dân vùng sông nước cho mộc Kim Bồng. Đưa hoa văn, họa tiết… mang sự tích đặc trưng để tăng giá trị của sản phẩm đậm nét văn hóa Chăm của gốm Hạ (Điện Bàn), Duy Quá (Duy Xuyên). Gốm Thanh Hà sẽ được giữ nguyên kỹ thuật truyền thống, kết hợp kỹ thuật thủ công mới trong tạo hình, khai thác các kiểu dáng sản phẩm cổ truyền như nồi đất, lọ hoa, con thổi…, phát triển thêm một số sản phẩm nhỏ như chân nến, chậu hoa… trên nền chất liệu nung màu đỏ đặc trưng của sản phẩm làng nghề. Các sản phẩm đèn lồng tre vẫn sẽ dùng nguyên liệu tự nhiên nhưng “sáng tạo” thêm các loại nguyên liệu khác phủ ngoài đèn, chồng thêm nhiều lớp vải để tạo hiệu ứng màu sắc và bổ sung thêm chất liệu khác như sơn mài… với các họa tiết hoa văn đặc trưng địa phương trang trí chuôi đèn và các tua lụa. Tất cả các sản phẩm này đều sẽ được cải tiến kiểu dáng, đa dạng mẫu mã, thiết kế một số sản phẩm kích cỡ nhỏ… cùng bao bì, đóng gói, nhãn mác, ghép bộ sản phẩm, đặc tả chi tiết sản phẩm với các thông tin giới thiệu kèm theo… để nâng cao giá trị sản phẩm và phù hợp với thị trường du lịch “ngày càng khó tính”.
Nếu UNESCO tạo ra “dấu ấn sản phẩm thủ công mỹ nghệ” thì ILO đã mang theo hy vọng thay đổi, hóa giải sự mất cân bằng và chênh lệch quá lớn lượng khách đến biển và núi tại Quảng Nam thông qua dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện vùng sâu đất liền Quảng Nam”. Không như những lo ngại rằng những ý tưởng hay dự án khó áp dụng vào thực thế, ILO đã chứng minh ngược lại khi dân địa phương được đào tạo kỹ năng phát triển, quản lý, điều hành dịch vụ lưu trú cũng như các kỹ năng du lịch khác. Ba làng du lịch cộng đồng (Mỹ Sơn, Bờ Hoong, Đờ Rhoong) dưới sự cam kết “bảo trợ” của doanh nghiệp du lịch mở cửa đón khách nhân dịp festival này là minh chứng hiệu quả cho sáng kiến này.
Không giống như nhiều dự án hay chính sách hỗ trợ làng nghề khác đã được thực hiện, một tài liệu hoàn chỉnh về khung chiến lược chính sách hỗ trợ các làng nghề thủ công gắn với du lịch được xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm của dự án này sẽ giới thiệu để có thể áp dụng ở một số địa phương khác. Còn các làng du lịch cộng đồng sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu cho các thôn làng khác có tiềm năng phát triển du lịch ở phía tây Quảng Nam. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất của các sáng kiến, mang đến hơi thở mới hy vọng chấn hưng làng nghề và phát triển văn hóa làng.
NAM KHA