Cung đường vui

NHẬT PHONG 22/06/2013 12:17

Cung đường từ biển xuyên qua những “cánh đồng làng hoài niệm và mơ tưởng” đến tận Chu Lai nắng gió, sinh động theo những bước chân hội ngộ tháng 6 là một hành trình vui, đầy màu sắc.

  • Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013
Le Belhamy.
Le Belhamy.

Le Belhamy - ngôi nhà thân thiết

Trên con đường ven biển chạy từ Hội An đến tận Đà Nẵng, resort & spa Le Belhamy như một nốt trầm trong bản giao hưởng của thành phố resort dở dang. Không thể dùng ngôn từ gì để diễn tả hết “nỗi niềm” nơi khu du lịch yên bình đã được xếp hạng 4 sao, dựng trên những triền cát hoang sơ đầy nắng, gió Hà My. Chỉ cần bước qua tiền sảnh cách điệu thác nước róc rách, bên kia hai căn nhà cổ hơn 100 tuổi thuần Việt là không gian đầy kỳ hoa dị thảo, ngút ngàn dừa xanh. Ở đó, có những căn nhà cổ ba miền Việt Nam chiếm một chỗ trang trọng trong resort và những căn nhà kiến trúc “đa sắc” Âu, Á… ẩn mình dưới bóng cây xanh, sóng biển, lá rơi và hương hoa nồng nàn suốt bốn mùa yêu. Âm thanh lẫn lộn ấy nghe như tiếng vó ngựa trên thảo nguyên nào đó… Thế giới ấy có những con đường đá lát vàng bóng trúc và cỏ dại, dẫn vào từng căn nhà “hạnh phúc” riêng lẻ. Sự yên tĩnh, thân thiện của khoảng trời mênh mông ấy là lý do khách tìm đến mỗi ngày một đông thêm, lại chẳng muốn rời nơi nghỉ sớm hơn dự định. Mỗi bước đi giữa “ngôi làng” yên ả ấy lại thấy lòng thư thái để người “còn yêu quá đời này” đã được dựng 10 năm nay, trở thành ngôi nhà thân thiết của mọi người. Đến để gặp và đi trong hoài niệm.

Làng dâu tằm ở phố

Xa “khung trời hoài niệm” âm vang tiếng sóng Hà My, cung đường “resort” như ngón tay buông dài qua cánh đồng, làng mạc và sông xưa đến Hội An. Trên con đường chu du qua cánh đồng “mơ tưởng” ấy, du khách sẽ lướt mảnh đất Trà Quế ngửa mình trên dòng sông Đế Võng bung nở cánh đồng rau thơm ngát để gặp làng Lụa nép mình giữa ồn ã phố xá, mở cửa đón người từ tháng 7.2012.

Làng lụa.
Làng lụa.

Câu chuyện các bậc cao niên kể về làng lụa cũ với một chút luyến tiếc, xót xa. Thuở ấy, trên con đường làng tới trường giăng kín giàn phơi. Đám trẻ nhỏ thường giắt trên vành nón một con tằm chín. Tan học về đã óng ánh một chiếc kén vàng… làm “thiêu đốt” trái tim chàng trai trẻ quê Đại Lộc - Lê Thái Vũ. Những cuộc kiếm tìm ròng rã đã tìm thấy gốc dâu đen trũi và chiếc lá hình chân chim của “cây dâu xẻ thì” 3 năm trời đã giúp Vũ mở quán ở phố, lập “làng” ven đô. Đêm đêm giữa “làng” ôm đàn hát với bạn bè, người quen, lấy trăng làm nến, lá dâu làm đĩa, Vũ đã mơ thấy ngày dựng lại thời vàng son của “kinh đô” dâu tằm đất Quảng giữa phố đông người qua! Giờ thì mảnh đất ven đô ấy đã trở thành bảo tàng sống về nghề dệt với bộ sưu tập 100 bộ áo dài truyền thống, ẩn “văn hóa mặc” mấy nghìn năm dân Việt, khung cửi và phương thức dệt xưa bày biện đầy trong các căn nhà cổ. Con đường làng quanh co giữa hàng trăm cây dâu Chăm 40 năm tuổi và những nhà rường cổ, đặc trưng kiến trúc xứ Quảng… vọng tiếng lách cách, tiếng cười thôn nữ và đâu đó tiếng hò khoan như vọng về từ một nơi xa ngái. Một phiên chợ quê đầu làng, những thước lụa, từ nuôi tằm ươm tơ đến xe tơ, dệt lụa hoàn toàn thủ công, và nếu muốn, khách có thể hái dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi… cùng gái làng lụa, đủ đã để người vui chưa (?).

Bản “giao duyên” của những ngôi nhà cổ

Rời Hội An, đi hết vệt đường thơm mùi rơm rạ cánh đồng vừa gặt đã gặp khu trưng bày nhà cổ Vinahouse trên đường 608 như một gạch nối trên cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn. Nhà cổ ba miền tưởng chừng đã bị dỡ bỏ trước mưa nắng thời gian đã hợp về “giao duyên” cho người hoài niệm. Âm thanh của xe cộ dọc đường cái quan đã bất ngờ mất hút sau cổng tam quan cũ và hàng trúc lơ thơ bày dọc lối vào “bảo tàng” nhà cổ.  Nơi ấy, có những căn nhà tranh vách đất, ba gian hai chái vùng Bình Định - Quảng Ngãi. Quảng Nam có nhà vọng nguyệt, nhà ngang ngũ gian, nhà tam gian nhị hạ. Quảng Trị có nhà ba gian và một gian tứ hạ. Nam bộ có nhà một gian hai chái cổ lầu, nhà lục giác hay nhà cổ đồng bằng Bắc Bộ, nhà ở dân tộc Cơ Tu, Tây Nguyên… Nếu nhà tranh tre xinh xắn phản ánh sự kết hợp khéo léo giữa tay nghề dựng nhà với vật liệu có sẵn tại địa phương thì nhà mái lá biểu trưng của loại kiến trúc nhà ở sinh thái không tổn hại tới môi trường nhờ được làm bằng rơm rạ, tranh tre, đất sét.

Khu trưng bày nhà cổ.
Khu trưng bày nhà cổ.

Giữa bản “giao duyên” thầm thì trò chuyện với quá khứ, thời gian của những căn nhà cổ ba miền, là những ngôi nhà rường có quy mô về kích thước, giá trị mỹ thuật và tuổi đời cao ở trung tâm của khu du lịch văn hóa. Ngôi nhà cổ được dùng làm bảo tàng trên 200 tuổi, truyền qua 6 đời của bà Trần Thị Thao như một nốt trầm xao xuyến. Căn nhà 7 gian, hai chái đã thu nhỏ còn 5 gian, 2 chái, 108 cột, đã được tạp chí “Người đưa tin” của UNESCO đánh giá là ngôi nhà cổ đẹp và lớn nhất miền Trung. Ở đó, sẽ gặp những bàn tay tài hoa, mỹ cảm của thợ Mỹ Xuyên (Huế), Kim Bồng, Văn Hà (Quảng Nam) lưu dấu thời gian. Khách sẽ gặp, tìm thấy các giá trị văn hóa lưu giữ, truyền đời, nguồn gốc, gia thế, tư tưởng và quan điểm sống của chủ nhân qua hoành phi, câu đối giữa căn nhà truyền thống.

Đất lành vừa mở...

Nếu ba không gian ấy gợi miền hoài niệm thì Chu Lai nắng gió với Khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô của Tập đoàn Ô tô Chu Lai - Trường Hải là biểu tượng khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Quảng Nam trong việc tạo ra một mô hình động lực, góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Minh chứng sự tồn tại của doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này tổ chức sản xuất và lắp ráp đủ cả 3 dòng xe (xe tải, xe khách và xe du lịch) với tỷ lệ nội địa hóa cao và động cơ, đủ để thấy Quảng Nam là “đất lành” cho doanh nghiệp tìm đến “đặt cược” số phận mình vào những cuộc làm ăn hiệu quả.

Tàu Trường Hải cập cảng Kỳ Hà.
Tàu Trường Hải cập cảng Kỳ Hà.

Một ngày qua cung đường có đủ mọi cung bậc cảm xúc, âm thanh và đầy màu sắc, có đủ làm cho người yêu và nhớ xứ Quảng chưa?

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG