Trồng cây chắn nước biển dâng

HỮU PHÚC 22/06/2013 12:02

Các vùng ven biển Quảng Nam chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), do vậy việc cải tạo môi trường, trồng cây xanh ứng phó với hiện tượng nước biển dâng là ưu tiên hàng đầu của các địa phương.

Nguy cơ cao

Chưa có thống kê chính thức về thiệt hại tài sản vật chất lẫn tinh thần do BĐKH gây nên, song mỗi năm các vùng nằm ở ven sông, cửa biển như Hội An, Núi Thành thường bị mất mát trực tiếp nhiều nhất về nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. Theo quyết định phê duyệt kế hoạch Chương trình hành động của UBND tỉnh ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2030, có thể hơn 1/3 diện tích của đô thị Hội An nằm trong vùng trũng sẽ bị nhấn chìm trong 7 năm tới. Các chuyên gia khoa học cho rằng, dự báo trên là có cơ sở thực tiễn, bởi đô thị Hội An nằm trong vùng trũng thấp, nằm ở khu vực cửa biển. Thiên tai lũ lụt thường “tấn công” vùng ven biển có địa hình thấp.

Triển khai bảo vệ và trồng cây xanh luôn được các địa phương quan tâm trong ứng phó với BĐKH.  TRONG ẢNH: Rừng dừa ở Cẩm Châu  TP. Hội An.
Triển khai bảo vệ và trồng cây xanh luôn được các địa phương quan tâm trong ứng phó với BĐKH. TRONG ẢNH: Rừng dừa ở Cẩm Châu TP. Hội An.

Ngoài đô thị Hội An bị ngập nặng do nước biển dâng cao, các địa phương khác cũng dự báo bị ảnh hưởng như Duy Xuyên ngập gần 16% diện tích, Điện Bàn ngập hơn 26%, Núi Thành hơn 15% diện tích. Trong khi đó, ở khu vực đầu nguồn luôn đối mặt với tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn nguy cơ gây ra ngập lụt kéo dài ở vùng đồng bằng ven biển. Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Cư, Tổng  cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường), với kịch bản gần đây nhất, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển có thể dâng cao từ 75cm - 1m. Đáng chú ý, có ít nhất 3% diện tích ở các vùng đồng bằng miền Trung sẽ bị mất hoàn toàn. Đặc biệt, BĐKH và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ven biển của cả nước, trong đó có Quảng Nam. Thiệt hại do BĐKH kéo theo GDP suy giảm bình quân từ 10 – 12%. Thực tế, BĐKH làm nước biển dâng cùng với áp lực sóng lớn đã gây sạt lở, xói mòn bờ biển trên cả nước. Hậu quả là mỗi năm có hàng nghìn ngôi nhà ven biển trong tỉnh bị hư hại do bão lũ. Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của ngư dân thường thiếu ổn định do sự “trái nết” của thời tiết.

Một vườn ươm phục vụ cho dự án trồng rừng ven biển tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành.
Một vườn ươm phục vụ cho dự án trồng rừng ven biển tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành.

Triển khai “vành đai xanh”

Nằm nơi đầu sóng ngọn gió, bao đời nay làng chài Cẩm An, Cửa Đại  (TP. Hội An) thường xuyên hứng chịu thiệt hại vào mùa mưa bão. Từ cuối năm 2012, được sự tài trợ của Công ty CP Sữa Vinamilk nằm trong dự án “Quỹ 1 triệu cây xanh Việt Nam”, hơn 25 nghìn cây xanh đã được trồng ở khu tái định cư làng chài Cẩm An. Bây giờ, bên cạnh những khu resort, khách sạn cao tầng, dọc vùng ven biển những vạt cây trồng mới đã bắt đầu đâm chồi. Người dân địa phương bảo, hơn ai hết ý thức tầm quan trọng của cây xanh với sự sống con người nên rất có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây. Chính quyền TP.Hội An mới đây còn bỏ tiền ra mua lại những rừng thông ven biển, phòng ngừa sự đốn hạ của người dân. Ngoài ra, còn đưa ra chương trình quản lý nghiêm ngặt những dự án đầu tư vào khu vực có đa dạng sinh học và hệ sinh thái nhạy cảm như rừng dừa Cẩm Thanh, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, địa phương đang trong giai đoạn xây dựng để trở thành thành phố sinh thái đầu tiên của cả nước nên công tác bảo vệ môi trường sống được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung trồng cây xanh ven biển, và trong lòng phố để cải thiện môi trường cảnh quan, phát triển hài hòa, bền vững một đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch.

Trồng cây chắn sóng ở Cồn Si, xã Tam Hải (Núi Thành).
Trồng cây chắn sóng ở Cồn Si, xã Tam Hải (Núi Thành).
Hướng tới nền kinh tế xanh
Chuyển đổi cơ cấu, giống; điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất; nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời hướng tới nền kinh tế xanh… là một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 24, Hội nghị Trung ương 7, khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo nghị quyết, đến năm 2020, đất nước cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực địa phương trong quản lý bền vững đất ngập nước tỉnh Quảng Nam” (dự án WAP), Sở Tài nguyên - môi trưởng tổ chức giám sát, kiểm tra “sức khỏe” thường xuyên rừng ngập mặn tại thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, Núi Thành) sau hơn một năm trồng. Dự án WAP đã tiến hành đo đếm cây tại khu vực sau 3 tháng và 6 tháng trồng. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống đạt trên 80%. Đặc biệt, cây vẹt trồng ở đất ngập mặn dù sau 3 tháng trồng tỷ lệ chết rất ít (chưa đến 5%). Việc tỷ lệ cây trồng sống cao một phần là do cộng đồng địa phương thường xuyên chăm sóc, các tác nhân cản trở sự sống của cây như rong, hàu bám vào thân cây được người dân khắc chế kịp thời.
Theo Sở Tài nguyên – môi trường, các dự án trồng rừng ven biển dù chưa nhiều, đang trong giai đoạn nghiên cứu trồng thử nghiệm nhưng đã cho thấy có nhiều tiến triển tốt đẹp. Đáng mừng, chính quyền, cộng đồng địa phương rất tích cực tham gia các dự án trồng rừng. Nằm trong kịch bản ứng phó với BĐKH, năm 2013 các địa phương trong tỉnh ưu tiên triển khai phủ xanh rừng trên đất ngập mặn ở vùng ven biển Duy Xuyên, Núi Thành và vùng cát ven biển Hội An. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, giải pháp cụ thể cho dân cư ven biển ứng phó với BĐKH là ngoài xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông thì việc trồng rừng chắn sóng gió kết hợp với các mô hình ổn định sinh kế bền vững cũng là lựa chọn ưu tiên. Một nền kinh tế biển tăng trưởng xanh không thể thiếu những dự án chiến lược về cải tạo rừng.

Nhiều năm nay, người dân ở Đông Xuân, xã Tam Giang (Núi Thành) rất có ý thức bảo vệ rừng ngập mặn trên sông.
Nhiều năm nay, người dân ở Đông Xuân, xã Tam Giang (Núi Thành) rất có ý thức bảo vệ rừng ngập mặn trên sông.

 HỮU PHÚC

HỮU PHÚC