Chiến lược dẫn dắt tăng trưởng xanh

TRỊNH DŨNG 22/06/2013 11:23

Khung chiến lược đã định hình, xem như là một bản cam kết của chính quyền hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững. Dự báo chất lượng cuộc sống người dân Quảng Nam sẽ thay đổi từ chiến lược dẫn dắt tăng trưởng xanh.

Hiệu quả tăng trưởng

Theo những nhà điều hành kinh tế, nhìn vào sự duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 11,6%, cao hơn mức trung bình cả nước (7,25%) liên tục trong vòng 12 năm qua (2006-2012), với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ, đủ để Quảng Nam lạc quan tìm kiếm một con đường phát triển bền vững chất lượng hơn là số lượng dự án đầu tư. Ba nút thắt của nền kinh tế về nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư yếu kém… được nhận diện, đang được chính quyền và người dân Quảng Nam “xác lập” trong một “tư duy chiến lược phát triển” đồng bộ và dài hạn, thay vì những con số ước định khô cứng trên các bản báo cáo. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng Quảng Nam có thế mạnh đặc biệt trong việc khai thác nguồn lực con người, tài chính và khả năng đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, quỹ đất dồi dào… được khai thác đúng hướng và chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu nên đã tạo nhiều cơ hội phát triển hợp lý, “tránh” được những “sai lầm” của các địa phương đi trước. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng khuyến cáo rằng dù có tốc độ tăng trưởng liên tục, nhưng hiện có đến 83% lao động thiếu kỹ năng nghề nghiệp, tình trạng chảy máu chất xám vẫn đang diễn ra, doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ không thể chịu đựng nổi áp lực lẫn thị trường thiếu sức cạnh tranh… vẫn là bài toán khó giải. Quảng Nam vẫn đang loay hoay trong việc kiếm tìm một con đường tốt nhất nhằm phát huy hết khả năng, tiềm năng lợi thế bứt phá cho bứt tranh đầu tư phát triển.

Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, kêu gọi đầu tư xanh, tăng trưởng du lịch… là chiến lược phát triển sẽ được hoạch định cho tương lai Quảng Nam.
Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, kêu gọi đầu tư xanh, tăng trưởng du lịch… là chiến lược phát triển sẽ được hoạch định cho tương lai Quảng Nam.

Theo GS-TS. Lê Hồng Kế, chuyên gia Chương trình Định cư con người Liên hiệp quốc (UN – HABITAT) Việt Nam, công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam, nhưng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và tiểu thủ công nghiệp ở nấc thang thấp, thiếu công nghiệp hỗ trợ nên chưa tận dụng cơ hội của hội nhập, chưa hấp dẫn FDI, xuất khẩu hạn chế. “Do ngân sách nhà nước hạn hẹp nên không đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang trên đà suy giảm, thiếu hụt nguồn lao động đủ trình độ đáp ứng sự phát triển đa ngành.. chính là một trong những nút thắt phát triển bền vững” - ông Kế nói. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có 10% tổng ngân sách được sử dụng cho bảo trợ xã hội, phúc lợi xã hội vẫn chủ yếu dựa vào chính sách và ngân sách Trung ương, mối liên kết nông thôn và thành thị còn nhiều khoảng trống, thiếu sự phân bổ đầu tư và lợi ích vào phát triển địa phương…, vì vậy Quảng Nam rất cần các chương trình mục tiêu và phân bổ lợi ích cần được tính tới đói nghèo đa chiều và thiên tai.

Lựa chọn động lực

Kết quả điều tra, khảo sát của UN – HABITAT nhằm hoạch định chiến lược phát triển đã chỉ ra rằng Quảng Nam cần “kiên trì” thu hẹp khoảng cách thu nhập để giảm nghèo bền vững. Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư nội địa cần được phân bổ hiệu quả vào các vùng ưu tiên để phát triển kinh tế - xã hội. Số hộ dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nước biển dâng, xói mòn đất ngày một gia tăng, trong khi đó quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam vẫn chưa có giải pháp đối phó thiên tai và biến đổi khí hậu. Theo TS.Nguyễn Quang, Giám đốc UN – HABITAT Việt Nam, giải pháp chiến lược được đưa ra là hỗ trợ một số cụm ngành vừa khai thác lợi thế so sánh vừa có tính chất dẫn dắt tăng trưởng và thúc đẩy tái cơ cấu ngành năng suất một số ngành theo hướng bền vững. Một hành động không thể khác được là tìm kiếm đầu tư hình thành một số ngành cơ khí đa dụng, phục vụ sản xuất, lắp ráp và sửa chữa ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, xây dựng một số cụm nông - lâm sản và xây dựng nguồn nguyên liệu phục vụ; quy mô hóa, mở rộng các thị trường các dự án ở nông thôn; đẩy mạnh dịch vụ cảng biển, đường hàng không, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thông quan ở phía đông, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng tốt cho phát triển công nghiệp dịch vụ. “Phát triển, quản lý du lịch bền vững là sắc thái, đặc thù của Quảng Nam. Sự đẩy mạnh và mở rộng phương pháp tiếp cận tổng hợp như sáng kiến đề xuất du lịch giảm nghèo của UNESCO trong khi vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc là dấu ấn đặc biệt. Vấn đề là chính quyền cần nỗ lực phát triển ngành du lịch đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo nền tảng đầu tư tư nhân và tập trung thu hút các đầu tư vào khu kinh tế mở, khu công nghiệp” - ông Quang nói.

Chiến lược phát triển Quảng Nam với hy vọng dẫn dắt tăng trưởng nhanh và bền vững, được xem như một bản cam kết giữa chính quyền để nâng chất lượng cuộc sống người dân đã hoàn thiện. Nhưng thực thi là điều không dễ khi Quảng Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong khi ngân sách hạn hẹp, thiếu doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít gắn kết với đầu tư bên ngoài… Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng tất cả mục tiêu tăng trưởng của Quảng Nam đặt ra cho từng năm hoặc dài hạn đều hợp lý. Kế hoạch tổng rà soát quy hoạch, khớp nối hai vùng Đông - Tây đã hoàn thiện. Môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, hạ tầng dần hoàn thiện để thúc đẩy những dự án trọng điểm… Nhưng nếu doanh nghiệp không phát triển, tình trạng giải ngân vốn đăng ký, cải cách quản lý đầu tư, huy động vốn không thay đổi… thì kết quả tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách bền vững… vẫn sẽ khó khăn.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG