Tôi đi biển

VINH ANH 21/06/2013 13:17

Biển cả là nơi mà ai cũng tò mò muốn khám phá. Và đối với “cánh” phóng viên, được tác nghiệp giữa biển khơi cùng những ngư dân là một trải nghiệm khá đặc biệt.

Mùa này, lúc chiều xuống, những chiếc thuyền của ngư dân xã Tam Hải (Núi Thành) lại đạp sóng ra khơi. Qua người quen giới thiệu tôi may mắn được ngư dân kỳ cựu và cũng là chủ tàu Phan Kim Nhựt, thôn Phước Lộc (Tam Tiến, Núi Thành) đồng ý cho “theo chân” đi biển. Bốn giờ chiều, lúc trời còn nắng chang chang hàng chục ngư dân ở thôn Phước Lộc (Tam Tiến) từ mọi ngả đường đổ ra bãi biển. Tôi cùng vài ngư dân nữa bơi thuyền thúng ra thuyền lớn (nằm cách bờ vài trăm mét) để chuẩn bị ra khơi. Mới lên thuyền thúng được vài trăm mét, tôi đã bắt đầu cảm giác buồn nôn, đầu óc quay cuồng. Thuyền nổ máy, mũi tàu hướng thẳng ra biển bắt đầu cho một đêm đánh bắt.

Trải nghiệm cùng ngư dân.
Trải nghiệm cùng ngư dân.

Khoảng 19 giờ tối, trời và biển hòa màu đen như mực. Lúc này thuyền chúng tôi đã đi được gần 10 hải lý và bắt đầu giảm ga, chạy chậm lại để thả lưới. Tay thoăn thoắt, hai ngư dân nhịp nhàng thả hàng trăm mét lưới xuống biển. Hai tấm sắt to, nặng chừng nửa tấn được ngư dân nhẹ nhàng quẳng xuống biển. Công đoạn này nhìn có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Thả lưới xong, thuyền bắt đầu tăng ga, ròng rọc thả sợi dây dù dài hàng trăm mét xuống biển liên hồi, đến khi lưới chạm đáy biển thì dừng lại. Sóng vẫn đánh rất mạnh, thuyền lắc lư khiến việc chụp hình của tôi trở nên khó khăn. Tôi bám thật chắc vào thanh sắt trên thuyền rồi nhoài người bấm máy, cố không để sót khoảnh khắc nào.

Lần đầu đi biển, tôi được biết thêm đôi ba chuyện về nghề sóng gió này. Theo chủ thuyền, một ngư dân giỏi là người phải biết được chỗ nào nên đưa thuyền đến, chỗ nào cần phải tránh. Giữa biển khơi mênh mông, không phải chỗ nào cũng có tôm cá. Ngoài kinh nghiệm của mỗi ngư dân thì việc nắm thông tin qua bộ đàm cũng rất quan trọng. Mỗi thuyền đi biển hiện nay đều trang bị máy bộ đàm, có nhiều thuyền đã trang bị đến loại máy bộ đàm 12 băng tần. Đây không chỉ là máy dùng để báo hiệu cho tàu thuyền mỗi khi gặp trục trặc. Hơn hết, các ngư dân thông qua bộ đàm để nghe ngóng thông tin từ các thuyền khác và lựa chọn vị trí đánh bắt. Trên thuyền của chủ tàu Phan Kim Nhựt, hai máy bộ đàm loại 12 và 6 băng tần mở liên tục. “Vừa dựa vào kinh nghiệm nhưng cũng phải biết chọn lọc thông tin từ các thuyền khác để đưa thuyền mình đến vị trí khai thác. Chỗ nào cá nhiều, chỗ nào có bãi đá… thông tin gì cũng có nên mình phải chọn lọc. Có khi thông tin cũng không chính xác nên ngư dân giỏi là phải biết phán đoán” - ông Nhựt cho biết.

Sau khoảng 4 giờ thả lưới, thuyền bắt đầu kéo lưới lên. Kết hợp giữa sức người và máy móc, mẻ lưới đầu tiên được đủ loại như mực cơm, tôm biển, ốc, cá… Đêm, sau khi làm xong phần việc của mình và đợt lưới thứ 2 thả xuống biển thì bữa tối của ngư dân mới bắt đầu. Chúng tôi húp xì xụp tô mì tôm với mực cơm, tôm biển tươi rói. Cố nuốt vài miếng, tôi lại phải bò vào khoang thuyền để nằm cho bớt buồn nôn. Hai ngư dân đi bạn cho chủ tàu cũng tranh thủ chợp mắt một tí. “Mọi người có thể ngủ được ít tiếng nhưng riêng tôi thì không thể. Sơ suất một tí là hậu quả không biết đường nào mà lần” - ông Nhựt nói.

  Mỗi thuyền đi đánh cá đêm thả lưới khoảng 2 lần. Khi đợt lưới thứ 2 kéo lên thì cũng là lúc trời vừa rạng, những ngư dân phải nhanh tay phân loại cá. Hàng chục chiếc thuyền lại quay về đất liền. Tôi đứng trên tàu dõi vào bờ. Từ ngoài xa, đã thấy chợ cá Phước Lộc đông nghịt người đứng chờ...

VINH ANH

VINH ANH