Học viết báo

VƯƠNG HẰNG SA 21/06/2013 12:07

Bốn năm ở ghế giảng đường, tôi đã tập tành viết báo. Và, đó là quãng thời gian tôi học được nhiều thứ cho hành trình tác nghiệp của phóng viên sau này.

Bà Tư - một trong những nhân vật của tôi phải vất vả mưu sinh về đêm trên đường phố Sài Gòn. Hình ảnh chụp lúc 23h ngày 3. 4. 2006.   Ảnh: VƯƠNG HẰNG SA
Bà Tư - một trong những nhân vật của tôi phải vất vả mưu sinh về đêm trên đường phố Sài Gòn. Hình ảnh chụp lúc 23h ngày 3. 4. 2006. Ảnh: VƯƠNG HẰNG SA

Tình đồng nghiệp

Hết năm hai đại học, sau thời gian xin đi viết tin bài cho Bản tin quận 3 (TP.Hồ Chí Minh), tôi mạnh dạn chuyển sang cộng tác với trang online của báo Tuổi Trẻ. Tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có chú Lê Hoàng - Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ lúc bấy giờ, cũng là người Quảng Nam. Năm 2005, tôi chính thức được nhận làm cộng tác viên của Ban Thanh niên - báo Tuổi Trẻ. Dù còn đi học nhưng tôi vẫn được hưởng chế độ ngày lễ, tết, được hỗ trợ công tác phí khi đi viết bài ở xa… Nhờ khoảng thời gian được rèn luyện kỹ năng viết lách, giao tiếp… tại Ban Thanh niên, tôi có nhiều thuận lợi trong cuộc sống và công tác sau này.

 Khi làm cộng tác viên, tôi thực sự may mắn vì nhận được rất nhiều tình cảm, sự hướng dẫn tận tình của các anh chị phóng viên. Đó là chị Tố Oanh – người khởi xướng và tổ chức chương trình Ước mơ của Thúy. Chị dẫn tôi đi làm và hướng dẫn tôi từng chi tiết nhỏ để có một bản tin, bài viết đầy đủ thông tin, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Là anh Binh Nguyên – Trưởng ban Phóng sự - ký sự lúc bấy giờ sẵn sàng ngồi hàng giờ để chỉnh sửa bản thảo, giúp bài viết của tôi lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Còn nhớ, hè năm 3, từ thông tin của người quen làm ngành tư pháp về tình trạng nhiều cô gái Ca Dong (huyện Bắc Trà My) phải ôm con ngóng chồng trong cảnh vọng phu. Tôi đề xuất với Ban Phóng - sự ký sự được về Quảng Nam viết bài. Không những động viên, hướng dẫn cặn kẽ, anh Binh Nguyên còn đề nghị tòa soạn giải quyết mọi công tác phí cho tôi. Sau đó, một người từ Quảng Nam viết đơn phản hồi với tòa soạn rằng tôi “đạo” bài, Ban biên tập yêu cầu tôi giải trình. Lúc đó, nhà báo Binh Nguyên đã đứng ra bảo vệ tôi trước Ban biên tập. Bởi hơn ai hết, anh hiểu được thời gian tôi thai nghén đề tài và hoàn thành tác phẩm.

Một lần khác, tôi quyết định đi viết bài về những đứa trẻ mưu sinh ở các lò gạch quận 9 (TP.Hồ Chí Minh). Trong lúc loay hoay phỏng vấn các em nhỏ, một chủ lò gạch mặt mày dữ dằn đến gây sự, đòi lấy máy, tài liệu của tôi. May nhờ có người bạn mặc… đồng phục (bạn tôi đang học Đại học Cảnh sát) đi chung nên tay chủ lò trả lại máy. Tôi thoát nạn. Lần tác nghiệp ở chợ cá đầu mối Bình Chánh cũng là một kỷ niệm đáng nhớ để sau đó hình thành nên bài viết “Mưu sinh lúc 0h”, nội dung kể về những đứa trẻ phải thức đêm đi bốc vác ở chợ... Đường khuya, không thông thuộc địa bàn, thân gái một mình với bao nguy hiểm rình rập cuối cùng cũng được đáp trả bằng bài phóng sự trên trang Nhịp sống trẻ vài ngày sau đó.

Nghĩa đồng hương

Trong thời gian vừa đi học vừa đi làm báo, qua những trải nghiệm và chứng kiến, tôi thực sự nhận ra tình đồng hương có sức mạnh vô cùng lớn. Còn nhớ khi cô giáo dạy môn phỏng vấn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải yêu cầu sinh viên phải nộp một bài phỏng vấn kết thúc môn. Người tôi chọn để được phỏng vấn là nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Tìm đến Tòa soạn Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh - nơi ông đang công tác, xin được gặp ông với suy nghĩ: chắc khó gặp, có khi phải đi đôi ba lần mới có bài nộp cô giáo. Nào ngờ, ông nhiệt tình gặp, rồi còn chỉ vẽ thêm những kỹ thuật báo chí để hoàn thành bài phỏng vấn. Sau lần đó, thỉnh thoảng ông còn rủ tôi đi ăn những món ăn xứ Quảng để hai người Quảng đang xa quê, đang cách nhau vài thế hệ… đỡ nhớ nhà.

Một trường hợp khác, khi biết ông Nguyễn Châu – Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn thương tín Sacombank là người Quảng Nam, tôi tìm cách liên lạc với hy vọng sẽ có một ký sự chân dung về người Quảng xa quê thành đạt. Cũng nghĩ trong đầu, với một người có vị trí như vậy sẽ rất bận rộn, khó lòng sắp xếp để một đứa sinh viên còn lơ ngơ như tôi “diện kiến”. Nào ngờ, vừa gọi điện đề nghị, ông đồng ý hẹn gặp ngay. Cuộc trò chuyện giữa một người trẻ với một người thành đạt tại quán cà phê sáng, điểm tâm chỉ đơn thuần xoay quanh những câu chuyện của người Quảng xa quê. Ông Châu tuyệt nhiên không nói về mình, mỗi khi tôi lái câu chuyện theo chủ đích của mình, ông đều từ chối với lý do “Người ta sẽ chú ý. Chú sẽ không giúp được các bạn trẻ ngoài quê nhiều nếu bài viết được đăng lên”. Dù không có được bài viết như mong đợi nhưng những tia sáng lấp lánh về mối quan hệ giữa người Quảng ở đất Sài Gòn khiến tôi vui, thán phục một doanh nhân có tâm huyết.

Sau này, tôi còn gặp và tiếp xúc với một số người thành đạt, doanh nhân Quảng Nam tại Sài Gòn như anh Đỗ Thanh Năm (Giám đốc Công ty Winwin), chú Tôn Thạnh Nghĩa, bác Lê Ngọc Tống… đều thấy ở họ có mẫu số chung: luôn nhớ về quê hương, khi đồng hương cần, họ sẵn sàng sẻ chia. Vì vậy, khi viết bài về những nhân vật đồng hương, trong tôi luôn tồn tại nhiều cảm xúc: ngưỡng mộ của tuổi trẻ với người đi trước, tình mến thương từ nghĩa đồng hương.

VƯƠNG HẰNG SA

VƯƠNG HẰNG SA