Hoạch định tương lai Chu Lai

NAM KHA 21/06/2013 11:33

Được đánh giá là mô hình thành công nhất trong số 16 khu kinh tế của cả nước, Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai đang đứng trước cơ hội mới, khi được Trung ương xác định là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm quốc gia được ưu tiên đầu tư phát triển trong giai đoạn mới.
Thành công trong “ngõ hẹp”

Mục tiêu xây dựng một khu kinh tế thu hút vốn FDI, thí điểm các chính sách kinh tế mới… đã không thể trở thành hiện thực, song không thể phủ nhận vai trò của Chu Lai khi được đánh giá hiệu quả số 1 trong 16 khu kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam. Sự “tròn vai” của một khu công nghiệp “bậc cao” này đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, đóng góp hơn 50% nguồn thu ngân sách Quảng Nam, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 14.000 lao động. Theo ước tính của Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý KKTM Chu Lai Huỳnh Khánh Toàn, năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của Chu Lai sẽ chiếm khoảng 38% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, xuất khẩu 100 triệu USD, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 50.000 người. Cơ sở của con số này là dựa vào các dự án sản xuất ô tô hay các sản phẩm công nghiệp đang được đầu tư tại Chu Lai mấy năm qua.

Sân bay Chu Lai, cảng Tam Hiệp sẽ được nâng cấp và đầu tư mở rộng.
Sân bay Chu Lai, cảng Tam Hiệp sẽ được nâng cấp và đầu tư mở rộng.

Theo báo cáo mới nhất của KKTM Chu Lai, hiện 56/85 dự án được cấp phép đầu tư (tổng vốn đăng ký gần 1,5 tỷ USD) hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 750 triệu USD. Những sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Nam như ô tô, kính xây dựng, sản phẩm điện tử… đã thể hiện sự sinh động của khu vực này. Cụ thể là tổ hợp Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải với các nhà máy ô tô tải, ô tô du lịch, ô tô khách, các nhà máy cơ khí, sản xuất phụ tùng và công nghiệp phụ trợ với tổng công suất 55.000 xe/năm (400 triệu USD), nhà máy kính nổi Chu Lai công suất 1.300 tấn/ngày đêm (150 triệu USD), nhà máy sản xuất soda Chu Lai công suất 200.000 tấn/năm (120 triệu USD). Ngoài ra, còn có các dự án du lịch sinh thái như Chu Lai, Cát Vàng với tổng vốn đầu tư từ 25 triệu USD trở lên đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Một dự án “tầm cỡ” khác là dự án Khu công nghiệp - cảng Doctor Thanh của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD cũng sẽ khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp, hậu cần cảng Tam Hiệp ngay trong quý II/2013 này. Dự án sẽ phân kỳ đầu tư, giai đoạn 2013-2017 trên 400 triệu USD và sau 2017 sẽ là 1,6 triệu USD. Chỉ tính riêng lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô đã góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất và lắp ráp đủ cả 3 dòng xe (xe tải, xe khách và xe du lịch) với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất (xe khách 52%, xe tải 46% và xe du lịch 16%).

Nhìn từ các dự án động lực

Hiệu quả đầu tư đã giúp Chu Lai “lọt” vào danh sách 5 khu kinh tế trọng điểm quốc gia ưu tiên đầu tư từ năm 2013-2015. Đó chính là cơ hội để khu kinh tế này xúc tiến thêm những dự án động lực. Trong báo cáo trình Chính phủ ngày 5.6.2013, Ban quản lý KKTM Chu Lai thông báo Bộ Thương mại - công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc sẽ nghiên cứu, khảo sát cụ thể để tiến tới ký kết thỏa thuận chính thức về việc kêu gọi đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Việt - Hàn Chu Lai trên diện tích 1.600ha. Ông Phạm Ân - Chánh văn phòng Ban quản lý KKTM Chu Lai cho biết, đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty C&N Vina - Hàn Quốc cho việc đầu tư dự án. Một giấy phép đầu tư Khu công nghiệp Tam Anh (một trong những hợp phần của dự án Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị Việt – Hàn Chu Lai) với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD trên 200ha (giai đoạn 1) đã được cấp cho C&N Vina. Hiện đường trục chính từ quốc lộ 1 đến khu vực dự án đang được thi công xây dựng. Dự kiến tháng 8.2013 sẽ hoàn thành để nhà đầu tư triển khai dự án.

Kêu gọi, xúc tiến tìm nguồn vốn cho Chu Lai
Theo ông Phạm Ân - Chánh văn phòng Ban quản lý KKTM Chu Lai,  Quảng Nam đã đệ trình Chính phủ đưa dự án đô thị Việt - Hàn vào nội dung ký kết hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt - Hàn, kêu gọi vốn ODA Hàn Quốc đầu tư hạ tầng thiết yếu, xin Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng dự án, bảo đảm khởi công xây dựng giai đoạn 1 (200ha) và cho áp dụng một số cơ chế ưu đãi đặc thù cho dự án sơ và thứ cấp trong khu liên hợp này. Ngoài ra, Quảng Nam cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, VDB xem xét áp dụng mức lãi suất vay đối với dự án là 6%/năm để bảo đảm tính khả thi của dự án ô tô Trường Hải và cấp vốn để đầu tư nâng cấp, tăng chuyến, tuyến, bổ sung quy hoạch và xúc tiến tìm nguồn ODA đầu tư sân bay Chu Lai.

Cũng theo ông Ân, Công ty CP Ô tô Trường Hải đã nhận giấy phép đầu tư Khu công nghiệp, hậu cần cảng Tam Hiệp (11,092ha) với tổng vốn đăng ký 2.643 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép dự án này thụ hưởng chính sách theo cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và chấp thuận cho phép chỉ định thầu với một số gói thầu từ nhà cung cấp Hyundai. Phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng đã thống nhất ký hợp đồng tín dụng và Trường Hải đang thương thảo. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và hoạt động vào năm 2014.

Trong một diễn trình khác, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển quốc tế cấp 4F với chức năng trung chuyển 5 triệu tấn hàng hóa/năm, 4,1 triệu hành khách/năm giai đoạn 2015 - 2020 và đồng ý bổ sung dự án “Nghiên cứu chuẩn bị dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai” do Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tài trợ từ nguồn vốn của Chính phủ Hoa Kỳ vào danh mục tài trợ chính thức. Ngày 25.3.2013, Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam đã chính thức ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam về nghiên cứu (dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2013) tính khả thi sân bay Chu Lai từ vốn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ để hình thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế. Đó chính là cơ hội vàng để Quảng Nam tiến hành dự án Trung tâm Dịch vụ duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa máy bay tại Chu Lai. Ý tưởng hình thành dự án này đã được Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh Lê Thành Ân đánh giá khá cao trong cuộc gặp gỡ hồi cuối tháng 2.2013. Ông Ân cam kết sẽ tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, có khả năng tài chính và kinh nghiệm đầu tư vào dự án này khi được Chính phủ Việt Nam cho phép.

NAM KHA

NAM KHA