Làm báo ở vùng cao
Có lúc leo núi cả ngày đường chỉ để đến nơi lấy được cái tin chừng 200 chữ hay lội tuốt lên những vùng dân cư heo hút làm phóng sự nhưng bị cấm vì làng đang có “cữ”, đành quay về tay không. Đó là chuyện thường ngày khi làm báo ở vùng cao.
1.Làm phóng viên ở vùng núi được 10 năm nên bây giờ hỏi về các làng, các xã ở Nam Trà My tôi thuộc như lòng bàn tay. Có nơi xa tít vùng giáp Kon Tum, tôi cũng đã đặt chân đến để lấy tin, bài.
Xử lý hậu kỳ ngay giữa đại ngàn.Ảnh: H.T |
Có lần tôi cùng anh bạn đồng nghiệp dưới xuôi đi làm phóng sự về chương trình xóa nhà tạm 134 ở thôn 2, xã Trà Nam. Qua hơn nửa ngày đường đi bộ, leo dốc, vào tới nơi liền lấy ngay máy quay phim ra ghi hình. Bỗng có mấy thanh niên đến can ngăn và đưa chúng tôi về nhà trưởng nóc. Gặp mặt, ông này bảo: Ai cho quay phim, xin chưa? Mặc cho chúng tôi giải thích mục đích là đi tìm tư liệu, hình ảnh về chương trình xóa nhà tạm mà Đảng và Nhà nước ưu tiên cho đồng bào miền núi, nhưng vị này nhăn mặt phán: Hôm trước cũng có mấy người lạ tới làng lấy máy ra chụp rồi quay lung tung. Khi họ về rồi dân làng mới phát hiện mất một số đồ vật trong nhà. Bây giờ làng không tin ai hết! Mấy anh có giấy tờ chi không? Anh đồng nghiệp tôi làm ở Đài PT-TH tỉnh nên nhanh chóng rút thẻ phóng viên đưa cho trưởng nóc, vị này lắc đầu bảo chưa thấy cái này bao giờ! Trong lúc loay hoay tìm cách “gỡ rối” thì anh đồng nghiệp sực nhớ, móc trong túi áo ra tờ giấy giới thiệu của ông chủ tịch huyện. Cầm tờ giấy trên tay, nheo mắt đọc từng chữ, vị trưởng nóc gật đầu rồi quay qua bắt tay như gặp người quen. Không khí căng thẳng trong ngôi nhà sàn được “giải thoát” bằng những tiếng cười nói vui vẻ. Ông trưởng nóc thông báo với già làng cùng thanh niên tập trung giúp chúng tôi làm phóng sự, cũng chính người này xung phong để phát biểu khi được phỏng vấn. Rồi ông bắc thang trèo lên sườn nhà lấy xuống chai rượu nhỉ (loại rượu ngon nhất ở miền núi) mời chúng tôi uống. Chưa xong, theo tục lệ, vị già làng cũng bắt chúng tôi lên thăm nhà mới và uống rượu cần, rồi đến thăm từng hộ trong làng nữa. Trong cái mệt sau quãng đường leo núi rồi gặp sự căng thẳng với lệ làng, giờ lại “tấp” ừng ực rượu cần vào người nên chúng tôi mau chóng… gục. Hôm sau trên đường về, anh đồng nghiệp tủm tỉm: Đúng là phép vua thua lệ làng mi hề!
2. Đến bây giờ tác nghiệp khổ nhất vẫn là ở vùng Trà Linh bởi đường lên đây rất khó khăn. Muốn làm về đề tài cây sâm Ngọc Linh thì phải chịu khó bỏ ra 3 ngày, trong đó hết 2 ngày đi đường. Đến được làng ở Trà Linh là mừng lắm rồi nhưng khổ nỗi cây sâm lại được trồng trên vườn cách nhà hơn 3 giờ leo núi dựng đứng. Một lần nọ tôi và anh đồng nghiệp dưới xuôi đi thôn 2 Trà Linh để làm về cây sâm. Mệt nhọc sau 2 ngày lăn lộn ở nơi đại ngàn heo hút cuối cùng cũng làm xong việc nên tranh thủ… hạ sơn. Trên đường về anh em đi lạc trong rừng hơn 3 tiếng đồng hồ. Trời thì mưa, đường dốc trơn trợt, vắt rừng bu hút máu nên ruột gan nóng sôi. Càng đi càng thấy rừng già hiện ra nên phải quay lại đường cũ. Khi đi qua khu rẫy, thấy được tuyến đường liên xã nhưng tìm mãi không có đường lội xuống. Hỏi anh thanh niên đang say rượu nằm ngủ trong chòi canh rẫy thì anh ta chỉ ậm ừ: Cứ tìm đi sẽ có đường xuống! May lúc đó, anh bạn tôi lục trong túi xách được gói kẹo, mang vào biếu và được anh thanh niên tận tình chỉ đường. Về đến trung tâm huyện, đêm đó anh đồng nghiệp bị sốt run người vì tắm nắng, ngâm mưa. Nhiều anh em đồng nghiệp lên Nam Trà My đều ớn lạnh bởi cái mệt, cái xa của đường núi.
Làm báo ở miền núi vất vả như vậy nhưng với tôi đi thôn, đi xã vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình tác nghiệp. Chúng tôi mang đến cho công chúng cái nhìn rất thực ở miền ngược. Ở đó có những câu chuyện hay, những sự kiện lạ đang đợi chúng tôi. Tuần trước, mấy anh em đồng nghiệp dưới xuôi gọi điện rủ tôi đi xã Trà Linh. Mùa này ở miền núi chiều nào cũng mưa, mà đường tới vùng sâm chỉ toàn đi bộ và leo núi. Lại tiếp một hành khúc gian nan nhưng nhiều hứng khởi.
HOÀNG THỌ