Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ VII (2012-2013): Chuyển biến về chất
Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam lần thứ VII (2012-2013) ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt, đặc biệt năm nay số lượng tác phẩm và tác giả dự giải vượt trội so với các mùa giải trước.
Trao thưởng các tác giả đoạt Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ VI - 2012. |
Tầm vóc của giải thưởng
Theo nhà báo Vũ Công Điền, nguyên Trưởng đại diện Báo ảnh Việt Nam (TTXVN) tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng không còn là giải thưởng báo chí của riêng giới làm báo Quảng Nam mà đã mang tầm vóc giải thưởng của cả nước. Giải thưởng vinh dự mang tên chí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng, bản thân nó đã có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của giới làm báo cả nước. Bên cạnh đó, sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm qua mỗi mùa giải càng khẳng định uy tín của giải thưởng này.
Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ VII chia làm 4 loại hình báo chí: báo hình, báo in, báo nói và ảnh báo chí. Ở mỗi thể loại, Ban giám khảo chọn ra 6 tác phẩm để trao giải, gồm 1 Nhất, 1 Nhì, 1 Ba và 3 giải Khuyến khích. Ở thể loại báo hình, tác phẩm “Cổ tích giữa đời thường” của nhóm tác giả Vinh Quang, Lan Uyên, Ngô Hòa (Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Nam - QRT) đoạt giải Nhất. Tác phẩm “Quản lý sử dụng đất: Những mảng màu sáng tối” của tác giả Trần Hữu Phúc (Báo Quảng Nam) giành giải Nhất. Thể loại báo nói, giải Nhất với ký sự “Theo bước chân người đi xa xứ” của tác giả Ngọc Kết (QRT). Về thể loại ảnh báo chí, giải Nhất của 2 tác giả Tấn Vũ, Đăng Nam với phóng sự ảnh “Sống trong ám ảnh động đất” (Báo Tuổi trẻ). Lễ trao thưởng sẽ diễn ra hôm nay 19.6 tại Trung tâm Báo chí tỉnh. |
Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm nay thu hút 153 tác phẩm của 88 tác giả tham gia dự giải, và đây cũng là mùa giải có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất từ trước đến nay (mùa giải lần thứ VI có 130 tác phẩm). Số lượng các cơ quan báo chí có tác phẩm dự giải thưởng cũng khá nhiều. Chất lượng các tác phẩm dự thi cũng có sự tiến bộ khá rõ nét so với các mùa giải trước, ở cả 4 loại hình báo chí: báo nói, báo hình, báo in và ảnh báo chí. Nhà báo Trương Công Định - Phó Tổng Biên tập báo Đà Nẵng (thành viên ban giám khảo), cho biết: “Qua số lượng, chất lượng tác phẩm và số lượng các cơ quan báo chí tham gia dự giải thưởng lần này, có thể khẳng định, Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng đã có sức hút mạnh mẽ đối với giới báo chí trong và ngoài tỉnh Quảng Nam. Ban tổ chức cần phát huy kết quả này và có kế hoạch để nâng giải lên tầm cao mới”.
Theo Ban giám khảo, hầu hết những vấn đề mang tính thời sự nổi bật trong năm qua của tỉnh được báo chí phản ánh với sự phong phú, đa dạng về đề tài, thể loại. Có những loạt bài nhiều kỳ được đầu tư công phu, nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm xã hội lớn của những người làm báo, do vậy có sự tác động lan tỏa trong đời sống xã hội. Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng – Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam chia sẻ, ngoài câu chuyện thời sự chung quanh sự cố thủy điện Sông Tranh 2 và động đất ở Bắc Trà My (có đến 24 tác phẩm báo in dự thi), những sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh cũng được báo chí quan tâm khai thác, phản ánh với nhiều tác phẩm có chất lượng. Hay như trên lĩnh vực kinh tế, các vấn đề về quản lý đất đai; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong bối cảnh suy giảm kinh tế, nhà ở cho công nhân... cũng được phản ánh đậm nét. Đặc biệt, nối tiếp giữa lịch sử và hiện tại, câu chuyện về công trình đại thủy nông Phú Ninh - niềm tự hào của quê hương đất Quảng tiếp tục được khai thác ở nhiều góc độ qua loạt bài “Phú Ninh - một thời và mãi mãi” đăng trên báo Công an TP.Đà Nẵng đã làm lay động người đọc với những hình ảnh, tâm tư của lớp người đi xây dựng công trình vĩ đại này.
Đậm hơi thở cuộc sống
Các tác phẩm đoạt giải năm nay phần lớn phản ánh những vấn đề thời sự, “điểm nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, nhiều tác phẩm “dự lường” được hiệu ứng xã hội cũng như “đón đầu” các dự thảo luật, chính sách của Nhà nước đã ra đời kịp thời. Tác giả Trần Hữu Phúc, giải Nhất với loạt bài “Quản lý sử dụng đất: Những mảng màu sáng tối” ở thể loại báo in cho biết, thời điểm bài viết ra đời cũng là lúc Quốc hội Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Đây cũng là khoảng thời gian tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 về biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường nên việc có được những số liệu cần thiết để thực hiện loạt bài cũng trở nên dễ dàng hơn.
Người dân Trà My lo lắng khi động đất liên tục xảy ra. (Trích phóng sự ảnh “Sống trong vùng động đất” - tác phẩm đoạt giải nhất ảnh báo chí lần thứ VII). Ảnh:Hồ Tấn Vũ. |
Với tác giả Hồ Tấn Vũ, giải Nhất ảnh báo chí với đề tài “Sống trong ám ảnh động đất” đăng trên báo Tuổi Trẻ, việc quan sát và trăn trở cùng đời sống của đồng bào vùng thượng nguồn Sông Tranh 2 đã cho anh cảm hứng để làm nên loạt phóng sự ảnh này. “Sau những bài viết phản ánh về sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 và hiện tượng động đất tại Bắc Trà My, chúng tôi nhận được sự chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Tuổi trẻ về việc thực hiện một câu chuyện bằng hình ảnh về cuộc sống của người dân nơi đây. Sẵn đang ấp ủ ý tưởng làm một phóng sự ảnh, chúng tôi bắt tay vào thực hiện. Việc kể lại một câu chuyện bằng hình ảnh khó hơn nhiều so với kể bằng ngòi bút. Sau nhiều ngày ăn ở cùng bà con, chúng tôi cũng đã ghi lại được những khoảnh khắc rất cảm động” - tác giả Hồ Tấn Vũ cho biết.
Mùa giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần VII khép lại, dư vị từ những tác phẩm báo chí đậm đặc hơi thở cuộc sống vẫn còn trong lòng người đọc. Hy vọng những năm sau giải sẽ còn tiếp tục đón nhận những tác phẩm “đắt”, mang lại hiệu ứng xã hội cao.
LÊ QUÂN