Trải nghiệm cùng Học kỳ quân đội
Từ những cậu bé, cô bé nhút nhát, chỉ sau một thời gian ngắn các em đã trở nên tự tin và năng động hẳn lên. Đó là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia chương trình Học kỳ quân đội.
|
Học viên Học kỳ quân đội trong “Một ngày làm chiến sĩ hải quân”. |
Đổi mới nội dung
Một trong những khâu quyết định việc thu hút học viên là ở chương trình và đội ngũ huấn luyện. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, thành viên thường trực Ban tổ chức, nét mới của chương trình năm nay chính là trang bị kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống, điều chỉnh những kỹ năng mềm cho sát nhu cầu của giới trẻ hiện nay. Chẳng hạn kỹ năng sinh hoạt nhóm, kỹ năng về phòng chống đuối nước hay cách ứng xử phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi... “Chương trình huấn luyện năm nay là sự tổng hợp từ những bài học phục vụ cho việc rèn luyện thân thể đến những bài học về giới tính, kỹ năng, kỹ xảo. Những bài học sôi nổi, hào hứng giúp các em càng say sưa trong học tập” - bà Thanh Phương nói.
Ngoài những ngày huấn luyện tập trung tại Trung đoàn 143, các chiến sĩ “nhí” còn được trải nghiệm thực tế “Một ngày làm chiến sĩ Hải quân” tại Lữ đoàn 161 (Vùng 3 Hải quân - Đà Nẵng). Các chiến sĩ Hải đội 314, Lữ đoàn 161 huấn luyện cho các em kỹ năng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, cách mặc áo phao đúng cách, kỹ thuật băng bó vết thương và tìm hiểu truyền thống tàu hải đội, truyền thống lực lượng Hải quân Việt Nam anh hùng. “Lần đầu tiên em được lên tàu Hải quân và tìm hiểu nhiều kỹ năng ứng phó khi gặp nạn trên biển. Một ngày trải nghiệm thật thú vị” - chiến sĩ “nhí” Alăng Thị Ngứp (Đông Giang) hồ hởi nói.
Trải nghiệm thú vị
Có những thứ lần đầu tiên những chiến sĩ “nhí” mới được học và thực hành như tháo lắp súng AK47, các tư thế vận động trên chiến trường, cách móc tăng võng, xếp nội vụ sao cho vuông vắn, học kỹ thuật băng bó cứu thương, tăng gia sản xuất để làm phong phú hơn bữa ăn…
Rèn kỹ năng vượt vật cản.Ảnh: QUANG QUỲNH |
Bắt đầu học làm Bộ đội Cụ Hồ, hai anh em bạn dì ruột Trương Lê Phước Khải và Thái Thế Kiện (Đà Nẵng) phải thay đổi một loạt thói quen: sống mà không có điện thoại, không internet; tập tác phong đi đứng nhẹ nhàng, không nói chuyện lúc ăn, để giày dép đúng nơi quy định; tập thể dục đều đặn, đúng giờ vào mỗi sáng... Ở nhà, ăn cơm có người bưng tận nơi, quần áo đã có máy giặt, chăn màn đã có người giúp việc thu dọn, các em chỉ việc ăn, học và chơi. Vì vậy, việc sống trong môi trường khắt khe và kỷ luật của quân đội đã khiến các em từ lạ lẫm đến bức bối, thậm chí giận hờn. Thế nhưng 10 ngày tham gia Học kỳ quân đội tuy ngắn ngủi nhưng đã khiến các em bản lĩnh, tự lập hơn. Gặp lại Phước Khải trong buổi lễ tổng kết, trông cậu bé có vẻ rắn rỏi hẳn. Khải chia sẻ: “Lần đầu xa ba mẹ, em thấy nhớ nhà và thương ba mẹ nhiều hơn. Em học được cách chia sẻ, chăm sóc bạn nữa”. Còn Thế Kiện hồ hởi khoe: “Tham gia khóa học này em cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Em học được nhiều điều từ môi trường quân ngũ như tính kỷ luật, tính tự lập, tinh thần đoàn kết và có thêm những người bạn mới đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Nếu được bố mẹ đồng ý, hè năm sau em sẽ tiếp tục đăng ký tham gia khóa học này”.
Gia đình cần tiếp sức
Chị Phi Long (Đà Nẵng) cho biết, năm trước, cậu con trai Trương Lê Phước Khải của mình đã hoạt bát, sống tình cảm và biết quan tâm đến gia đình nhiều hơn sau khi kết thúc khóa học trở về nhà. Do vậy, năm nay chị đăng ký cho con tiếp tục tham gia như một phần thưởng đã hứa từ đầu năm học. Song, không ít phụ huynh cho rằng, nếu gia đình không tiếp tục nuôi dưỡng, sự thay đổi ấy khó mà kéo dài. “Thời gian ngắn quá, bắt con thay đổi hoàn toàn là điều không tưởng, nếu gia đình không tiếp tục rèn luyện cho các cháu, có chăng đó chỉ là sự thay đổi tức thời” - chị Nguyễn Thị Thanh Phương bày tỏ.
Anh Lê Hữu Phước - Chính trị viên khóa huấn luyện nói: “Khóa huấn luyện chỉ là gợi mở cần thiết cho một quá trình thay đổi sẽ đến, gia đình và bản thân các em sẽ phải nỗ lực nhiều”. Báo cáo viên kỹ năng Trần Phiêu chia sẻ, Học kỳ quân đội không phải “chiếc đũa thần” để chỉ sau vài ngày có thể “hô biến” một bạn nhỏ loại bỏ hết thói quen chưa tốt để chỉ toàn làm những điều hay. “Gia đình nên đồng hành với con cái để khi con thay đổi tích cực mình khen ngợi, khuyến khích. Những thay đổi của các cháu khi trở về chỉ là bước ban đầu, quan trọng là phải được gia đình tiếp sức để nuôi dưỡng điều tốt đẹp ấy thành thói quen, thành nhân cách” - ông Phiêu nói.
QUANG QUỲNH