Dịch bệnh lở mồm long móng ở Nam Giang: Nguy cơ tái bùng phát

VĂN SỰ 18/06/2013 08:30

Nguy cơ tái bùng phát dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc ở Nam Giang là rất cao, vì tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng vắc xin đạt quá thấp.

Nỗ lực dập dịch

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, ngay sau khi tái bùng phát trên một số đàn gia súc ở xã Zuôih, bệnh LMLM tiếp tục lây lan đến xã Tà Pơ, huyện Nam Giang. Chỉ trong một thời gian ngắn, loại bệnh nguy hiểm này đã khiến ít nhất 37 con trâu, bò của nhiều hộ dân trên địa bàn thôn 2 và thôn Pà Păng (xã Tà Pơ) mắc bệnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ số gia súc mắc bệnh trên đều không được tiêm vắc xin phòng dịch LMLM theo định kỳ do ngành chuyên môn quy định. Gia súc không có khả năng miễn dịch, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, mầm bệnh của ổ dịch cũ hồi năm 2010 bùng phát và gây hại.

Khi vật nuôi bị nhiễm dịch, cần tổ chức nuôi nhốt để kìm hãm nguy cơ mầm bệnh phát tán. Ảnh: VĂN SỰ
Khi vật nuôi bị nhiễm dịch, cần tổ chức nuôi nhốt để kìm hãm nguy cơ mầm bệnh phát tán. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Lê Đắc Phú – Trưởng trạm Thú y Nam Giang cho biết, nhận được tin báo từ chính quyền xã Tà Pơ, lãnh đạo UBND huyện lập tức cử đoàn công tác về địa phương kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch. Theo đó, ngoài việc siết chặt khâu chốt chặn thì các đơn vị liên quan đã nghiêm cấm triệt để tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc và những sản phẩm từ gia súc tại vùng đang xảy ra dịch. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ngành thú y huyện Nam Giang đã cắt cử một nhóm cán bộ kỹ thuật túc trực thường xuyên ở xã Tà Pơ để hướng dẫn cho người chăn nuôi các phương pháp điều trị bệnh. Ông Phú nói: “Để kìm hãm nguy cơ mầm bệnh phát tán ra diện rộng, chúng tôi yêu cầu người dân tổ chức nuôi nhốt toàn bộ số gia súc bị nhiễm bệnh, tuyệt đối không được thả rông. Bên cạnh việc tiến hành tiêm một số loại thuốc kháng sinh, lực lượng thú y còn hỗ trợ dung dịch Biocid để các hộ dân thường xuyên rửa những vết lở loét trên cơ thể đàn vật nuôi bị mắc bệnh”.

Cũng theo ông Phú, ngoài việc tích cực vận động người chăn nuôi dùng vôi bột rắc quanh các dãy chuồng trại, trong vòng 3 tuần trở lại đây ngành thú y huyện đã đưa về xã Tà Pơ khoảng 50 lít hóa chất và nhiều loại máy bơm để thực hiện liên tục khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng. Ông Phú nói: “Gần một tháng nay nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh nên đến giờ này toàn bộ số gia súc bị bệnh LMLM gây hại ở xã Zuôih và Tà Pơ đã được điều trị khỏi bệnh. Những ngày qua, tại các địa phương trên địa bàn huyện Nam Giang không xuất hiện thêm ổ dịch bệnh nào mới”.

Chưa hết lo

Dù đã cơ bản khống chế được dịch bệnh LMLM nhưng ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi ở Nam Giang vẫn chưa hết lo. Bởi, nguy cơ mầm bệnh tái bùng phát trong thời gian tới là rất cao vì nhiều năm nay đợt nào tỷ lệ đàn gia súc được tiêm phòng vắc xin của huyện này cũng đạt thấp.

Ông Lê Đắc Phú cho biết: “Mặc dù hiện nay bệnh LMLM đã cơ bản được dập tắt nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cắt cử cán bộ kỹ thuật về đứng cánh tại các địa phương để theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình. Nếu phát hiện ổ dịch mới thì khẩn trương phối hợp với chính quyền cơ sở triển khai nhanh những biện pháp đối phó hiệu quả nhất, kiên quyết không để mầm bệnh phát tán ra diện rộng”.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến giữa tháng 6.2013 toàn huyện Nam Giang có tổng cộng 6.704 con trâu bò và 7.750 con heo. Là địa phương thuộc vùng khống chế dịch LMLM theo Chương trình mục tiêu quốc gia nên người chăn nuôi ở Nam Giang được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ lượng vắc xin để tiêm phòng bệnh này cho đàn gia súc. Vậy nhưng, thực tế cho thấy, trong đợt 1 vừa qua chỉ có 45% đàn trâu bò và 33% đàn heo ở địa phương được tiêm vắc xin phòng dịch LMLM. Ông Phú cho biết thêm: “Không riêng đợt 1 năm 2013 này, những năm qua đợt nào tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng vắc xin LMLM nói riêng và các loại bệnh nguy hiểm khác nói chung ở Nam Giang cũng đạt thấp. Nguyên nhân không phải do thiếu cán bộ thú y và khan hiếm nguồn vắc xin mà vì tập quán chăn nuôi của người dân”.

Theo ông Phú, lâu nay đại bộ phận người dân ở Nam Giang có tập quán nuôi thả rông gia súc trong rừng nên khi triển khai chiến dịch tiêm phòng đã gặp phải không ít khó khăn vì việc bắt và đưa vật nuôi đến địa điểm tiêm theo quy định là chuyện không dễ. Ông Phú nói: “Bò thả ăn trong rừng sâu, chính chủ của nó vây bắt nhiều ngày không được thì lực lượng thú y cũng đành chịu”. Ông Phú cho biết thêm, nhằm tăng khả năng miễn dịch cho đàn gia súc trước nguy cơ dịch bệnh LMLM tái bùng phát, hiện nay ngành thú y cùng chính quyền các địa phương ở Nam Giang đang tập trung rà soát lại tổng đàn và tích cực vận động người dân nuôi nhốt trâu, bò, heo để tổ chức đợt tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh với phương châm càng sớm càng tốt”.

VĂN SỰ

VĂN SỰ