Nỗi niềm chủ tịch xã “điểm”
Một bữa người bạn mời về dự ăn mừng nhà mới, tôi ngồi cạnh ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước (huyện Phú Ninh), nghe vài ba người nói “xóc” mời ông nâng ly, rằng chủ tịch xã điểm nông thôn mới đầu tiên của tỉnh thì phải uống mạnh vào, chắc tiền nhiều lắm nên chơi đi, rồi nước ngoài đi mấy chuyến, rồi… Đại khái là “ghen”.
1.Tôi hẹn ông, rằng có chi u uẩn thì bữa nào nói chơi, chỉ vậy thôi, bởi tôi đoán chuyện nông thôn mới làm điểm ở xã ông không hề đơn giản chút nào. Ông gật. Từ khi có thông tin Tam Phước được Trung ương chọn 1 trong 11 xã điểm làm nông thôn mới của cả nước đến giờ, tôi ngang qua xã này vài lần, đập vào mắt là…pa-nô, biểu ngữ nhiều hơn nơi khác. Nhưng tôi nghi lắm. Nông thôn Việt Nam tồn tại đã hàng ngàn năm, cho dù cơ cấu làng xã có biến động nhiều từ phong tục, cách làm ăn, tư duy về tiền, quan hệ cộng đồng, đạo đức, nhưng căn cốt nông dân với những nếp nghĩ cố cựu vừa dở vừa hay còn nguyên đó, đóng mác từ kẻ chân lấm tay bùn đến không ít vị áo mão cân đai ăn trên ngồi trước trong nếp nghĩ. Nông thôn mới hay cũ thì mảnh ruộng vẫn là chuyện bàn trước tiên, chi phối từ đồng tiền bát gạo đến suy tư. Ông Anh nói ngay rằng, chuyện đầu tiên là dồn điền đổi thửa. “Hồi mới phát động, các chủ tịch xã khác nói “mi dốc, đố làm được”. Nay đã làm được 2 thôn với 140ha. Tôi họp với bà con chỉ… 56 cuộc, giùng giằng miết nhưng rồi cũng đồng ý. Văn bản Trung ương “chơi chữ” rằng dồn điền đổi thửa là trên tinh thần tự nguyện hoán đổi. Dân không chịu, anh làm chi được họ? Thực chất dồn điển đổi thửa là tháo tung hết ra, làm lại, bốc thăm. Tôi yêu cầu thôn lập phương án, lên xã xem xét chứ không áp đặt. Họp thôn, kinh phí Trung ương lo. Kiện à? Không có mới lạ. Đang ruộng tốt, bốc thăm thành ruộng xấu, răng chịu được! Tôi nhận được 12 đơn kiện. Nếu cứ chiếu đúng câu chữ văn bản trung ương thì bị kỷ luật hết. Làm nông thôn mới là vận động từ nhà ra vườn rồi ra ruộng. Ruộng đã xong thì về nhà, làm công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà, di dời chuồng trâu bò xa nhà ở, cải tạo vườn tạp. Hạ tầng văn hóa xã hội cũng lắm chuyện đau đầu, từ chợ đến trạm y tế”.
Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước. Ảnh: TRUNG VIỆT |
“Năm trước anh đạt 18 tiêu chí, nay còn bao nhiêu?” – tôi hỏi. Ông Anh nói: “16, rớt vì căng ke lắm. An ninh trật tự, Trung ương nói rất đơn giản, là phải đảm bảo, còn văn bản quy định từ bộ về có 11 tiêu chí nhỏ, ví dụ không được xảy ra cháy nổ, thôi được rồi, nhưng cái câu “tình hình tệ nạn xã hội năm sau phải giảm hơn năm trước” không dễ chút mô. Năm này ví dụ là 15 vụ án, sang năm xuống còn 10, năm nữa còn 1, nhưng năm tiếp nó lên 2, tính sao? Nếu báo cáo láo, cấp trên không biết, nhưng thực tế tình hình phát sinh mới, ai chịu? Vừa rồi có 2 vụ, người từ Tam Kỳ lên gây ra. Rồi chuyện cái chợ, cũng không đạt tiêu chí. Quy định chợ phải ngăn nắp, sạch sẽ, phải có sạp, bàn bán thịt phải là bàn inox, rồi phòng chống cháy nổ. Chợ Cẩm Khê là chợ quê bao đời, kẻ bán người mua theo kiểu đã quen, nếu cứ chiếu như thế đánh giá thì chợ của cả tỉnh ni cũng không được nói chi xã tôi. Chợ quê mà cứ muốn y như siêu thị!”.
Có lần một đồng nghiệp nói với tôi, là chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp ở xã nông thôn mới, phải theo dõi kỹ, dễ báo cáo láo lắm. Tôi đã nghĩ chuyện này từ lâu. Nói thì dễ, nhưng cơ sở nào, nhà máy xí nghiệp cho là có đi, nhưng đào tạo nghề, quan trọng hơn là thu nhập công nghiệp có níu được nông dân không trả áo công nhân trở về với ruộng hay không? Ông Anh kể: “Có một ông đứng máy ở nhà máy gạch tuynen, lương 3 triệu/tháng. Ông đó nói với tôi là về làm dưa hấu thôi, 5 sào, làm 4 tháng, trừ hết chi phí, 2 vụ được 100 triệu đồng! Đấy, lợi hay không biết liền. Đi làm công nhân hết, ai làm nông nghiệp? Nghịch lý nhiều lắm. Tiêu chí thứ 12: 90% dân có lao động thường xuyên. Làm nông nghiệp, hết vụ thì nghỉ chứ thường xuyên cái chi? Sở NN&PTNT thì nói tiêu chí này phải chờ, bởi chưa có hướng dẫn. Rồi chuyện không đạt thôn văn hóa vì sinh con thứ 3, trạm y tế không đạt vì thiếu tầng hóa, trong khi xã không có tiền, tôi phải lôi tiền từ khai thác quỹ đất sang sửa chữa phòng ốc, chưa nói chuyện trạm y tế phải đạt chuẩn mới quốc gia phải có máy điện tim, siêu âm, tiền đâu mà mua, mua về lấy ai sử dụng, bác sĩ có muốn về xã đâu…”.
Chợ Cẩm Khê - theo ông Anh là không đạt, vì tiêu chí đưa ra quá cứng nhắc. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
2. Nông thôn mới, nghĩ cho cùng là cuộc vận động, dân vận lòng dân. Tiêu chí đặt ra để phấn đấu, là không sai, nhưng tiêu chí đừng gán với bệnh thành tích và quan trọng hơn, tiêu chí phải đi từ cơ sở thực tế, người soạn nó ra phải hiểu thực tế chứ không phải ngồi trên trời mà ban hành. Làm nông thôn mới là chạm vào cơ cấu làng xã cũ với bao điều đã đóng đinh trong từng ngôi nhà, thửa ruộng, đừng tưởng có văn bản, có tiền là xong. Ông Anh gật đầu với tôi rằng, hãy hiểu nông thôn để giúp chuyển biến, hiểu nỗi khổ của cán bộ cơ sở, các bộ ngành ra văn bản cứng lắm, anh em ở dưới khổ, mà người kiểm tra thì có chịu hiểu đâu, cứ barem sẵn mà soi, hớ ra là bắt bẻ. Nông thôn mới, cấm chuyện vi phạm xây nhà trái phép, hễ có ai phạm là báo cáo huyện ngay trong ngày! Đêm hôm người ta xây, mình có phải thần thánh đâu mà biết. Rồi chật chội, có nhu cầu nhà ở nhưng nghèo quá không có tiền, hàng xóm xúm lại giúp dựng nhà, nhìn đã thấy thương, vậy có dễ dàng ra lệnh dỡ được không? Cải tạo vườn tạp có 1.265 hộ được hỗ trợ với 4 tỷ đồng, nhưng đâu phải ai cũng làm tốt đâu, bèn bị phê là không hiệu quả... Làm chủ tịch xã nhưng cũng là người trong làng trong xã chứ phải ngoài hành tinh, đâu phải lúc nào cũng quy định, văn bản, lệnh này lệnh kia.
Nông thôn mới, nghĩ cho cùng là cuộc vận động, dân vận lòng dân. Tiêu chí đặt ra để phấn đấu, là không sai, nhưng tiêu chí đừng gán với bệnh thành tích và quan trọng hơn, tiêu chí phải đi từ cơ sở thực tế… |
Tôi hỏi ông: “Bây giờ, muốn làm cái gì cũng phải có tiền, xã điểm thì nhiều tiền hơn, vậy từ ngày làm chủ tịch xã điểm, lương anh có tăng không? tiền nhiều mệt hay sướng?”. Ông Anh lại thở dài nhưng suốt đầu buổi nói chuyện đến giờ, mắt thoáng đỏ: “Anh là người đầu tiên hỏi tôi câu đó, từ lúc làm nông thôn mới đến giờ, bình thường, công việc đã ngập đầu, làm nông thôn mới kiêm thêm chức trưởng ban quản lý dự án, khổ không chi bằng. Hàng chục tỷ đồng đưa về, cái đích cuối cùng là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, làm không kỹ, không trúng là bị kiểm tra ngay. Có làm thì có sai, kỷ luật thì tôi chịu, nhưng sợ nhất là điều tiếng với bà con, mình mà sai thì nói ai nghe, cho nên tôi chắc rằng nhiều chủ tịch nông thôn mới như tôi rồi sẽ không dám làm nhiều đâu. Đi suốt. Họp từ thôn đến Trung ương. Thứ Bảy, Chủ nhật không nghỉ, mà lương có tăng đồng nào đâu. Đừng tưởng có tiền nhiều là sướng. Anh nói đúng đấy, người ta nhìn vào thấy đống tiền, nghĩ này nọ, nhưng tôi kể anh nghe, có 4 ông trưởng thôn rất khá đã xin nghỉ rồi, vì việc nhiều quá nhưng tiền lương thì quá ít”.
Tôi nói với ông rằng, tình cảnh này y như là bỗng nhiên đang nghèo rớt mà trúng số bạc tỷ. Kẻ biết tính toán, bỗng nhiên thấy rối bời, làm sao cho số tiền trời cho kia hiệu quả, lo đêm ngày giữ không khéo bốc hơi bậy bạ, còn người không lo nghĩ thì mai này mốt nọ là sạch sành sanh, của thiên trả địa. Nhưng nói thế cũng chưa sát sườn lắm, bởi ở đây là nặng cái danh chứ không phải là tiền. Cái danh đâu phải của riêng Tam Phước mà là của cả tỉnh, y như sắp hàng ra tập võ, mình là người khá nhất được chọn ra tập rồi làm mẫu, học hỏi cho cả nhóm, làm bậy bạ, thiên hạ cười cho. Ôi thôi, quanh đi quẩn lại ở đời con người ta khổ tiền bạc, ăn uống thì ít, mà vì chức phận, danh dự thì nhiều, như ngày xưa Nguyễn Công Trứ vật vã vì cái danh, dẫu rằng cả đời Tồn Chất tiên sinh lên bờ xuống ruộng cũng nhiều. Lắm người khi ngồi trên đống tiền thì danh dự như là thứ chưa từng nghe, đến khi ngã ngựa, tiền trở thành thứ bạc như vôi, thấm đòn mới tỉnh ra, lúc đó muốn có vài ba tỷ để mua danh cũng không có, mà đó là thứ có mua bán được đâu… Vừa bước ra khỏi phòng chủ tịch, một chị nhân viên văn phòng cười tôi rằng, chờ anh nói chuyện cho xong mà từ sáng đến chừ mới rồi, có việc muốn trình chủ tịch…
Ghi chép của LÊ TRUNG VIỆT