50 năm “bông hồng” đầu tiên bay vào vũ trụ
Hôm nay (16.6), nước Nga hân hoan mừng lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện Valentina Tereshkova trở thành nữ phi công đầu tiên của nhân loại bay vào vũ trụ.
VALENTINA Tereshkova sinh năm 1937 tại ngôi làng nhỏ Maslennikovo thuộc vùng Iaroslavsk của “xứ sở bạch dương”. Tuy cuộc sống gia đình rất khó khăn, phải bỏ học sớm để làm việc nhưng cô gái trẻ, khỏe mạnh và xinh đẹp Tereshkova vẫn không từ bỏ niềm đam mê đặc biệt của mình là bầu trời. Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, không bao giờ Tereshkova vắng mặt trong các buổi luyện tập tại Câu lạc bộ Hàng không địa phương. Ở tuổi 25, Tereshkova được tuyển thẳng vào trường Đào tạo Phi công vũ trụ. Chỉ một năm sau đó, vào ngày 16.6.1963, Tereshkova lên tàu Vostok-6 được phóng vào vũ trụ từ sân bay Baikonua. Bà đã du hành 48 vòng quanh trái đất với tổng chặng đường 2 triệu ki lô mét và hạ cánh an toàn sau 70 giờ 41 phút. Công việc của bà là tiếp tục việc ghi lại nhật ký chuyến bay và chụp ảnh đường chân trời, sau được dùng để phân biệt các tầng khí trong bầu khí quyển.
Valentina Tereshkova. |
Hơn 40 năm sau, tức là tháng 3.2007, được phép của cấp trên, Tereshkova mới cho biết toàn bộ sự thật về sự cố của con tàu Vostok-6 lúc đó. Đáng lẽ, sau khi kết thúc vòng bay cuối cùng, tàu vũ trụ Vostok-6 phải bay tiến tới gần trái đất. Nhưng, thực tế diễn ra ngược lại: Sau mỗi vòng bay, con tàu lại càng rời xa trái đất hơn. Ngay lập tức, Tereshkova báo cáo sự cố đặc biệt này với Tổng công trình sư Korolev. Tại Trung tâm chỉ huy mặt đất, kíp chỉ huy toát mồ hôi vì lo lắng. Mọi biện pháp xử lý đều được khẩn trương áp dụng để cứu con tàu… Cuối cùng, sau những cố gắng không mệt mỏi và liên tục, đến ngày thứ hai kể từ khi sự cố xảy ra, các lệnh điều khiển mới có tác dụng. Quỹ đạo bay của tàu được điều chỉnh lại đúng theo yêu cầu.
Sau chuyến bay lịch sử vào vũ trụ, Tereshkova tiếp tục nghiên cứu khoa học kỹ thuật, là tác giả của hơn 50 công trình khoa học, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học kỹ thuật, trở thành giáo sư Học viện Kỹ thuật N.E.Zhykovsky và mang quân hàm Thiếu tướng. Gần nửa thế kỷ hoạt động khoa học và vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc, bà còn được phong tặng hàng chục danh hiệu danh dự và huân chương cao quý của Liên Xô và các nước anh em, trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam (1971).
Sau Valentina Tereshkova đến nay có hàng chục nữ phi hành gia khác trên khắp thế giới cũng lần lượt sánh vai với các đông nghiệp nam để bay vào không gian. Trong đó, nổi bật như Sally Kristen Ride. Bà là nhà vật lý người Mỹ và nhà du hành vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Ngày 18.6.1983, bà trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên và phụ nữ trẻ nhất đến thời điểm đó bay vào không gian, trong phi hành đoàn của tàu con thoi Challenger trên chuyến bay STS-7. Tổng cộng, bà bay trong không gian hơn 343 giờ. Năm 1987, bà rời NASA để tới làm việc ở Trung tâm An ninh và kiểm soát vũ khí quốc tế thuộc Đại học Stanford và qua đời vào năm 2012, thọ 61 tuổi. Nữ phi hành gia khác là Yi So-yeon (sinh năm 1978), nhà khoa học tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc. Ngày 8.4.2008, cô trở thành người Hàn Quốc đầu tiên và người phụ nữ châu Á thứ 2 bay vào vũ trụ, khi bay cùng 2 nhà du hành người Nga trên con tàu Soyuz TMA-12…
Với Valentina Tereshkova, tình yêu bầu trời của bà vẫn luôn cháy bỏng. Năm nay đã gần 80 tuổi, Valentina vẫn mơ ước một ngày nào đó sẽ được bay lên… Sao Hỏa!
NAM VIỆT