Hiến máu là hành động cao cả

VINH ANH 14/06/2013 08:17

Hôm nay 14.6, tại huyện Duy Xuyên, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh tổ chức lễ tôn vinh 100 cá nhân tiêu biểu trong phong trào HMTN trên toàn tỉnh. Nhân sự kiện này, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh cho biết:

Ông Trương Văn Mười.
Ông Trương Văn Mười.

Quảng Nam là tỉnh có phong trào HMTN khá mạnh, thường xuyên được trung ương khen thưởng, đánh giá cao. Nhiều năm qua, Quảng Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu máu tại chỗ mà còn cung cấp máu cho các tỉnh, thành phố khác như Huế, Đà Nẵng… Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Núi Thành đã có những phương tiện hiện đại phục vụ tốt cho việc sàng lọc, kiểm tra, lưu trữ máu. Đặc biệt, Hội Chữ thập đỏ của 18/18 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động HMTN do một Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ làm Phó ban Thường trực, Giám đốc Trung tâm Y tế làm Phó ban. Các xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện đồng bằng, 2 huyện trung du miền núi cũng đều có Ban Chỉ đạo vận động HMTN cấp xã.

Ngoài ra, tại Quảng Nam hiện có một phong trào rất mạnh, đó là “Ngân hàng máu sống”. Đến nay đã có 4 Đội hiến máu dự bị và 7 Ngân hàng máu sống gồm: TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành và các đơn vị trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, Công an tỉnh, với tổng số thành viên 700 người. Đồng thời phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh khai trương Ngân hàng máu online tại địa chỉ “nganhangmausong.tk”, hiện đã có khoảng 2.000 người đăng ký.

- PV: Việc tuyên truyền, vận động người dân về hiến máu là rất quan trọng, vậy Ban Chỉ đạo vận động HMTN của tỉnh đã thực hiện công tác này như thế nào?

Năm 2012, toàn tỉnh tiếp nhận được 7.208 đơn vị máu (đạt 111,11% so với chỉ tiêu năm 2011). Riêng từ tháng 11.2012 đến nay đã thu nhận được 5.453 đơn vị máu (đạt 122% so với cùng kỳ).

Mục tiêu của công tác tuyên truyền là để cho người hiến máu hiểu được hiến máu là vấn đề nhân đạo và vấn đề xã hội, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với người với nhau. Bởi, người nhận không chỉ có nhận máu mà còn nhận một sự truyền cảm. Xét về mặt kỹ thuật, việc hiến máu rất có lợi cho sức khỏe. Thời gian đến Quảng Nam cố gắng nâng tỷ lệ số người hiến máu trong toàn dân, cho nên vấn đề tuyên truyền ở đây rất quan trọng. Trước tiên là tuyên truyền hưởng ứng hiến máu, thứ hai là nâng cao chất lượng máu.

Hàng năm, những sự kiện liên quan đến hoạt động HMTN như “Lễ hội xuân hồng”, “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”, “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu”... được tổ chức quay vòng ở các địa phương. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tác động đến nhiều người. Ngoài ra, vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng là rất quan trọng, trong đó có báo đài cùng tham gia để tuyên truyền cho phong trào này. Bên cạnh đó là sự hưởng ứng của các cơ quan ban ngành khi đưa nội dung HMTN vào tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên và người dân hiểu được lợi ích của việc hiến máu. Chúng tôi cho rằng, người lãnh đạo cơ quan phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức về việc hiến máu; bởi, thông điệp của hiến máu bắt đầu từ những nhà quản lý.

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện.   Ảnh: VINH ANH
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: VINH ANH

- PV: Việc tôn vinh những người HMTN hàng năm được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Hiến máu chính là hành động cao cả. Người hiến máu còn được xem là người hùng. Vì vậy, tôn vinh nhằm nêu gương, đánh giá công nhận về nghĩa cử, hành động cao cả của họ, qua đó tác động đến mọi người, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc hiến máu. Những người được tôn vinh là những người tiêu biểu nhất, có nhiều lần hiến máu. Tuy nhiên cũng theo từng năm mà chúng tôi xét chọn, có những người năm trước tuyên dương rồi thì năm nay dành cho người khác có thành tích tương đương. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh  còn tuyên dương gia đình hiến máu tiêu biểu, cơ quan tiêu biểu có số lượng người hiến máu cao… Năm nay, ngoài tôn vinh, chúng tôi còn tổ chức đưa 100 cá nhân tiêu biểu đi tham quan một số địa điểm trong tỉnh.

- PV: Ông có thể chia sẻ về những khó khăn hiện tại cũng như định hướng đối với hoạt động HMTN trong thời gian đến?

Khó khăn nhất hiện nay là Quảng Nam vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách đảm nhận công tác HMTN. Thành viên Ban Chỉ đạo vận động HMTN đều làm công tác kiêm nhiệm nên việc điều hành, quản lý chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Trong khi đó, phương tiện phục vụ cho việc hiến máu chưa được hiện đại.

Hiến máu nhân đạo là một trong 7 hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nhưng hiện nay hội chỉ đóng vai trò vận động tuyên truyền, còn việc tiếp nhận, quản lý và chuyển giao máu là của ngành y tế. Do đó, sắp tới Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ dần hình thành, xây dựng Trung tâm Truyền máu trực thuộc hội, phấn đấu thu gom máu đủ và vượt 2% số dân trong tỉnh chuyển cho các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, hội tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ, nâng cao năng lực hoạt động của hội. Đó cũng là yếu tố then chốt trong vận động HMTN của tỉnh.

- PV: Xin cám ơn ông!

VINH ANH

VINH ANH