Nỗi niềm của “tri đề”

HỮU DŨNG 13/06/2013 08:48

Theo kinh nghiệm sản xuất của bà con nông dân “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, rõ ràng, nước tưới bao giờ cũng là yếu tố thành bại trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt cây lúa - cây lương thực chính của mỗi gia đình. Tuy nhiên, để có dòng nước vào đồng ruộng thì không thể thiếu bóng dáng các thủy nông viên hay còn gọi tri đề. Đây là lực lượng nòng cốt mang quả ngọt, trái sai cho mỗi mùa vụ.

Công bằng mà nói, hợp tác xã nông nghiệp làm ăn có hiệu quả thì đội ngũ thủy nông viên có thu nhập tạm ổn. Họ gắn bó với công việc thường xuyên bám ruộng, bám đồng, mặc đứng trưa, hay đêm hôm khuya khoắt theo con nước vào đồng. Còn ngược lại, hợp tác xã nông nghiệp làm ăn kém hiệu quả thì thu nhập của thủy nông viên không đảm bảo. Trong khi đó công việc của họ khá vất vả. Đến mùa vụ thì theo dõi lịch của trạm mà lội đồng đưa nước vào ruộng, áp vụ thì dọn kênh mương, be bờ, dọn cống, đắp máng để tránh rò rỉ lãng phí nước. Thế nhưng hiện nay chế độ thù lao của tri đề vẫn còn thấp. Theo điều tra thủy nông cơ sở của Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn năm 2012, bình quân mỗi vụ (vụ 4 tháng), mỗi tri đề thu nhập 3 triệu đồng, như vậy mỗi tháng dưới 1 triệu đồng.

Do thu nhập thấp nên nghề thủy nông viên không mấy mặn mà với nông dân. Đến mùa vụ, một số hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương thiếu tri đề. Tình trạng này kéo theo hệ lụy là mạnh ai nấy trổ nước để kịp xuống giống. Đó là những trường hợp ruộng ở đầu kênh, còn không may có ruộng cuối kênh thì việc sản xuất thật gian nan. Phát xuất từ nguồn nước vô chủ này mà tình làng nghĩa xóm bị rạn nứt. Vì thiếu tri đề, công nhân viên ở các trạm bơm thuộc Chi nhánh Thủy Lợi Điện Bàn vừa trực máy, vừa mang cuốc đi dọc các tuyến kênh làm thay thủy nông viên để phục vụ nước tưới cho nông dân.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ các hợp tác xã nông nghiệp ở mỗi địa phương cần có chính sách đãi ngộ cho tri đề như cần cụ thể phân phối thu nhập của thủy nông viên qua việc thu phí nội đồng; cần có nguồn kinh phí phù hợp dành cho các cụm thủy nông để chi phí cho các cuộc họp bàn công tác phối hợp phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cần dành kinh phí cho việc học tập, tập huấn chuyên môn cho lực lượng thủy nông cơ sở, có chế độ khen thưởng thành tích với thủy nông cơ sở, tặng quà các dịp lễ, tết để động viên khích lệ tinh thần đối với thủy nông viên. Có như thế mới mong thu hút nông dân đến với công việc tri đề, đưa dòng nước mát lành cho ruộng đồng, đồng thời đem niềm vui cho những nông hộ thiếu lao động có ruộng cuối kênh  không còn cảnh ngồi bờ trông nước để xuống giống cho kịp thời vụ.

HỮU DŨNG

HỮU DŨNG