Phát triển toàn diện con người

HÀN GIANG - VINH ANH 12/06/2013 08:08

Quan tâm góp ý vào các nội dung liên quan đến giáo dục được hiến định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo), nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện cho mọi người được học tập, phát huy tài năng và năng lực phục vụ đất nước.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Tuổi trẻ Quảng Nam mong muốn được tạo các điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ.Ảnh: H.GIANG
Tuổi trẻ Quảng Nam mong muốn được tạo các điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ.Ảnh: H.GIANG

Khẳng định mục tiêu vì con người

Gửi ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo bằng văn bản đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ông Lương Văn Hận (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) bày tỏ: “Tôi rất hoan nghênh và tán thành các nội dung được hiến định trong Dự thảo lần này. Tuy nhiên, theo tôi, tại chương II của Dự thảo nên chăng cần nghiên cứu kỹ hơn để có thể gộp các Điều 21, 34 và 42 thành một điều mới cho tập trung, đầy đủ và súc tích hơn nhưng không làm mất đi nội hàm là khẳng định quyền con người, quyền của công dân như đã hiến định”.

Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36)

1. Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

2. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.

3. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp.

Ông Phạm Văn Chương - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thăng Bình cho rằng, tại Điều 42 của Dự thảo hiến định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” là chưa cụ thể, chưa khẳng định tầm quan trọng của việc học. Vấn đề học tập không bao gồm nghĩa vụ phải học tập có tính chất bắt buộc, mà là được học, được tạo điều kiện, có môi trường sư phạm tốt nhất để học tập nhằm nâng cao dân trí và phát triển toàn diện thể chất. “Dự thảo cần quy định rõ hơn nội hàm của “nghĩa vụ học tập” cũng như thể hiện cụ thể trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng xã hội và gia đình đối với sự nghiệp giáo dục. Trong đó, đặc biệt quan tâm và ưu tiên giáo dục cho thế hệ trẻ; vì họ chính và vốn quý, là nguồn lực của đất nước, là vận mệnh của dân tộc trong tương lai. Quan tâm sâu sắc đến vấn đề giáo dục chính là góp phần khẳng định mục tiêu vì con người, hướng đến sự phát triển toàn diện con người của Nhà nước ta” - ông Chương nói.

Trọng dụng người tài

Tham gia góp ý Dự thảo, liên quan đến Chương III (kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường), Thạc sĩ Nguyễn Bá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, tại Khoản 3, Điều 66 viết “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng…” như vậy là chưa sát. Theo ông Nghĩa, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng thì quả là rất khó. Vì thực tế không phải ai được học tập cũng có thể phát triển thành tài năng. Tạo điều kiện học tập ở đây là sự quan tâm chung của Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với sự học, hướng đến một nền dân trí ngày càng tiến bộ. Vì vậy nên thêm một ý là “và tạo điều kiện để những người tiềm năng” trước cụm từ “để phát triển tài năng”. Vế câu này viết lại là “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập và tạo điều kiện để những người tiềm năng phát triển thành tài năng”. “Chúng ta phải quan tâm, chú trọng đến khâu đầu tư chuyên sâu cho sự nghiệp giáo dục nhằm đào tạo, bồi dưỡng cũng như trọng dụng nhân lực, người tài cho đất nước”- ông Nghĩa nói.

Anh Trà Tiến Tài - Bí thư Huyện Đoàn Nông Sơn cũng cho rằng, xu hướng hội nhập và phát triển đang đặt ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nhưng muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao hay có người tài đứng ra phụng sự đất nước thì ta phải biết phát hiện, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng phù hợp. Trong đó, khâu phát hiện là yếu tố quan trọng, là tiền đề cho việc bồi dưỡng, sử dụng tài năng. Hiện nay các khâu từ phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đến sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh người tài đều chưa được cụ thể hóa bằng những văn bản pháp lý. “Theo tôi, nên chăng trong Hiến pháp sửa đổi lần này cần bổ sung thêm điều khoản quy định về công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, trong đó có tài năng trẻ, cán bộ trẻ. Có như vậy, các địa phương, đơn vị mới thay đổi được tư duy trong bố trí, quy hoạch cán bộ trẻ” - anh Tài góp ý.

HÀN GIANG - VINH ANH

HÀN GIANG - VINH ANH