Thu Bồn, khát vọng và nỗi đau

HỒ DUY LỆ 09/06/2013 07:52

Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh tại xã Điện Thắng (Điện Bàn). Trong “Tự bạch”, ông viết: “Nhà thơ nói với nhân loại rằng ta vắt óc hòa với máu tim ta để làm nên những vần thơ cho đời”. Và những vần thơ ông để lại đã “bắt nguồn” từ bao nhiêu gian khổ của chiến trường…

Khi ở chiến khu, nhà thơ Thu Bồn những lúc không được đi thực tế thì thường được… phân công trực giữ rẫy hoặc làm nhà. Có lần, trực ở nhà một mình, anh làm được nhà sàn “2 tầng” rất đẹp cho cơ quan. Phân làm thịt heo cũng rất nhanh. Ông cũng chịu khó gùi cõng.

Theo nhà văn Nguyễn Chí Trung, năm 1963, trong lần chi bộ cơ quan Quân khu bộ họp bàn việc chống đói, Nguyễn Chí Trung hỏi Bí thư chi bộ Chữ: “Gia tài chi bộ mình còn gì?”. “Hết sạch. Chỉ còn 2 sải vải đen”. “Thôi đưa cho mấy đứa tui”.

Nguyễn Chí Trung đem 2 sải vải đen đi xuống phía Trà Phong đổi được một cõng quế rồi gùi xuống vùng giáp ranh Tứ Mỹ chờ dân vùng sâu lên. Họ lấy cân ra cân và tuyên bố 40 ký đổi một thùng mắm cái. Nguyễn Chí Trung cõng thùng mắm cái về nóc ông Neo, đổi lấy một gùi bắp.

Già làng Neo, người cao lớn, có sải tay dài nhất làng. Đơn vị tính “một sải tay” ở làng này có nghĩa là tính theo sải tay của già Neo. Còn một gùi sắn có nghĩa là một gùi sắn của người khỏe nhất cơ quan. Người trong nóc bỏ sắn vào gùi, không cần biết là bao nhiêu ký, miễn là người được cử đi đổi được gùi sắn, đứng thẳng dậy và bước ra khỏi làng. Mỗi lần đi đổi như thế, Thu Bồn bảo Nguyễn Chí Trung vào làng một mình. Nguyễn Chí Trung kê gùi lên trên một hòn đá, đề nghị đồng bào bỏ sắn cho đầy. Nguyễn Chí Trung ráng hết sức luồn hai tay vào dây gùi rồi cố gắng thẳng lưng đứng dậy, bước ra khỏi làng 300 thước thì gặp Thu Bồn và Nguyên Ngọc đã ngồi chờ sẵn. Ba nhà văn chia gùi sắn ra làm ba, gùi về đến cơ quan thì xóc lại củ to củ nhỏ cho đều rồi chia làm hai. Một gùi đem ra đường dây chờ các đoàn bộ đội từ miền Bắc vào, đổi được một vài sải vải; một gùi để lại cho cơ quan ăn chống đói. Những lúc ấy Thu Bồn cười rất tươi, nói: “Lẽ ra, một sải vải phải đổi được một gùi sắn và một ống rượu đoác”.
Đầu năm 1964, Thu Bồn hai lần vượt Cổng Trời và dốc 1001, áp tải chiếc máy in và các loại chữ in, phụ tùng nặng hơn 10 tấn của miền Bắc chi viện, đưa về căn cứ của Quân khu V. Một thời gian gùi nặng, vất vả, Thu Bồn đen gầy. Nhưng hễ ông xách súng đi là có chim, chồn, mang về “cải thiện”.

Từ A7 - căn cứ của Khu ủy V - Thu Bồn đi Bắc Quảng Đà. Đến đỉnh dốc Ô Rây, đồng bằng Quảng Nam - Đà Nẵng hiện ra như một sa bàn. Ngay trên đỉnh dốc Ô Rây có một nấm mồ của anh hùng Võ Như Hưng - dũng sỹ Điện Ngọc, người đầu tiên bắt sống 2 tên cố vấn Mỹ tại Nam Thành. Thu Bồn tìm đến đơn vị của Hiền, người đội trưởng của 7 dũng sĩ Điện Ngọc. Đêm nằm, Thu Bồn nghe Hiền tâm sự. Lê Thị Tính - cô xã đội trưởng Điện Hòa, nhà bên cạnh chợ Đông Quang gần đường sắt và đồn Bàu Sấu - là người yêu của Hiền. Lê Thị Tính đào hầm bí mật tóc vướng rễ tre rụng gần hết. Từ cảm xúc qua câu chuyện của Hiền, Thu Bồn có bài thơ “Chiếc hầm bí mật”:

Chiếc hầm bí mật của tôi

Những ngày trứng nước vành môi đất lành

…Những người đồng chí không tên

Miếng cơm, manh áo... ngày đêm tận tình

Giữ hầm, mẹ đã hy sinh

Từng tia máu nhuộm bình minh chân trời.

 Thu Bồn đi, về thảo nguyên Gia Rai, đến làng Đe-pa-pờ-lếch, ghi vào sổ tay: “Tôi không thể nào quên được em bé đốt nứa và ngồi giữ lửa cho tôi viết suốt đêm “Trường ca chim Chơ rao” trong chòi rẫy. Củi nứa cháy rất sáng nhưng cũng hay nổ nếu đập chưa dập, thỉnh thoảng tôi lại giật mình vì tiếng nổ. Đặc biệt, nứa cũng chóng tàn vì khi cháy nó biến thành một thứ tơ như lông mèo, làm lụi ngọn lửa, rất khó thổi cho nó cháy bùng trở lại. Trong thời gian ấy, tôi cố giữ ngọn lửa cảm hứng của tôi cháy mãi, vì nếu như không hoàn thành được bản trường ca vào dịp đó thì suốt đời tôi phải ân hận vì chẳng còn lúc nào tôi có thể viết lại được. Tháng năm trôi đi, những cái lông mèo trong cuộc sống sẽ làm tắt ngọn lửa cảm hứng của tôi…

Đêm tháng bảy trời sao yên tĩnh

Tiếng lá rơi gõ nhẹ trước hiên thềm

Mỗi trận gió lùa vào song sắt

Có tiếng thở dài người lính gác đêm...

(168).

 Chim Chơ rao ơi ! Chào chim nhé

Con chim không bao giờ chịu lẻ đàn

Chim hãy đến rẫy rừng ta ca hát

Đem buồn vui đến nóc buôn Sang...

(trích)

“Trường ca chim Chơ rao” dài 233 câu, đoạt giải Bông sen vàng đại hội các nhà văn Á Phi năm 1964.

Thu Bồn lại ghi vào sổ tay: “Cô bé Ba Na có cái tên Hia ấy luôn ngơ ngác và sáng trong nhìn tôi trong cái đêm ấy có bao giờ đọc được bản trường ca tôi viết ra dưới ánh sáng của ngọn lửa từ trong tay cô không? Tôi cảm thấy bùi ngùi”.

Năm 1964, Thu Bồn rời Quảng Đà, đi về Quảng Nam. Suốt một đêm lội trong nước lụt, băng qua đường và ấp chiến lược ngay cổng đồn Bà Dụ (có cầu Bà Dụ), vượt hai con sông, Thu Bồn đến xã Kỳ Anh. Nước lụt làm bao nhiêu hầm bí mật và địa đạo bị ngập. Giặc lợi dụng trận lụt, càn lớn. Ông phải nằm trên cạn, quần với địch suốt ngày mới thấm thía thế nào là lòng dân, và có lòng dân thì cái công sự ngầm của Thu Bồn không mất. Anh giao liên dẫn Thu Bồn chui qua mấy ấp chiến lược Kỳ Mỹ để trở về cứ, lúc bấy giờ đóng tận trên bờ sông Tranh - Trà My. Cả hai lội trong nước ngập tới ngực, thỉnh thoảng anh giao liên quay lại nói thầm với Thu Bồn: “Mìn, mìn, vòng chỗ khác”. Sau một đêm mệt nhoài, Thu Bồn hỏi:

- Anh đi con đường này bao nhiêu lần rồi?

- Chừng hơn trăm lần - anh giao liên đáp.

- Trời ơi! Tôi đi mới một đêm mà giờ bị cảm ho và cả người như muốn vắt ra nước, mà sao anh vẫn như không?

- Chính vì tôi đi hàng trăm lần nên nó không còn gian khổ nữa.

- Anh khéo nói - Thu Bồn bảo - Gian khổ là gian khổ chứ có phải quen mà gọi là không gian khổ ác liệt đâu.

- Vâng - anh giao liên cười nheo mắt - Đúng gian khổ là gian khổ, nhưng cái thước đo lại thuộc về chính mỗi người.

Được đi thực tế trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, Thu Bồn theo một cánh quân vào mặt trận Đà Nẵng. Bám theo bộ đội đang chống địch phản kích ở Gò Nổi, Thu Bồn nghe tin chị Tính bị địch bắt, xẻo vú, cắt tai và lột trần truồng bêu xác giữa chợ Vĩnh Điện. Người nóng ran, vài giờ sau, Thu Bồn viết xong bài thơ “Đà Nẵng gọi ta”:

Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con

Như người yêu gọi người yêu xa cách

Ta muốn nói với từng viên gạch…

Nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) lấy bài thơ đến nhờ Trần Văn Anh phụ trách báo Giải phóng Quảng Đà chuyển gấp cho bộ phận tiền phương nhà in báo đang đóng ở Tư Phú - Gò Nổi, in thành nhiều bản. Và sau một tiếng đồng hồ, bài thơ đã đến tận tay các chiến sĩ Tiểu đoàn R20-mũi quân sự chủ yếu đang tiến vào Bộ chỉ huy Quân đoàn 1 Sài Gòn, bên bờ sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Hầu hết chiến sĩ đi đầu trong mũi tiến công vào Quân đoàn 1 đều hy sinh khi vượt qua sông Cẩm Lệ, trong đó có 2 Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà là Mai Đăng Chơn và Nguyễn Hữu Đức (Đinh Châu). Nghe tin, quá đau đớn, Thu Bồn lặng người. Khóc. Rút theo bộ đội về căn cứ trên núi. Đang đói, nghe bên Tiểu ban văn nghệ cũng đang rất đói, Thu Bồn viết thư thăm nhà văn Chu Cẩm Phong:

Phong ơi!

Mình nghe tin lão đói

Nhưng biết nói gì đây

Rừng thì lắm lá cây

Biết lấy gì gửi bạn

Gửi lòng yêu vô hạn

Trong vần thơ tươi xanh

Thôi thúc chân dồn bước

Trên đường dài đi nhanh…

Đêm đó, tức là đêm 28.11.1968, đang ở khu A9, Chu Cẩm Phong thức viết truyện ngắn “Rét lộc”. Hai hôm sau thì cơ quan dời về A7.

Sau Mậu Thân, bước qua năm 1969 là cao điểm “3 Đ”: địch – đói - đau. Phải lùi về phía sau củng cố lực lượng, nhớ Bác Hồ, Thu Bồn viết “Gửi lòng con đến cùng cha”:

Tiếc rằng trước lúc chia ly

Con chưa được thấy dáng đi của Người

Hẳn trong đôi mắt sáng ngời

Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam

Con qua Cẩm Lệ, sông Hàn

 Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha...

Con xin làm nắm đất hồng

Chân đê giữ nước sông Hồng đang lên

Cho con làm một mũi tên

Xòe năm cánh nhọn giương trên Thành Đồng…

Năm 1971, khi đang ở chiến trường khu V đầy bom đạn, chất độc hóa học, thương vợ yếu gầy, yêu con lúc nào cũng đói không biết tìm đâu ra cái bánh, cây kẹo cho con thơ, Thu Bồn nhận được cái “phiếu xét nghiệm” có chữ ký của bác sĩ Hà Văn Mạo (Việt), Giám đốc Bệnh viện C17. Phiếu có nội dung: Con trai Hà Đức Hùng bị “bạch cầu tăng đột ngột”, tức là hiện tượng ung thư máu. Một căn bệnh hiểm nghèo, điều kiện y tế ở chiến trường bấy giờ bó tay. Được phép, Thu Bồn quyết định cùng vợ (đang có thai) rời căn cứ dưới chân Núi Bà, Trà My ra Bắc. Thu Bồn lấy hai cái ba lô, một cái ém chật đồ đoàn của cả nhà, mang phía trước, một cái, đục thủng hai lỗ cho con trai vào ba lô, để hai chân con thò ra hai cái lỗ thủng cho đỡ mỏi. Thu Bồn cõng con trên lưng như đồng bào dân tộc nựng con đi rẫy. Hai vợ chồng đi hơn hai tháng đường mòn Trường Sơn. Khi đến miền Bắc, chị Thu vợ Thu Bồn sinh thêm được đứa con trai, anh đặt tên Băng Ngàn còn chị Thu thì thích cái tên Hà Thảo Nguyên. Thì ra, đứa con được đầu thai trong bụng mẹ thời gian hai vợ chồng ăn sắn, ăn rau rừng ở vùng rừng núi Tây Nguyên, thời “băng ngàn dặm Trường Sơn” đã bị nhiễm chất độc màu da cam do Mỹ rải xuống.

Trong hồi ức, Thu Bồn viết: “Nhiều năm, hai cha con tôi ở trong một căn phòng nhỏ (trong ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế) cạnh phòng Nguyễn Đức Mậu, Lê Lựu. Cháu bị nhiễm chất độc da cam nên phải đi bệnh viện. Một đêm tháng mười hai lạnh như dao cắt, cháu đã trút hơi thở cuối cùng tại giường bệnh 108... Tôi vuốt mắt con, ôm cái thân xác lạnh ngắt đau đớn đi từng bước một xuống cầu thang nhà xác. Tôi mượn một cái lồng bàn úp lên thi thể của con. Sáng hôm sau tôi và Ngô Thảo đi Quan Thánh mua quan tài và cắt hộ khẩu cho con (cắt hộ khẩu báo tử mới mua được quan tài). Duy Khán đi tìm hai khúc chuối để thắp nhang, chị Định cho những đồng tiền để bỏ vào mồm cháu…”.

HỒ DUY LỆ

HỒ DUY LỆ