Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam tham gia góp ý các dự thảo luật
(QNO) - Hôm qua (7.6), tại phiên thảo luận, Quốc hội đã tập trung thảo luận việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012”.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam - Trần Xuân Vinh phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về các dự án luật. Ảnh: Văn Phước |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam - Trần Xuân Vinh đã phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, ông cho rằng nguồn vốn TPCP đã đầu tư vào những dự án cấp bách, thiết yếu, tạo động lực cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế… phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng… nhất là tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, vùng căn cứ cách mạng… thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tăng cường cũng cố lòng tin của nhân dân… Đại biểu Trần Xuân Vinh cho rằng Chính phủ đã chủ động trong công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, phát hiện các sai phạm và đã có những chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều vấn đề tồn tại, sai sót cần phải được nghiên cứu, đánh giá khách quan hơn để làm cơ sở khoa học cho những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP trong thời gian tới. Theo đại biểu Vinh, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao so với tổng mức đầu tư ban đầu là tồn tại lớn trong công tác quản lý vốn đầu tư, làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn, cần phải được khắc phục; sự bị động trong công tác quy hoạch, lập dự án, do áp lực phải có dự án kịp thời gian để báo cáo với bộ, ngành liên quan đưa vào kế hoạch, vì vậy công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán còn nhiều thiếu sót, dẫn đến việc phê duyệt dự án chưa sát đúng với tình hình thực tế, buộc phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư, đại biểu Trần Xuân Vinh đề nghị tăng cường công tác phối kết hợp giữa các địa phương với các bộ, ngành liên quan trong công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, cũng như việc hoạch định các chính sách phù hợp với thực tiễn, nhất là hạ tầng dùng chung; đẩy mạnh công tác công khai, minh bạch các tiêu chí xác định công trình cấp bách, thiết yếu để thuận lợi trong công tác phân bổ vốn cho các địa phương; chú trọng đến yếu tố đa mục tiêu trong từng dự án.
Đại biểu Trần Xuân Vinh cũng đề nghị Chính phủ bãi bỏ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở sinh viên được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các hợp đồng tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị được quy định tại Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 24.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần được quy định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi... Đồng thời, khẩn trương cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản liên quan: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện đầu tư công, xây dựng cơ bản có sử dụng nguồn NSNN một cách công khai, minh bạch, trong đó có nguồn vốn TPCP, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm...
VĂN PHƯỚC