Nông dân chung tay bảo vệ môi trường
Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là những yếu tố không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên rác thải từ các loại vật tư này lâu nay bị vứt tràn lan trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường. Mô hình thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng ở nhiều địa phương, trong đó có xã Hương An (huyện
Các bể chứa rác thải nguy hại đặt trên cánh đồng. Ảnh: H.V |
Là một xã mới chia tách từ xã Quế Phú, ngay sau khi thành lập, xã Hương An đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới được xã chú trọng là công tác bảo vệ môi trường. Chính quyền xã Hương An giao mỗi đoàn thể thực hiện một công trình có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Trong các mô hình được triển khai, nổi bật là mô hình thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng do Hội Nông dân xã chủ công.
Để thực hiện mô hình, bước đầu trên các cánh đồng của toàn xã, chính quyền thiết kế các bể bê tông chứa rác thải và cho đặt ở những vị trí thuận lợi, bên cạnh các trục đường chính dẫn ra đồng để tiện cho người dân bỏ những chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Hội nông dân cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác bừa bãi mà xây dựng ý thức tự giác thu gom, xử lý các loại vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vào bể gom rác. Qua gần 2 năm thực hiện, đến nay, toàn xã đã xây dựng hơn 40 bể thu gom rác thải trên đồng ruộng ở các thôn. Từ đây, nhận thức về việc thu gom rác thải đã trở thành thói quen trong đời sống sinh hoạt của người dân xã Hương An.
Cũng như nhiều nông dân khác của xã, đã thành thói quen, mỗi khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun tại mảnh ruộng của mình, anh Võ Thanh Tùng đều cẩn thận thu gom những bao bì, vỏ thuốc đã dùng bỏ vào bể chứa gần nhất trên cánh đồng. Anh nói: “Mỗi lần phun thuốc trên đồng, nông dân chúng tôi bỏ bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định là thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường và cũng chính là bảo vệ sức khỏe của chính mình”.
Xã Hương An có gần 300ha ruộng lúa, mỗi năm sử dụng gần 2 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại. Từ khi các điểm gom chai lọ, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật ra đời, tình hình ô nhiễm trên đồng ruộng địa phương giảm hẳn. Sau khi thu gom rác tại các bể đã đầy, người dân ở đây theo thói quen, không ai bảo ai cũng tự giác xử lý bằng cách đốt tại chỗ. Tuy cách xử lý này chưa đảm bảo tiêu chuẩn xử lý chất thải nguy hại nhưng bước đầu đã giải quyết được tình trạng rác thải tràn lan trên đồng và điều quan trọng là nâng cao ý thức người dân. Bà Lê Thị Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hương An cho biết: “Trước đây, bà con phun thuốc xong, vứt chai lọ, bao bì khắp nơi gây ảnh hưởng đến môi trường; trâu bò khi uống nước ở các ao hồ, kênh mương bị ô nhiễm nên thường xảy ra ngộ độc. Từ khi triển khai mô hình này, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình và hiện nay đã nhân rộng mô hình này trên toàn xã. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì mô hình, đặc biệt sẽ có kế hoạch thiết kế các bể chứa và xử lý tại chỗ hợp chuẩn nhằm bảo vệ môi trường”.
XUÂN MAI