Gian nan ngày hè
Chúng tôi có mặt ở biển Rạn (
Vừa bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều trẻ em con nhà nghèo đã phải mưu sinh, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ảnh: V.PHIN |
“Các cô, các chú ơi, làm ơn mua giùm con bao đậu phụng rang!”. Một bé trai mảnh khảnh mời mọc. Hỏi chuyện, biết tên là Nguyễn Nam, học sinh lớp 8, ở xã Tam Quang, Núi Thành. Nam thật thà: “Nhà đông anh chị em, ba mẹ làm nông không có nhiều tiền để lo cho các con. Nghỉ hè, con tranh thủ bán đậu phụng rang ở bãi biển kiếm ít tiền phụ giúp ba mẹ, còn để dành tiền cho năm học mới nữa. Bữa mô đắt hàng, con kiếm cũng được ba bốn chục nghìn đồng”... Nhìn Nam người tỏng teo bê cái rổ lang thang trong ánh chiều của biển, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cùng với Nam, chiều ở bãi biển Rạn này có hàng chục nam, nữ học sinh tiểu học, THCS mang theo vài ba món hàng quà lặt vặt bán dạo kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Thời điểm này, chúng ta đang hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Tạo cơ hội cho trẻ em nghèo và trẻ em vùng dân tộc phát triển”, thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách, chương trình cải thiện điều kiện sống, tạo điều kiện phát triển bình đẳng, cho trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh; hạn chế tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị bóc lột sức lao động. Thế nhưng, kỳ nghỉ hè vừa chớm, những quán cà phê, quán nhậu đã trở thành điểm đến của nhiều trẻ em nghèo đi bán vé số, đánh giày, bán báo... Một sáng, tại quán cà phê Thanh Nhàn (khối phố 3, thị trấn Núi Thành), chúng tôi gặp em Đặng Thị Thanh Tuyền (ở xã Tam Giang, mới học lớp 4) đi bán vé số. Tuyền nói: “Nhà con nghèo lắm, nghỉ hè phải đi bán vé số kiếm thêm tiền giúp mẹ”. Một bé gái mới học lớp 4 mà phải lang thang từ xã biển Tam Giang đi khắp các quán nhậu, quán cà phê ở thị trấn để mưu sinh, quả là điều đáng để người lớn suy nghĩ.
VĂN PHIN